“CL là sự thừa nhận”…
Thưa ông, hiện nay, khái niệm nền “KTX”, “CLX” được nhắc tới khá nhiều. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu tường tận, đúng bản chất của những khái niệm này, ông có thể phân tích, chia sẻ rõ hơn về các cụm từ đó?
“Xanh” trong CL là khái niệm rộng mở, là đa dạng về sinh học, giữ môi trường cho thế hệ sau, cho những vật yếm thế có thể tồn tại. CLX trước tiên cần đạt CL chuẩn nghĩa là được thừa nhận với những tiêu chuẩn CL, cơ bản, ví dụ như đạt ISSO 9001:2015… rồi đến tiêu chí trách nhiệm xã hội (TNXH) DN như SA 8000, ISO 26000; Gần đây nhất bạn sẽ thấy có ESG các tiêu chí về môi trường, xã hội, quản trị DN hoặc trong ngành ca cao của chúng tôi đã phải bắt đầu tuân thủ EUDR là quy định về chống phá rừng của châu Âu. Tất cả những tiêu chí này tạo nên yếu tố “xanh” của CL.
CLX, KTX là những khái niệm liên quan đến thị trường. Thực tế, thế giới có những quy định, thỏa ước quan trọng về KTX, từ Thỏa thuận Paris hạn chế về khí thải cho đến Nghị định thư Kyoto thực hiện Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu... Việt Nam cũng có Luật Môi trường rồi Nghị định 896 về vấn đề khí thải…
Không có một nền kinh tế nào mà không có thị trường. Thị trường hiện tại ưu tiên các sản phẩm xanh. Các sản phẩm KTX cần kiên trì theo đuổi và thực hiện để đạt được tiêu chuẩn “đạo”. “Đạo” được hiểu là đạo đức trong kinh doanh, VD chúng ta tuân thủ các nguyên tắc về việc không phá hoại môi trường, chống ô nhiễm không khí, nguồn nước… trong sản xuất, kinh doanh chính là thực hiện được “nét đẹp đạo” này một cách đúng nghĩa, về lâu dài có thể phát triển bền vững, đạt được lợi nhuận cao. Mở rộng ra thị trường trong nền kinh tế thì nền kinh tế đó phải hướng tới “net zero”, có nghĩa là không tạo ra khí thải phá hoại bầu khí quyển. Nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam đã cam kết năm 2050 “net zero” của Việt Nam bằng 0. Đó là một mục tiêu rất hay và gần như là “kim chỉ nam” có tính định hướng tất cả các ngành.
Những ý kiến như tôi chia sẻ trên đều hướng tới khái niệm chung là “luật” và “đạo”. Trong đó, “luật” là các quy định đề ra để thực hiện, tuân thủ, còn “đạo” là ý chí của người làm kinh tế. CLX ở khía cạnh DN là bạn cần đảm bảo sản phẩm hoặc dịch vụ đáp ứng được các tham số đo lường CL truyền thông, đồng thời phải tích hợp được các yếu tố xem xét tác động đến môi trường ở mọi giai đoạn, chu kỳ sản phẩm, từ thiết kế, sản xuất (nguồn nguyên vật liệu thân thiện với môi trường) đến sử dụng, tiêu hủy…
CLX ở khía cạnh người tiêu dùng, khách hàng chính là cảm nhận của họ về dòng sản phẩm xanh, mang lại được lợi ích trong việc bảo vệ môi trường. Tôi nghĩ người tiêu dùng sẽ có 4 cảm nhận trong việc chọn lựa sản phẩm CLX: Cảm nhận về CL: Đánh giá của người tiêu dùng về sản phẩm qua tác động môi trường, độ bền và hiệu quả; Cảm nhận về giá trị: Những lợi ích và hiệu quả mà người tiêu dùng cảm nhận được khi sử dụng sản phẩm; Cảm nhận về độ phủ: Độ phủ sóng rộng của sản phẩm xanh đến người tiêu dùng; Cảm nhận về giá: Giá của sản phẩm tương xứng với những giá trị mà nó đem lại.
CLX và KTX thiên về “đạo” nhiều hơn. “Đạo” thường là không bắt buộc, chỉ là sự lựa chọn. Tuy nhiên, hiện nay, Chính phủ, Liên hợp quốc đang chuyển những khái niệm “đạo” đó thành bắt buộc để “biến” CL thành xanh và KTX, CLX, phát triển xanh chính là xu thế của toàn cầu. Trong dòng chảy đó, Việt Nam cũng đang nỗ lực hướng tới chuẩn hóa các quy định này!
Là một chuyên gia về CL, qua công tác kiểm định, ông nhận thấy CL sản phẩm, dịch vụ của các DN Việt hiện nay đang ở mức nào? Đâu là điểm yếu lớn nhất mà các sản phẩm, hàng hóa Việt cần phải chấn chỉnh trên hành trình khẳng định CL và vươn ra thế giới?
CL là các tiêu chuẩn. Với tôi cũng như Hội CL TP Hồ Chí Minh thì “CL là sự thừa nhận”, nếu không có được sự thừa nhận thì không có giá trị.
Nếu nói CLX thì DN đó ngoài việc phải tuân thủ CL chuẩn, nghĩa là được thừa nhận với những tiêu chuẩn tối thiểu, phải cam kết các tiêu chí “xanh” như tôi đã chia sẻ rõ như trên và cần được quy định trong điều lệ tổ chức để toàn thể đội ngũ nhất quán và được thực hiện xuyên suốt, liên tục, rõ ràng, minh bạch, hiệu quả.
Dưới góc nhìn của tôi, DN hiện đã nhận thức được, hiểu được luật chơi chung cần đáp ứng gì và các nhà lãnh đạo DN đã dần biến chuyển thành hành động. Thực tế, có những DN đi đầu, tận hưởng các lợi thế này như: Công ty CP Cacao Việt Nam; Công ty CP Vinamit; Cà phê Trung Nguyên... Họ là những “cánh chim đầu đàn” tiên phong làm tốt TNXH, đảm bảo môi trường, thúc đẩy khởi nghiệp xanh, góp phần tạo ra các sáng tạo mới, giá trị mới…
Theo ghi nhận của Hội CL TP Hồ Chí Minh, hiện có khoảng 35% DN nhận thức tốt và đáp ứng được các tiêu chí này, số còn lại đang chuyển biến nhận thức, hoặc đang cố gắng triển khai thực hiện. Khó khăn lớn nhất của các DN hiện nay có lẽ là vấn đề vốn. Để tiếp cận CLX, KTX, các DN nhỏ và vừa có thể tìm kiếm các dự án, ngành nghề có lợi nhuận trong ngắn hạn, hoặc trước mắt nên đáp ứng các yêu cầu tối thiểu như đảm bảo tuân thủ không xả thải môi trường, chặt phá rừng… chứ chưa nên đầu tư lớn. Ngoài ra, việc cấp chứng thư chứng minh một số cây trồng trên đất không phải là đất chống phá rừng cũng rất phức tạp. Bởi vậy, chúng tôi mong muốn Nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc cấp Chứng nhận này để sản phẩm xuất khẩu sang châu Âu được thuận lợi, dễ dàng hơn.
Vì một tương lai xanh bền vững và thịnh vượng…
Với vai trò Chủ tịch Hội CL TP Hồ Chí Minh, ông và Hội đã làm gì để giúp các DN thành viên hạn chế các nhược điểm, góp phần nâng cao hơn nữa CL sản phẩm, hàng hóa Việt?
Như các bạn đã biết, lĩnh vực KTX, CLX còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Vì lẽ đó, việc nâng cao nhận thức cho các DN về các vấn đề này, từ đó triển khai hiệu quả các quy định vào thực tế là việc Hội phải làm. Đối tượng đầu tiên chúng tôi tập trung truyền thông nâng cao nhận thức là Ban quản lý các khu công nghiệp (KCN).
Vừa qua, chúng tôi đã triển khai hoạt động truyền thông tại các KCN ở Bình Dương - nơi tập trung rất đông các DN của tỉnh và kết quả ban đầu ghi nhận được những phản hồi tích cực từ chính Ban quản lý KCN và các DN. Phần lớn các DN đều đã nhận thức được rằng cần phải thay đổi tư duy, thay đổi về quản trị, đưa các tiêu chuẩn, quy chuẩn về CLX vào thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh để tăng trưởng và phát triển bền vững.
Cùng với hoạt động truyền thông, chúng tôi cũng khuyến khích DN nhỏ và vừa tích cực tham gia CLX bằng việc sẵn sàng đứng ra thực hiện hoạt động thực hành bảo chứng CL cho các sản phẩm, dịch vụ của mình. Để nhân rộng các mô hình này, Hội CL TP Hồ Chí Minh mong muốn các cơ quan, ban ngành như Sở Công Thương, các tổ chức truyền thông, báo chí cùng đồng hành, hỗ trợ nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức và giá trị, hiệu quả của các mô hình, DN tiên phong chuyển đổi CLX, KTX…
Hội CL TP Hồ Chí Minh của chúng tôi đã có chương trình QRE (Quality Review & Endorsement) tức là đánh giá và bảo chứng CL, theo tiêu chí rất “thực chiến”. Bạn có sản phẩm, dịch vụ gì tạo nên sự khác biệt, độc đáo, đồng thời tuân thủ được các quy định CL cơ bản, các chuyên gia CL của chúng tôi sẽ đánh giá và bảo chứng cho sản phẩm, dịch vụ này của bạn nhằm hỗ trợ bạn trong khâu marketing, bán hàng cũng như nâng cao sự hài lòng và tin tưởng của khách hàng, đối tác, nhà đầu tư…
Là một trong những DN nắm vững và tuân thủ khá nghiêm ngặt tiêu chuẩn “CLX”, ông có thể chia sẻ về những kinh nghiệm và bài học quý giá mà Vinacacao đã triển khai và triển khai có hiệu quả? Đâu là thông điệp mà ông muốn gửi gắm đến các DN đang trên đường “xanh hóa” CL, để phát triển và phát triển bền vững?
Thành lập từ năm 2004, tiền thân là Công ty Cacao Thành Phát, đến nay sau gần 20 năm hoạt động, Công ty CP Cacao Việt Nam (Vinacacao) không chỉ phát triển mạnh nhiều dòng sản phẩm được làm từ ca cao như bột ca cao từ cơ bản đến thượng hạng, bột chocolate, cà phê mix chocolate, các dòng chocolate dành cho đa dạng phân khúc người dùng (trẻ em, người lớn…) đáp ứng được nhu cầu của khách hàng với CL vượt trội và đã có mạng lưới phân phối rộng khắp Việt Nam. Sản phẩm của Vinacacao hiện đã được đưa vào hệ thống cửa hàng, siêu thị lớn như Starbucks, Lotte, Big C, Co.opmart, SATRA…
Sản phẩm của Vinacacao đều đạt các tiêu chuẩn, CL cần thiết để đáp ứng được tiêu chí, yêu cầu khắt khe của các nhà phân phối. Đồng thời sản phẩm của Vinacacao đã vươn ra thị trường thế giới và được sự đón nhận của người dùng quốc tế tại các quốc gia: Mỹ, Nga, Hàn Quốc, Nhật, Philipines, Ả Rập, Úc, Bỉ...
Từ khi mới ra đời, chúng tôi luôn coi trọng TNXH, đặc biệt trong việc tạo lập cơ hội việc làm đối với những người yếu thế (người khuyết tật, khiếm thị…) trong xã hội. Đây không chỉ là hoạt động nhằm hỗ trợ họ hòa nhập cộng đồng, tạo sự công bằng trong sử dụng lao động mà còn giúp họ thêm hy vọng, thắp sáng tương lai…
Không chỉ có vậy, các sản phẩm của DN được truy xuất nguồn gốc rõ ràng, để khi có sự việc gì xảy ra dễ dàng xử lý, quy kết trách nhiệm. Cùng với đó, nguồn gốc đất trồng cũng được chúng tôi xem xét rõ ràng, tuân thủ các quy định của nguyên tắc chống phá rừng của châu Âu. Các sản phẩm của Vinacacao cũng minh bạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế. Đặc biệt, chúng tôi luôn tìm tòi, sáng tạo, sử dụng các loại phân bón sinh học, hạn chế sử dụng phân bón hóa học, có hại cho môi trường. Những việc làm trên của Vinacacao cũng chính là thông điệp mà DN muốn lan tỏa đến các DN khác: Hãy tận tâm, tận lực, dồn sức, cải thiện tình hình sản xuất, kinh doanh, kiên trì theo đuổi và nâng cao CL vì một ngày mai tươi sáng hơn!
Trân trọng cảm ơn ông!