Theo thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cả nước có gần 110.000 doanh nghiệp thành lập trong mười tháng đầu năm, tăng hơn 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, số lượng ngừng hoạt động không đăng ký, chờ giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể lại tăng gấp đôi lên hơn 67.000. Như vậy, bình quân mỗi tháng có gần 7.000 doanh nghiệp đang hoặc đã bị xoá sổ.
Trao đổi với VnExpress, ông Chu Tiến Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM cho rằng, đây là con số cao bất thường nhưng có thể lý giải được do những vấn đề tồn tại nhiều năm. Một phần không nhỏ là hệ quả của mục tiêu cả nước có một triệu doanh nghiệp vào năm 2020, dẫn đến sự hình thành các chính sách kích thích số lượng nhưng không đảm bảo chất lượng. Điển hình trong số này là chủ trương chuyển hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp và phong trào khởi nghiệp, đặc biệt tại các đô thị lớn như TP HCM và Hà Nội.
"Thủ tục thành lập và chuyển đổi loại hình doanh nghiệp đều được đơn giản hoá nên ai cũng có thể trở thành ông chủ. Vài năm hoặc thậm chí vài tháng sau nhận thấy ngành nghề kinh doanh không phù hợp, tên doanh nghiệp không đẹp... thì giải thể để thành lập cái mới cũng đơn giản", ông Dũng nói.
Sự thông thoáng của pháp luật về đầu tư, theo ông Dũng, đang bị một bộ phận lợi dụng nhằm trục lợi bất chính. Không ít doanh nghiệp thông báo chấm dứt hoạt động vì thua lỗ, mất khả năng thanh toán để trốn tránh nghĩa vụ thuế và nợ.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), quy trình khởi sự kinh doanh tại Việt Nam hiện gồm 8 bước được thực hiện trong 17 ngày, trong khi thời gian trung bình để một doanh nghiệp khu vực Đông Á – Thái Bình Dương hoàn tất thủ tục gia nhập thị trường xấp xỉ 26 ngày. Việc giảm lệ phí đăng ký và cho phép công bố thông tin đăng ký doanh nghiệp qua mạng giúp chỉ số khởi sự kinh doanh tăng gần ba điểm so với năm ngoái, lên 84,82/100 điểm.
Tuy nhiên, chỉ số này lại tỷ lệ nghịch với điểm số năng động và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp được công bố trong một báo cáo tại Diễn đàn Kinh tế thế giới 2018. Điều này được bà Trần Thị Hồng Minh – Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho rằng khá dễ hiểu, bởi tầm nhìn chiến lược ngắn hạn, năng lực quản trị kém, chậm đổi mới sáng tạo... đều là những hạn chế cố hữu của doanh nghiệp vừa và nhỏ khiến năng lực cạnh tranh thụt lùi.
"Giải thể, phá sản là quy luật khách quan của nền kinh tế. Thị trường sẽ đào thải, thanh lọc những doanh nghiệp yếu kém để thay vào bằng một doanh nghiệp chất lượng hơn. Việt Nam đang được xem là nền kinh tế năng động, khoa học công nghệ phát triển nhanh nên tính cạnh tranh và sức ép đối với doanh nghiệp cũng tương xứng", bà Minh phân tích.
Môi trường kinh doanh phần nào được cải thiện, nhưng thực tế những điểm yếu vẫn chiếm đa số và gây ảnh hưởng đến sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Điển hình như quy định pháp lý bất cập, điều kiện kinh doanh chồng chéo, chưa xử lý triệt để hiện tượng nhũng nhiễu doanh nghiệp...
Bà Phạm Chi Lan - nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) hồi đầu tháng 10 từng dẫn chứng những lần tiếp xúc gần đây với chủ các doanh nghiệp, họ đều bày tỏ sự lo lắng khi môi trường kinh doanh thực tế chưa cải thiện được nhiều. Ngay thủ tục hành chính một cửa, để đi tới cửa cuối cùng vẫn phải qua nhiều cửa ngách.
"Nếu không gõ các cửa nhỏ thì thủ tục vẫn nằm im tại chỗ, không tới được cửa cuối cùng. Trong khi chúng ta cứ nói đến việc tạo ra những công cụ mới, cải cách mới thì những cái cũ, tệ hại hơn chưa được gỡ bỏ. Doanh nghiệp Việt đang rất lo về tương lai của họ", bà nói.
Thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cũng cho thấy, trong số doanh nghiệp đóng cửa mỗi tháng thì tỷ trọng có vốn điều lệ dưới 10 tỷ đồng vẫn áp đảo. Nguyên nhân là nguồn vốn mỏng và tình trạng khó tiếp cận được vốn từ cả phía doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng. Trong khi doanh nghiệp thiếu khả năng hoạch định chiến lược làm giảm độ tin cậy về tính khả thi của dự án đầu tư, thiếu minh bạch về tài chính làm giảm mức độ tín nhiệm thì hồ sơ cho vay vốn của các tổ chức tín dụng cũng còn phức tạp, lãi suất cao và đánh giá rủi ro chưa hợp lý.