Hội đồng quản trị Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - Công ty cổ phần (VEAM, mã ck: VEA) vừa phê duyệt chi trả cổ tức năm 2022 bằng tiền. Tỷ lệ thực hiện là 41,869%, tương đương mỗi cổ đông sở hữu một cổ phiếu sẽ được nhận 4.186,9 đồng.
Ngày đăng ký cuối cùng là ngày 20/11/2023. Dự kiến, cổ đông của VEAM sẽ nhận được tiền trả cổ tức vào ngày 20/12/2023.
Với gần 1,33 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, VEAM dự kiến cần chi 5.567 tỷ đồng cho đợt trả cổ tức lần này.
Trong cơ cấu cổ đông của VEA, Bộ Công Thương đang là cổ đông lớn nhất với số lượng nắm giữ gần 1,18 triệu cổ phiếu, tương ứng 88,47% vốn. Ước tính, Bộ Công thương có thể thu về 4.925 tỷ đồng từ VEA.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023, doanh thu thuần VEA ghi nhận đạt 884,4 tỷ đồng, giảm 28,2% so với cùng kỳ.
Giá vốn hàng bán giảm 30%, lùi về 748 tỷ đồng. Điểm sáng là doanh thu tài chính tăng 48% lên mức 335 tỷ đồng, chủ yếu là lãi tiền gửi ngân hàng.
Lợi nhuận của VEA vẫn chủ yếu đến từ công ty liên kết, đặc biệt là Honda Việt Nam, Toyota Việt Nam và Ford Việt Nam. Tuy nhiên, trong quý III, khoản lãi từ công ty liên kết này sụt giảm tới 26%, lùi về mức 1.285,5 tỷ đồng.
Khoản chi phí tài chính tăng vọt lên mức 13,4 tỷ đồng, gấp 4,8 lần so với cùng kỳ. Cùng với đó, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng lên mức 115,1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ ghi nhận tại 107 tỷ đồng.
Kết quả là, lợi nhuận sau thuế của VEA ghi nhận tại 1.540 tỷ đồng, giảm 19,7% so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, VEA ghi nhận doanh thu thuần 2.868,6 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ. Lợi nhuận ròng ghi nhận tại 4.673,8 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của VEA đạt 4.722 tỷ đồng, giảm 8,1% so với cùng kỳ.
Năm 2023, VEA đặt kế hoạch kinh doanh hợp nhất với doanh thu 1.187 tỷ đồng và lãi sau thuế 5.694 tỷ đồng. Với kết quả đạt được, sau 9 tháng, VEA thực hiện được lần lượt 83% kế hoạch doanh thu và vượt gần 2,5 lần kế hoạch lợi nhuận đề ra.
Tính đến cuối quý III/2023, tổng tài sản VEAM sở hữu là 31.646 tỷ đồng, trong đó, tiền, khoản tương đương tiền, tiền đầu tư tài chính ngắn hạn chiếm tới 19.067 tỷ đồng, chiếm 60% tổng tài sản.
Khoản đầu tư tài chính dài hạn giảm về 4.310 tỷ đồng, giảm 37,4% so với hồi đầu năm. Tổng nợ phải trả giảm 16,4% về 1.855 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nợ ngắn hạn với 1.799 tỷ đồng. Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn ghi nhận tại 750 tỷ đồng, không có vay nợ dài hạn.
Vốn chủ sở hữu của VEAM tính đến ngày 30/9/2023 là 29.790 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 16.295 tỷ đồng.