So với AI, từ khóa Metaverse trong cả năm 2022 lẫn 2023 thua xa về độ phổ biến cũng như tiện ích tới người dùng. Thứ duy nhất mà Metaverse nổi bật là lượng vốn khổng lồ mà tập đoàn Meta chi cho dự án này cũng như khoản lỗ liên quan.
Từ năm 2021, phân mảng phụ trách phát triển thế giới ảo Reality Labs VR và AR đã được tách riêng trong báo cáo tài chính. Sự phân tách này giúp cho giới chuyên môn thấy được công nghệ Meta đang theo đuổi có kết quả kinh doanh như thế nào.
Riêng trong năm 2022, Reality Labs lỗ 13,7 tỷ USD tăng mạnh so với 10,2 tỷ USD của năm 2021. Về doanh thu, dù lỗ lớn hơn năm 2021 nhưng doanh số năm 2022 của Reality Labs chỉ đạt 2,16 tỷ USD, giảm so với 2,27 tỷ USD của năm 2021.
Thời điểm khi Meta mua lại startup Oculus để phát triển công nghệ thực tế ảo vào năm 2014, số tiền được Meta lúc đó chi ra là 2 tỷ USD, con số không hề nhỏ. Meta sau đó thâu tóm nhiều studio sản xuất ứng dụng thực tế ảo khác như hãng sản xuất trò chơi Beat Saber hay hãng sản xuất ứng dụng tập luyện ảo Supernatural.
Lượng tiền đầu tư nhiều nhất tại Reality Labs dành cho khâu nghiên cứu, phát triển phần cứng cũng như nhân sự. Trước đợt cắt giảm, Reality Labs có 17.000 nhân sự.
Giám đốc tài chính Meta bà Susan Li cho rằng Reality Labs sẽ tiếp tục lỗ nặng hơn trong năm 2023, đó là điều đã được ban lãnh đạo Meta xác định từ trước. Thế nhưng, khoản lỗ này được Meta đánh giá là hợp lý để đầu tư, xây dựng giá trị lâu dài cho Reality Labs cũng như Meta. Suy cho cùng, thực tế ảo mới là đích đến tương lai của Meta thay vì các mạng xã hội hay tiện ích số như thời điểm hiện tại.
Dù nhận vô số chỉ trích cũng như những lo ngại từ giới đầu tư, CEO Mark Zuckerberg cho rằng VR cùng AR vẫn là lộ trình chính, không thay đổi. Vị CEO cho biết: "Không có bất kì dấu hiệu nào cho thấy chúng tôi phải chuyển hướng Reality Labs cho các mục tiêu dài hạn khác. Meta ở thời điểm hiện tại thực hiện nhiều tùy chỉnh nhỏ để vận hành công nghệ mới, chúng tôi cho rằng đó là một phần để tối ưu hóa công việc trong tương lai".