Tín dụng tăng trưởng, NIM được cải thiện
Dựa trên giả định vaccine Covid-19 sẽ được phân phối nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu, kìm hãm sức ảnh hưởng của đại dịch tới nền kinh tế, Báo cáo chiến lược đầu tư 2021 của Công ty cổ phần Chứng khoán VnDirect dự báo kinh tế việt Nam sẽ khởi sắc trở lại trong năm tới. Điều này dẫn tới nhu cầu về vốn gia tăng, thúc đẩy tín dụng và đưa ngân hàng trở lại trạng thái bình thường.
Theo đó, với kỳ vọng kinh tế tăng trưởng 7% trong năm tới, VnDirect cho rằng tăng trưởng tín dụng năm 2021 sẽ đạt mức 13 - 14%.
Về mặt huy động, do tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa cải thiện nhiều và ít áp lực về tỷ lệ lạm phát, VnDirect kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng hiện tại trong năm 2021, để các ngân hàng tiếp tục tận dụng được nguồn vốn với chi phí vốn thấp.
Về mặt tín dụng, tin tức tích cực về vaccine Covid-19 thúc đẩy hy vọng sự phục hồi kinh tế toàn cầu, thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh trở lại hoạt động. Trong khi đó, kinh tế Việt Nam dần phục hồi trong quý III/2020, được kỳ vọng sẽ tiếp tục cải thiện trong quý IV/2020 và năm 2021 để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Do đó, các ngân hàng sẽ có thể thu được phần thu nhập lãi của các khoản cho vay tái cơ cấu và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để cải thiện thu nhập lãi, giúp tỷ lệ NIM (tỷ lệ thu nhập lãi thuần) của các ngân hàng phục hồi trong năm 2021, dù ở mức độ khác nhau.
Báo cáo cũng kỳ vọng Chính phủ sẽ duy trì tốc độ giải ngân đầu tư công cao và Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng hiện tại để thúc đẩy nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng tín dụng trong năm 2021. Do đó, các ngân hàng sẽ là những người đầu tiên được hưởng lợi từ xu hướng phục hồi.
"Lợi nhuận của các ngân hàng sẽ tăng vọt vào năm 2021 khi NIM cải thiện và tăng trưởng tín dụng cao hơn", nhóm nghiên cứu tại VnDirect dự báo.
Nợ xấu vẫn đáng ngại
Thống kê của VnDirect cho thấy tính đến cuối quý III/2020, tổng dư nợ cho vay của 21 ngân hàng tăng 10,7% so với cùng kỳ đạt 5.641 tỷ đồng và chiếm 64,9% tín dụng toàn hệ thống.
Tuy nhiên, nợ xấu quý III lại tăng tới 13,2% so với cùng kỳ, đẩy tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng lên mức 1,85%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (Số dư dự phòng của các khoản nợ xấu/Nợ xấu - LLR) vốn cho thấy khả năng phòng thủ của các ngân hàng trước tình hình nợ xấu chỉ còn 84,8% ở thời điểm cuối quý III/2020, giảm so với mức 87,3% cùng kỳ năm 2019.
Xét tương quan giữa các ngân hàng, Vietcombank, ACB và MBB duy trì được tỷ lệ nợ xấu thấp và tỷ lệ bao nợ xấu cao. Tiêng Techcombank ghi nhận sự cải thiện trong xử lý nợ xấu, với tỷ lệ nợ xấu đạt 0,6% vào cuối quý III/2020, mức thấp nhất trong hệ thống và LLR đạt 148% vào cuối quý III/2020, cao thứ hai toàn ngành.
Các chuyên gia của VnDirect cho rằng việc nợ xấu tăng đột biến trong phân khúc tài chính tiêu dùng là điều khó tránh khỏi, nhưng chất lượng tài sản của các ngân hàng hiện có những dấu hiệu về việc sẽ được cải thiện dần trong năm 2021-2022, đặc biệt nếu đại dịch được kiểm soát và nền kinh tế phục hồi trên phạm vi toàn cầu. Từ đó, nhóm ngân hàng có quy mô lớn và giữ được sức hút với khách hàng sẽ có lãi lớn trở lại vào năm 2021.
Riêng về biến động giá cổ phiếu, VnDirect cho biết, VN-Index và các ngân hàng nằm trong danh mục theo dõi (coverage) của công ty này đã trở lại mức giá cuối năm 2019, ngoại trừ VIB, LPB và ACB do đã chuyển sang sàn HoSE, làm tăng sức hút đối với cổ phiếu. Do đó, VnDirect nâng đánh giá ngành ngân hàng lên tích cực.