Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) kinh doanh dưới giá vốn, lỗ đậm trong quý III

Đoàn Chi

“Ông lớn” ngành hóa dầu Việt Nam ghi nhận lỗ sau thuế 1.209 tỷ đồng, đây là quý thứ 4 liên tiếp lợi nhuận đi lùi.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Quý III/2024, CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã ck: BSR) có doanh thu thuần đạt 31.946 tỷ đồng, giảm hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, kỳ này giá vốn hàng bán của BSR đạt tới 33.415 tỷ đồng, cao hơn doanh thu bán ra.

Do kinh doanh dưới giá vốn, BSR ghi nhận lỗ gộp 1.469 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn lãi 3.830 tỷ đồng.

Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính tăng 32% lên 554 tỷ đồng; chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp đồng thời giảm. Dù vậy, “ông lớn” ngành hóa dầu Việt Nam vẫn lỗ sau thuế 1.209 tỷ đồng. Đây cũng là quý đầu tiên doanh nghiệp cung ứng xăng dầu lớn trên thị trường nội địa này báo lỗ suốt gần 6 năm qua.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm nay, BSR ghi nhận doanh thu 87.058 tỷ đồng, giảm hơn 17% cùng kỳ. Còn lợi nhuận sau thuế đạt 674 tỷ đồng, giảm 89% so với cùng kỳ năm 2023.

Trước đó, vào tháng 8/2024, HĐQT BSR công bố triển khai niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) do Công ty gần giải quyết được hai nút thắt ngăn cản việc niêm yết cổ phiếu gồm, quyết toán cổ phần hóa và khoản đầu tư vào CTCP Nhiên liệu Sinh học Dầu khí miền Trung (BSR-BF). HoSE cũng công bố đã nhận hồ sơ niêm yết cổ phiếu của Công ty từ cuối tháng 8.

Với 3,1 tỷ cổ phiếu, BSR được kỳ vọng có thể lọt rổ chỉ số VN30 sau khi chuyển sàn và từ đó gia tăng tính hấp dẫn, hỗ trợ thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, sau kết quả kinh doanh quý III, cổ phiếu BSR trở nên tiêu cực hơn.

BSR đã tổ chức IPO thành công vào tháng 1/2018 và cổ phiếu BSR được đưa vào giao dịch tại sàn UPCoM thuộc Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội từ tháng 3/2018.

Được biết, BSR là đơn vị quản lý vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất - công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, có tổng vốn đầu tư trên 3 tỷ USD, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

BSR được thành lập từ năm 2008, có vốn điều lệ hơn 31.000 tỷ đồng. Danh sách cổ đông nhà nước, cổ đông lớn tại thời điểm 6 tháng đầu năm 2024 do BSR công bố duy nhất Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Hiện PVN nắm giữ 2,85 tỷ cổ phần của BSR, tương đương tỷ lệ sở hữu 92,13%.

Tin Cùng Chuyên Mục