Tôi hiểu có rất nhiều sự hoang mang, lo lắng của các nhà đầu tư đối với tình hình thị trường hiện nay, đặc biệt khi họ thấy tiền của mình đang dần cạn kiệt. Họ đã nghĩ đến một ngày, khi đăng nhập vào tài khoản và chỉ thấy hiển thị 0 USD, toàn bộ số tiền tiết kiệm cả đời đã “không cánh mà bay” do covid-19.
Tuy nhiên, nếu biết cách đầu tư và sử dụng tiền của bạn một cách khôn ngoan, bạn sẽ không cần quá lo lắng trong giai đoạn khủng hoảng này. Và điều duy nhất cần làm lúc này là hãy đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình.
Đó là những lời nhắn nhủ mà Charles Weeks - một chuyên gia lập kế hoạch tài chính kì cựu muốn gửi tới các chủ doanh nghiệp.
Một lần đầu tư có thể khiến bạn thực sự thất bại
Hãy bắt đầu với một kịch bản thực tế và đối mặt với những điều có thể thực sự sẽ xảy ra. Nếu bạn đầu tư vào một công ty, bạn có thể mất tất cả số tiền của mình. Thực tế, đây thường là kết quả của rủi ro kinh doanh mà nhiều người sẽ gặp phải.
Chắc hẳn nhiều người còn nhớ chuỗi cửa hàng sách nổi tiếng của Mỹ - Borders. Trong khi ngành kinh doanh sách có những thay đổi mạnh mẽ, thì Borders lại vẫn tiếp tục chiến lược kinh doanh tập trung vào việc mở rộng chuỗi cửa hàng. Borders đã phải vật lộn với sự cạnh tranh dữ dội từ các siêu thị, cửa hàng trực tuyến và sách điện tử… khiến doanh nghiệp phải phá sản.
Hay vụ bê bối kế toán lớn nhất mọi thời đại của gã khổng lồ năng lượng Enron khiến cả thế giới đầu tư rúng động. Suốt nhiều năm trước đó, Enron đã tạo dựng được danh tiếng về sự đổi mới, khiến giá cổ phiếu của họ tăng vọt, nhưng rồi tất cả những thành tựu của công ty năng lượng này đã sụp đổ chỉ trong vài tháng. Các cổ phiếu có giá cao chót vót trước đây đột nhiên vô giá trị. Hàng ngàn công nhân không chỉ mất việc mà còn mất luôn cả giá trị của những cổ phiếu mà họ được phép sở hữu.
Những rủi ro như thế này hoàn toàn có thể tránh được
Rủi ro kinh doanh được coi là loại rủi ro phi hệ thống, và nó có thể được đa dạng hóa. Vì vậy, bạn không nên dành quá nhiều tiền cho một cổ phiếu duy nhất trong danh mục đầu tư. Cho dù câu chuyện của công ty đó có hấp dẫn như thế nào thì mối đe dọa về sự đảo chiều mà bạn không bao giờ dự đoán có thể “xóa sổ” tài khoản của bạn nếu bạn bỏ quá nhiều tiền đầu tư vào nó.
Chẳng hạn chỉ số chứng khoán từ iShares (IWB) nắm giữ 997 danh mục chứng khoán với những tỷ lệ khác nhau, trong đó, Apple chiếm 4,39% danh mục đầu tư. Hay VFINX, Quỹ đầu tư chỉ số Vanguard 500, nắm giữ cổ phiếu của 508 công ty, với cổ phần lớn nhất là Microsoft, chiếm khoảng gần 5%.
Không ai lường trước được điều gì sẽ xảy ra với Apple và Microsoft, đặc biệt trong giai đoạn này. Nhưng ngay cả khi 2 công ty này có phá sản, thì khoản đầu tư của bạn vào IWB hoặc VFINX cũng chỉ bị ảnh hưởng ở mức thấp nhất.
Mặc dù tôi không thể nói với bạn rằng việc bán tháo trên thị trường do tác động của covid-19 đã đạt đến mức giảm tối đa, nhưng tôi có thể nói với bạn rằng trong khi S&P 500 đã giảm hơn 30%, thì danh mục đầu tư đa dạng sẽ giảm ít hơn nhiều.
Một số người có thể không hài lòng với mức giảm 30%, nhưng điều quan trọng là phải nhận ra nỗi sợ mà dịch bệnh gây ra và những suy nghĩ phi lý mà nó viện dẫn, giống như chúng ta sẽ mất tất cả tiền của mình. Không có gì làm giảm lo lắng hơn là hành động. Bạn có thể làm những hành động nhỏ để giải quyết nhu cầu về cảm xúc mà không khiến tài chính gặp rủi ro bởi cổ phiếu là một trong số ít tài sản khiến người mua có tâm lý khó mua hơn khi chúng trở nên rẻ hơn.
Khi bạn bán tháo, đòn bẩy cảm xúc sẽ chống lại bạn. Nếu thị trường giảm hơn nữa, điều đó khẳng định nỗi sợ hãi của bạn. Khi nó tăng lên, bạn lại không muốn mua vào sau khi vừa bán ra.
Do vậy, việc nhìn nhận thực tế rất quan trọng vì nó sẽ cho phép chúng ta tránh hành động (bán tháo) khi đó sẽ là bất lợi lớn nhất vào thời điểm đó.