Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (mã CK: MSN) thông báo nghị quyết phê duyệt việc ký hợp đồng tín dụng với nhiều định chế tài chính như BNP Paribas, Credit Suisse AG chi nhánh Singapore, Standard Chartered Bank (Singapore) Ltd, The Hong Kong and Shanghai Banking Corporation Ltd và các bên khác... để vay số tiền không quá 200 triệu USD. Mục đích vay không được công ty tiết lộ.
Bên cạnh đó, Masan cũng quyết định rót thêm 5.000 tỷ đồng tiền mặt vào Công ty TNHH The Sherpa, nâng tổng số tiền dự định góp lên 6.000 tỷ đồng thay vì 1.000 tỷ đồng như nghị quyết hồi tháng 8. Việc góp vốn và thời điểm góp được công ty ủy quyền cho ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc ông Danny Le, Tổng giám đốc thực hiện.
Như vậy, vốn của The Sherpa sẽ tăng từ 516 tỷ đồng lên 6.516 tỷ đồng ngay khi "thương vụ" kết thúc.
The Sherpa đăng ký ngành nghề chính là tư vấn quản lý đầu tư, do Masan nắm 99,9% vốn góp. The Sherpa vốn được thành lập vào giữa tháng 6 để trở thành một trong ba cổ đông sáng lập của The CrownX, doanh nghiệp ra đời nhằm hoàn tất thương vụ sáp nhập VinCommerce.
Từ đầu năm đến nay Masan Group và các công ty con liên tục huy động vốn từ thị trường trái phiếu. Báo cáo tài chính hợp nhất quý III cho thấy đơn vị có khoản vay ngắn hạn 21.758 tỷ đồng, tăng thêm hơn 3.400 tỷ so với đầu năm, vay dài hạn gần gấp 3 lần lên 31.827 tỷ đồng.
Trong đó, các khoản vay dài hạn chủ yếu là phát hành trái phiếu gồm trái phiếu không có đảm bảo giá trị 15.109 tỷ đồng và trái phiếu có đảm bảo 17.218 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng năm 2020, doanh thu của Masan tăng gấp đôi cùng kỳ lên 55.600 tỷ đồng chủ yếu do hợp nhất kết quả kinh doanh của VinCommerce và lãi 810 tỷ đồng.
Đơn vị quản lý chuỗi siêu thị và cửa hàng tiện lợi Vinmart đóng góp 23.700 tỷ đồng, tiếp đến Masan Consumer Holdings mang về gần 16.400 tỷ đồng. Phần còn lại đến từ công ty chế biến thịt và khai khoáng. Ban lãnh đạo công ty cho biết nếu trên cơ sở so sánh tương đương (với giả định hợp nhất số liệu VinCommerce trong cùng kỳ năm ngoái) thì doanh thu thuần tăng trưởng xấp xỉ 20%.
Tổng nguồn vốn của Masan tính đến cuối kỳ đạt trên 109.000 tỷ đồng, tăng 12.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Nợ phải trả chiếm gần 81.000 tỷ đồng trong số này.