Ngày pháp luật

Lối thoát nào cho taxi truyền thống?

Theo Huỳnh Kim Tôn/Enternews

Dường như những chiến lược và những giải pháp cạnh tranh mà các doanh nghiệp taxi truyền thống đang áp dụng đã “vô tác dụng” đối với các công ty vận tải công nghệ như Uber trước đây và Grab hiện nay.

Theo Forbes Việt Nam, doanh thu năm 2017 của Vinasun giảm gần 50% so với năm trước đó, xuống còn 2.937 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế cũng giảm năm thứ hai liên tiếp, xuống mức 190 tỉ đồng. Số lượng nhân viên của công ty cũng giảm mạnh từ 17.160 người xuống còn 7.117 người chỉ sau một năm.

Còn Mai Linh thì bị rơi vào tình trạng khó khăn hơn khi tính đến hết tháng 6.2017, số lỗ của Mai Linh đã lên tới gần 800 tỉ đồng. Lợi nhuận của Mai Linh trong ba năm gần đây chủ yếu đến từ hoạt động thanh lý xe.

Lối thoát nào cho taxi truyền thống? - Ảnh 1
Các doanh nghiệp taxi truyền thống cần nâng cao khả năng quản trị chiến lược, phản ứng tốt trước những biến động liên tục của thị trường hiện nay.

Phản ứng chậm

Một lẽ hiển nhiên là khi phải chịu sức ép cạnh tranh lớn như vậy từ các đối thủ, các “ông lớn” trong ngành taxi truyền thống đã không chịu “ngồi yên” nhìn đối thủ “làm mưa làm gió.”

Các hãng taxi truyền thống đều đang nỗ lực phát triển dịch vụ của mình bằng cách cho ra mắt ứng dụng gọi xe, đầu tư dịch vụ xe sang như Vcar của Vinasun. Trong khi Mai Linh cũng quyết định mở thêm dịch vụ xe ôm M.Bike vào năm ngoái.

Mặc dù đã rất cố gắng nhưng những giải pháp này dường như đã không giúp các hãng taxi truyền thống thoát khỏi khó khăn.

Nguyên nhân là các doanh nghiệp taxi truyền thống vẫn chưa quản trị chiến lược tốt. Nếu doanh nghiệp đưa ra những ứng dụng có những tính năng “mới” giống cái đối thủ đang có (các app gọi xe), cung cấp dịch vụ mà đối thủ đang làm, hoặc thậm chí còn làm tốt hơn (các dịch vụ gọi xe cao cấp hạng sang, dịch vụ xe ôm công nghệ), đưa ra mức giá cao hơn mức giá đối thủ đưa ra để phục vụ cùng một nhóm khách hàng thì cái “chiến lược” ấy chắc chắn sẽ không mang lại hiệu quả.

Một minh chứng khác nữa cho thấy việc quản trị chiến lược chưa được tốt đó là doanh nghiệp taxi truyền thống đã phản ứng quá chậm trước những biến động của môi trường bên ngoài.

Uber ra đời tại San Francisco vào mùa hè năm 2010, sau đó Uber đã phát triển mở rộng sang thị trường nhiều nước châu Âu trước khi đến Việt Nam năm 2014. Trong suốt 4 năm đó, Uber đã gây ra sự thay đổi lớn trong ngành vận tải taxi và làm suy giảm doanh thu và việc làm của hàng loạt doanh nghiệp taxi truyền thống ở khắp những nơi mà nó hiện diện. Nhưng dường như các hãng taxi truyền thống ở Việt Nam đã không ngó ngàng tới hoặc thậm chí là không nhận ra mối nguy cơ này mãi cho đến khi Uber vào và chiếm lĩnh thị trường. Giá như những giải pháp mà hiện giờ các doanh nghiệp taxi truyền thống đang áp dụng như phần mềm gọi xe online, dịch vụ xe hạng sang Vcar được đưa ra từ những năm 2014 hoặc sớm hơn thì chưa chắc gì các công ty vận tải công nghệ có thể có được thị phần như hiện nay.

Trong thực tế đã có những doanh nghiệp thành công khi chủ động đón đầu đối thủ. Ví dụ như trường hợp của công ty DiDi, một hãng gọi xe công nghệ giống Uber, ra đời năm 2012 sau Uber, đã đánh bật Uber ra khỏi thị trường Trung Quốc vì trước khi Uber vào Trung Quốc (2014), DiDi đã có những chiến lược tốt để đón đầu và cạnh tranh tốt với Uber.

Lối thoát nào?

Để có thể vượt qua khó khăn hiện tại, để cạnh tranh tốt hơn, doanh nghiệp taxi truyền thống cần thực hiện tốt những việc sau:

Thứ nhất, doanh nghiệp cần nâng cao khả năng quản trị chiến lược của đơn vị thông qua việc tuyển chọn, huấn luyện và đào tạo đội ngũ nhân lực cấp cao về tư duy chiến lược và quản trị chiến lược. Điều này giúp doanh nghiệp “biết cách” đưa ra được những chiến lược cạnh tranh tốt và phản ứng tốt trước những biến động liên tục của thị trường hiện nay.

Thứ hai, doanh nghiệp cần tập trung vào khách hàng, thấu hiểu khách hàng và tạo ra nhiều giá trị mới cho cho khách hàng.

Thay vì cung cấp một dạng dịch vụ, một mức chất lượng dịch vụ taxi giống nhau cho mọi đối tượng khách hàng, doanh nghiệp nên phân chia thành những phân khúc khác nhau để thiết kế những dịch vụ riêng phù hợp với nhu cầu của từng nhóm đối tượng.

Chẳng hạn như doanh nghiệp có thể thiết kế một dịch vụ taxi riêng dành cho những nhóm khách người nước ngoài tại các sân bay quốc tế. Đối với nhóm người này, họ có nhu cầu khác với các khách hàng thông thường, như họ muốn tài xế taxi có thể giao tiếp tiếng Anh cơ bản, có thể cung cấp thông tin và tư vấn cho họ các địa điểm nghỉ ngơi, tham quan phù hợp trong thành phố và thậm chí là một số nét đặc trưng văn hoá của địa phương… Ngoài ra, doanh nghiệp còn có thể sàng lọc, lựa chọn và liên kết với các đơn vị nghỉ dưỡng, ăn uống và du lịch có chất lượng để làm đối tác hợp tác toàn diện, kết nối các dịch vụ với nhau để cung cấp gói dịch vụ tốt cho khách hàng và cả hai cùng có lợi.

HUỲNH KIM TÔN - Giảng viên về quản trị chiến lược, đổi mới và sáng tạo

Tin Cùng Chuyên Mục