Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa chấp thuận nới room tín dụng cho một số ngân hàng. Thay vì mức cao nhất là 10 - 12% được cấp ban đầu, trong đợt cấp tăng trưởng tín dụng lần này, có ngân hàng được điều chỉnh mức tăng trưởng tín dụng cả năm 15%.
Trong đó, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội - MB Bank được điều chỉnh mức tăng trưởng tín dụng đến ngày 31/12 tối đa lên 15% từ mức 10,5% hiện nay. Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng - VP Bank được nới từ mức 8,5% lên 12,1%.
Ngoài ra, một loạt các ngân hàng cũng đã được Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng.
Các ngân hàng lên kế hoạch tăng trưởng tín dụng theo kế hoạch kinh doanh nhưng không vượt quá mức được NHNN thông báo trong suốt năm 2021.
Mới đây, hơn chục ngân hàng đã đồng loạt gửi văn bản lên Ngân hàng Nhà nước để xin điều chỉnh mức tăng trưởng tín dụng.
Từ tháng 6, một số ngân hàng diễn ra tình trạng hết “room” tín dụng, phải thắt chặt giải ngân nhằm kiểm soát không vượt trần.
Tại buổi họp báo công bố kết quả hoạt động ngành ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2021, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, trần hạn mức tín dụng là công cụ điều hành quan trọng, góp phần quản lý chất lượng tín dụng. Ngân hàng Nhà nước sẽ căn cứ vào quy mô, chất lượng tài sản của từng ngân hàng để giao hạn mức tăng trưởng tín dụng phù hợp.
Vào đầu năm, Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu tín dụng lần một đến các tổ chức tín dụng trong hệ thống. Nhóm ngân hàng quốc doanh, Vietcombank được cấp ở mức cao nhất với 10,5%. Agribank, BIDV, VietinBank được cấp trần tăng trưởng tín dụng năm nay khoảng 6,5-7,5%.
Trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, VIB, ACB, Sacombank được cấp room tín dụng 8,5-9,5%; MB, VPBank, Techcombank từ 10,5 - 12%.
Nhìn chung, mặt bằng “room” tín dụng các tổ chức tín dụng được giao trong năm nay thấp hơn tổng thể cả năm trước, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành là 12%.