Làn sóng di cư khỏi Twitter đang dần trở nên thịnh hành sau khi tỷ phú Elon Musk thâu tóm mạng xã hội này vào tháng 10 vừa rồi. Hàng loạt mạng xã hội khác lọt vào mắt xanh của người dùng Twitter để làm đích đến tiếp theo trên thế giới số. Từ Facebook, Instagram, Mastodon... đều nhận lượng người dùng lớn. Tuy nhiên, trong số này có Hive Social, mạng xã hội chỉ có 3 nhân sự phụ trách toàn bộ việc điều hành.
Mạng xã hội 3 năm tuổi đột nhiên đón nhận lượng người dùng mới tăng chóng mặt vì người dùng từ bỏ Twitter. Giao diện tương đồng với Twitter khiến người dùng ưa thích Hive Social do tính thân thiện của mạng xã hội này. Người dùng cho rằng Hive Social là một bản sao hoàn hảo của Twitter, bản sao không có Elon Musk quản lý.
Tính tới ngày 21 tháng 11, Hive Social đã có 1 triệu người dùng, tăng gấp đôi so với thời điểm trước khi Twitter bị thâu tóm. Đà tăng của Hive đã tồn tại từ trước khi thương vụ Twitter hoàn thành tuy nhiên thời gian gần đây lượng người dùng mới của Hive tăng đột biến và vẫn còn tiếp tục tăng mạnh.
Hệ thống hạ tầng của Hive Social tới thời điểm hiện tại khó lòng đáp ứng được đủ nhu cầu của người dùng. Mạng xã hội thường xuyên gặp phải lỗi kết nối, truy cập gián đoạn, những người dùng truy cập được thì tốc độ rất chậm. Một trong 3 nhà sáng lập, Raluca Pop cho hay nhóm đang làm việc không kể ngày đêm để xử lý lỗi, cải thiện khả năng truy cập, mang tới cho người dùng trải nghiệm mạng xã hội tốt hơn.
Cô cho rằng ở thời điểm hiện tại, dù nhóm chỉ được ngủ 2 giờ mỗi ngày nhưng đây là dự án tâm huyết nên mọi người đều thấy vui vẻ khi hoàn thiện nó hơn.
Raluca Pop sáng lập Hive Social vào năm 2019 khi cô cho rằng những mạng xã hội hiện tại không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng mà cô mong muốn. Từ ý định, cô gái 23 tuổi tự học lập trình, xây dựng nhóm với 3 thành viên để sáng lập nên Hive. Pop cho rằng với lượng người dùng lớn như hiện tại, nhóm phải tuyển thêm một nhân sự mới để cả 4 người cùng giải quyết các vấn đề còn tồn đọng trong Hive Social.
Theo giới chuyên gia, để thành công thì ổn định vẫn là chưa đủ. Một mạng xã hội cần có các yếu tố kiểm duyệt nội dung để bảo vệ người dùng, bảo vệ cộng đồng cũng như bảo vệ luật pháp. Ví dụ đơn cử như Facebook, mạng xã hội với gần 3 tỷ người dùng áp dụng nhiều công nghệ tự động chặn các thông tin độc hại, kèm theo đó là đội ngũ hơn 15.000 nhân sự kiểm duyệt nội dung. Vấn đề về nội dung cũng đang là yếu tố khiến nhiều mạng xã hội từ Parler, Truth Social hay thậm chỉ cả Faceboo gặp không ít rắc rối.