Ngày pháp luật

MB Bank (MBB) đổi chủ tịch

Linh Nga

Hội đồng quản trị MB bầu ông Lưu Trung Thái, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc MB giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị thay Thượng tướng Lê Hữu Đức từ nhiệm.

Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB, mã CK: MBB) vừa thông báo các quyết nghị về việc kiện toàn các nhân sự cấp cao.

MB Bank có Chủ tịch Hội đồng quản trị mới

Từ ngày 12/4/2023, Thượng tướng Lê Hữu Đức từ nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị MB trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2019-2024 theo nguyện vọng cá nhân và đề xuất Đại hội đồng cổ đông thông qua việc thôi tham gia Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2019-2024.

Hội đồng quản trị MB bầu ông Lưu Trung Thái, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc MB giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị thay Thượng tướng Lê Hữu Đức.

Cùng ngày, Hội đồng quản trị MB giao nhiệm vụ cho ông Phạm Như Ánh chức danh Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành MB, đảm nhiệm quyền hạn và nhiệm vụ của Tổng Giám đốc.

 Ông Lê Hữu Đức, ông Lưu Trung Thái, ông Phạm Như Ánh (từ trái qua phải)
 Ông Lê Hữu Đức, ông Lưu Trung Thái, ông Phạm Như Ánh (từ trái qua phải)

Thượng tướng Lê Hữu Đức đã có 12 năm giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị MB, trải qua 3 giai đoạn chiến lược của ngân hàng. Người kế nhiệm ông Lê Hữu Đức hiện nay là ông Lưu Trung Thái.

Tân Chủ tịch Hội đồng quản trị MB sinh năm 1975, tốt nghiệp Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh, Đại học Hawaii, Mỹ. Ông Lưu Trung Thái đã có hơn 26 năm gắn bó, làm việc và nắm giữ các vị trí quan trọng tại MB.

Ông Lưu Trung Thái đã tham gia Hội đồng quản trị MB từ năm 2013, đảm nhận vị trí Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị. Giai đoạn 2013-2017, ông Lưu Trung Thái tham gia thực hiện tái cấu trúc các công ty thành viên, góp phần xây dựng hệ sinh thái tập đoàn tài chính đa năng với 6 công ty thành viên hoạt động an toàn, bền vững.

Tháng 1/2017, ông Lưu Trung Thái đảm nhận vị trí Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc MB. Từ đó đến nay, MB liên tục duy trì vị trí Top 5 về lợi nhuận, Top đầu về tỷ suất sinh lời trên vốn, góp phần ghi danh MB vào nhóm các doanh nghiệp có lợi nhuận trên 20.000 tỷ đồng tại Việt Nam, Top 30 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (theo bảng xếp hạng VNR500 của Vietnam Report và báo Vietnamnet).

Đảm nhiệm quyền hạn và nhiệm vụ của Tổng Giám đốc sau khi ông Lưu Trung Thái giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị là ông Phạm Như Ánh, Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành MB.

Ông Phạm Như Ánh sinh năm 1980, thuộc lớp lãnh đạo trẻ của MB, có gần 20 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành tài chính, ngân hàng. Tại Ngân hàng TMCP Quân Đội, ông Phạm Như Ánh đã đảm nhiệm nhiều vị trí từ Giám đốc Chi nhánh, Giám đốc Khối, phụ trách kinh doanh Khu vực phía Nam đến Thành viên Ban điều hành.

Giai đoạn 2007-2017, với vai trò là Giám đốc một số chi nhánh, ông Phạm Như Ánh đã dẫn dắt các chi nhánh dẫn đầu khu vực miền Trung và miền Nam. Tháng 4/2017, ông Phạm Như Ánh được giao đảm nhiệm vị trí Giám đốc Khối Khách hàng lớn (CIB).

Tháng 8/2020, ông Phạm Như Ánh được bổ nhiệm là Thành viên Ban Điều hành, nhận phụ trách quản lý hoạt động kinh doanh các đơn vị tại Khu vực phía Nam và Khối CIB của MB. Các đơn vị này đều tăng trưởng vượt bậc và an toàn, gấp từ 2-5 lần trong 3 năm qua.

Nợ xấu tăng dù chưa tiếp quản ngân hàng yếu kém

Báo cáo tài chính năm 2022 của MBB ghi nhận một năm tăng trưởng ở thu nhập lãi thuần, lĩnh vực kinh doanh ngoại hối, dịch vụ bảo hiểm... 

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý, chi phí dự phòng rủi ro của MBB gần như không đổi. Năm 2022, nhà băng ghi nhận lãi trước thuế 22.729 tỷ đồng, tăng 37,5% so với năm trước và đạt 111,8% kế hoạch năm.

Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản của MB đạt 728.532 tỷ đồng, tăng 20% so với cuối năm 2021, trong đó, cho vay khách hàng tăng tới 26,7% lên hơn 460.000 tỷ đồng. Số dư tiền gửi khách hàng tăng 15,3% đạt 443.605 tỷ đồng.

Cùng với đà tăng dự nợ tín dụng, nợ xấu của ngân hàng cũng tăng mạnh đến 54% so với đầu năm, lên hơn 5.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu cũng theo đó tăng từ 0,9% lên 1,09%. Nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) đã tăng gấp 2,8 lần so với một năm trước lên mức 2.293 tỷ đồng.

Một thông tin đáng chú ý được nhắc đến trong tài liệu họp Đại hội cổ đông thường niên 2023 dự kiến diễn ra ngày 25/4 là việc nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng thương mại; định hướng tìm kiếm, tham gia, triển khai các cơ hội sáp nhập/hợp nhất, cơ cấu lại/hỗ trợ tổ chức tín dụng, quỹ tín dụng phù hợp chủ trương của Nhà nước.

Trước đó, trả lời chất vấn cổ đông về việc nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022, ông Lưu Trung Thái - khi còn giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc MB cho biết nguyên nhân có một phần là nhiệm vụ chính trị, do MB là ngân hàng lớn, hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, ý nghĩa kinh tế của kế hoạch này còn quan trọng hơn, giúp ngân hàng có không gian tăng trưởng tốt hơn.

Theo nhiều đồn đoán, ngân hàng chuyển giao bắt buộc là OceanBank tuy nhiên đến thời điểm hiện tại MB vẫn chưa công bố chính thức sẽ nhận chuyển giao ngân hàng nào.

Một trùng hợp là tại hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh 2022 của OceanBank, ông Lưu Trung Thái đã có mặt phát biểu với tư cách khách mời, cũng cho biết  “Việc hợp tác với OceanBank vừa là nhiệm vụ chính trị, vừa là cơ hội của MB”.

Tin Cùng Chuyên Mục