Ngày pháp luật

Lợi nhuận Microsoft giảm 12% trong quý IV/2022

Kim Dung

Microsoft vừa công bố kết quả kinh doanh quý IV/2022 với mức tăng trưởng doanh thu yếu hơn dự kiến ​​và lợi nhuận giảm ở mức hai con số trong bối cảnh kinh tế suy yếu, nhu cầu về máy tính cá nhân và phần mềm giảm.

Theo CNN, doanh thu của "gã khổng lồ" công nghệ trong quý IV/2022 là 52,7 tỷ USD, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng thấp hơn một chút so với dự đoán của các nhà phân tích. Đây là mức tăng thấp nhất trong vòng 6 năm qua. Cùng với đó, lợi nhuận ròng quý IV/2022 của công ty chỉ đạt 16,4 tỷ USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo kinh doanh này được công bố vào thời điểm hỗn loạn đối với Microsoft nói riêng và toàn bộ ngành công nghệ nói chung khi làn sóng cắt giảm nhân sự trong ngành đang lan rộng. Tuần trước, Microsoft cho biết sẽ sa thải 10.000 nhân viên để cắt giảm chi phí cho công ty.

Satya Nadella, CEO của Microsoft cho biết nhu cầu đối với các dịch vụ kỹ thuật số đã thay đổi trong sau đại dịch cũng như những lo ngại về suy thoái kinh tế đã khiến công ty phải cho thôi việc số lượng lớn nhân sự.

Lợi nhuận Microsoft giảm 12% trong quý IV/2022
Lợi nhuận Microsoft giảm 12% trong quý IV/2022

Nhu cầu về máy tính cá nhân (PC) và phần mềm (hệ điều hành Microsoft) đã giảm mạnh so với thời kỳ đại dịch. Theo công ty tư vấn Gartner, các lô hàng PC của Microsoft đã giảm tới 28% trong quý IV/2022 so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức sụt giảm lớn nhất kể từ giữa những năm 90 đến nay.

Song song đó, Microsoft cũng ghi nhận doanh thu giảm từ các hoạt động OEM Windows, Xbox và các dòng dịch vụ khác. Ngoài ra, Microsoft cũng phải chịu khoản chi phí 800 triệu USD cho kế hoạch sa thải trong vừa công bố.

Tuy nhiên, báo cáo doanh thu của công ty vẫn có một số điểm sáng. Doanh thu từ dịch vụ điện toán đám mây, lĩnh vực trọng tâm của Microsoft trong những năm gần đây đã tăng 22% so với năm trước. Cổ phiếu của gã khổng lồ công nghệ cũng tăng 4% sau khi tin tức này được tiết lộ.

Hồi đầu tuần, Microsoft vừa xác nhận công ty đang đầu tư hàng tỷ USD vào OpenAI, chủ sở hữu của siêu chatbot được hỗ trợ bởi AI - ChatGPT. Gã khổng lồ công nghệ có thể sẽ tích hợp ChatGPT vào công cụ tìm kiếm Bing, đưa công cụ tìm kiếm này trở thành đối thủ cạnh tranh với Google của tập đoàn Alphabet. Ngoài ra, công ty còn có thể tích hợp ChatGPT vào một số ứng dụng tiêu biểu của mình, chẳng hạn như Outlook và Word.

Tin Cùng Chuyên Mục