Ngày pháp luật

Lý do nhà đầu tư “thờ ơ” dự án bãi đậu xe công cộng

G.Nguyễn – C.Phong

Theo tính toán báo cáo khả thi dự án, thời gian hoàn vốn của dự án kéo dài (tùy theo quy mô dự án vào khoảng 31 - 46 năm) khiến nhà đầu tư khó khăn trong huy động vốn, vay vốn thực hiện dự án.

Nhiều vướng mắc “ngáng chân” nhà đầu tư

Sở GTVT TP HCM vừa cho biết, theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 thì hệ thống giao thông tĩnh (bến bãi) có diện tích là 1.145,88ha, trong đó diện tích bến bãi đậu xe ô tô là 522,98 ha, chiếm 45,6%.

Ngoài ra, theo quy hoạch khu trung tâm 930ha (Quyết định số 6708 năm 2012 của UBND TP) có đề cập đến 3 vị trí bãi đậu xe ô tô được bố trí trong không gian ngầm khu vực dưới công viên 23/9 - chợ Bến Thành - công viên Quánh Thị Trang, khu vực bờ sông Sài Gòn (dọc đường Tôn Đức Thắng), Công trường Mê Linh...

Lý do nhà đầu tư “thờ ơ” dự án bãi đậu xe công cộng - Ảnh 1
Dự án Bãi đậu xe công viên Lê Văn Tám từng được kỳ vọng sẽ giúp TP HCM có thêm nơi đậu xe công cộng nhưng hiện chưa thể triển khai.

Nhìn chung, đa số các bãi đậu xe công cộng theo quy hoạch đang được nghiên cứu đầu tư đều tận dụng quỹ đất hiện có của chính DN hoặc tận dụng không gian ngầm các công viên, trung tâm thương mại, nhà văn hóa, khu vui chơi giải trí... 

Tuy nhiên, theo Sở GTVT, hiện TP đang gặp rất nhiều khó khăn trong công tác xây dựng các bến bãi này để phục vụ giao thông cho địa bàn. 

Đầu tiên, các dự án đầu tư xây dựng kinh doanh bãi đậu xe ngầm, cao tầng có quy mô lớn, tổng mức đầu tư cao, nhu cầu vốn lớn nhưng nguồn doanh thu chủ yếu từ phí dịch vụ trông giữ xe.

Mặc dù các dự án đã có tính toán một phần diện tích kinh doanh dịch vụ thương mại nhưng tỷ suất lợi nhuận của dự án không cao, thời gian hoàn vốn của dự án kéo dài (Dự án Bãi đậu xe công viên Lê Văn Tám thời gian hoàn vốn là 31 năm; Bãi đậu xe ngầm sân bóng đá công viên Tao Đàn thời gian hoàn vốn là 46 năm) không hấp dẫn, thu hút được nhà đầu tư thực hiện. 

Bên cạnh đó, mảng dịch vụ văn phòng cho thuê khu vực trung tâm TP hiện đang trong giai đoạn bão hòa, đã ảnh hưởng rất lớn khả năng thu hồi vốn dự án, phương án tài chính của dự án (vốn chủ sở hữu, huy động vốn, nguồn thu...).

Đặc biệt, các vị trí quy hoạch bãi đậu xe ngầm được bố trí lồng ghép trong các khu vực công viên, sân vận động có chức năng sử dụng đất công viên cây xanh, thể dục thể thao, chỉ tiêu quy hoạch, mật độ xây dựng trên mặt đất thấp, không bố trí kinh doanh thương mại dịch vụ làm cho phương án tài chính, dự án không khả thi…

Cần thêm nhiều ưu đãi, hỗ trợ tài chính

Sở GTVT cho rằng, để phát triển hơn nữa hệ thống bến bãi phục vụ nhu cầu giao thông của người dân TP, thì việc nghiên cứu xây dựng, điều chỉnh bổ sung cơ chế chính sách ưu đãi phù hợp và đồng bộ nhằm thu hút, huy động các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư xây dựng, cung ứng dịch vụ bến bãi vận tải là rất cần thiết.

Sở cũng đề xuất, các loại hình bến bãi đầu tư xây dựng mới hoặc được cải tạo nâng cấp theo quy hoạch được miễn tiền thuê đất đối với phần diện tích các hạng mục công trình dịch vụ. Bao gồm: khu vực đón, trả khách; bãi đậu xe ô tô vào vị trí đón khách; khu vực bãi đậu xe công cộng; khu vực dịch vụ bảo dưỡng và sửa chữa phương tiện; khu bán vé; khu quản lý điều hành; khu vực phòng chờ khách; khu phục vụ vệ sinh công cộng; khu rửa xe; khu vực kho lưu trữ hàng hóa; khu vực bố trí mảng xanh, vườn hoa và đường giao thông nội bộ. 

Đối với vị trí bến bãi theo quy hoạch có công trình là bãi đậu xe ngầm hoặc bãi đậu xe cao tầng, hoặc kết hợp cả hai thì phần diện tích đất được miễn được xác định bởi tỉ lệ giữa số tầng cung ứng chỗ đậu xe công cộng và tổng số tầng xây dựng so với diện tích khu đất.

Sở GTVT cũng đề nghị cho phép công trình bến bãi đầu tư xây dựng mới theo quy hoạch (có thực hiện giải phóng mặt bằng, thu hồi đất) được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp: Thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm.

Đồng thời, Sở GTVT đề nghị đưa nhóm các dự án đầu tư xây dựng các bến bãi (mặc dù có trung tâm thương mại) vào nhóm hạ tầng để được khuyến khích cho vay vốn đầu tư. 

Bến bãi vận tải hàng hóa cũng “ngắc ngứ”

Sở GTVT TP HCM cho biết, hiện trên địa bàn TP, một số bến bãi hiện hữu được quy hoạch là các chợ đầu mối hiện hữu (Bình Điền - quận 8, Tam Bình - Thủ Đức, Tân Xuân - Hóc Môn). Đây là các bến bãi chủ yếu trung chuyển hàng hóa trong ngày. 

Ngoài ra, hiện có một số bến xe hàng được quy hoạch nằm trong các cảng đường sông (cảng VIC, cảng Bến Nghé - quận 7) thực hiện trung chuyển hàng hóa bằng container. Các bến bãi này cũng trong giai đoạn nghiên cứu đầu tư cải tạo mở rộng, nâng cấp hệ thống trang thiết bị...

Phần lớn các vị trí bến bãi hàng hóa theo quy hoạch phải được đầu tư mới, đa số đều có quy mô lớn (từ l0ha trở lên), chi phí đầu tư cho công tác giải phóng mặt bằng, chi phí xây dựng, trang bị các trang thiết bị rất lớn. Trong khi đó, hiện nay vẫn chưa có cơ chế chính sách của TW để khuyến khích đầu tư xây dựng loại hình bến bãi này, nên chưa được các nhà đầu tư quan tâm tham gia.

Tin Cùng Chuyên Mục