Theo thống kê của Công ty cổ phần chứng khoán SSI, trong nhóm trái phiếu năng lượng và khoáng sản, các doanh nghiệp năng lượng đều gia tăng tỷ trọng phát hành. Năm 2020, các doanh nghiệp khoáng sản chỉ phát hành 4.900 tỷ đồng, tăng 57,3% so với năm 2019. Trong khi đó các doanh nghiệp năng lượng phát hành 35.700 tỷ đồng, tăng 274% so với năm trước.
Mức huy động vốn trái phiếu cho các dự án năng lượng tăng mạnh ở cả điện mặt trời, điện gió và thủy điện, trong đó các dự án điện mặt trời vẫn chiếm tỷ trọng phát hành lớn nhất. Số vốn trái phiếu huy động cho các dự án điện mặt trời năm 2020 đạt gần 30.000 tỷ đồng, cao gấp 3,5 lần so với năm 2019.
Theo SSI, trong năm 2019 và 2020, có gần 20.000 tỷ đồng vốn trái phiếu được huy động cho các dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận, 8.900 tỷ đồng cho các dự án tại Đắk Lắk và 5.700 tỷ đồng cho các dự án ở Bình Thuận. Đây là 3 khu vực huy động vốn trái phiếu lớn nhất cho các dự án điện mặt trời, ngoài ra còn có Bình Định, Khánh Hòa, Gia Lai, Long An, Hậu Giang và Quảng Trị.
Tuy nhiên, SSI đánh giá kế hoạch cắt giảm năng lượng tái tạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) do dư thừa nguồn cung có thể làm gia tăng rủi ro với trái phiếu điện mặt trời.
Theo EVN, sản lượng mặt trời trên toàn quốc năm 2020 là 10,9 tỷ KWh, trong đó điện mái nhà là 1,15 tỷ KWh, chiếm khoảng 4,3% tổng sản lượng huy động nguồn toàn hệ thống điện quốc gia.Trong năm 2020, EVN đã phải cắt giảm 365 triệu KWh điện mặt trời do quá tải lưới nội vùng, chủ yếu ở khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận và một số tỉnh miền Trung.
Bên cạnh, theo SSI, khó khăn do đường truyền tải, công suất điện mặt trời hiện vượt quá nhu cầu, đặc biệt vào buổi trưa khi bức xạ mặt trời tốt nhất trong ngày nhưng lại là thấp điểm về nhu cầu sử dụng điện. Trong năm 2021, EVN dự kiến giảm khoảng 1,3 tỷ KWh năng lượng tái tạo.