Trong tuần giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ, thị trường chứng khoán sẽ chào đón loạt doanh nghiệp lên sàn.
Công ty cổ phần VNG – ông lớn ngành công nghệ sẽ "lên sàn" UpCoM ngày đầu tiên vào ngày 5/1/2023 với mã chứng khoán VNZ. Đây không chỉ là cổ phiếu mới, "mở màn" gia nhập sàn chứng khoán Việt Nam trong năm 2023 mà còn gây ấn tượng với mức giá tham chiếu ngày đầu tiên giao dịch.
Cụ thể, mã VNZ sẽ chào sàn với định giá 240.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn giá cổ phiếu phiên đầu của Công ty cổ phần Bia và Nước giải khát Hạ Long-HLB (229.900 đồng) hay VNF (223.000 đồng)… Nếu tính theo mức giá này, VNG có vốn hóa 8.592 tỷ đồng, tương đương chưa đến 350 triệu USD, thấp hơn nhiều so với mức định giá tỷ đô trước đây của VNG.
Về kết quả kinh doanh, trong quý III/2022, VNG ghi nhận doanh thu thuần giảm 3,7% so với cùng kỳ, đạt 2.100 tỷ đồng. Chi phí tài chính giảm mạnh song chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng tới 13 - 29% cùng kỳ năm trước. Khoản lỗ 27,6 tỷ từ công ty liên kết và lỗ khác 26,1 tỷ đã nhấn chìm lợi nhuận của VNG.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh thu đạt 5.763 tỷ đồng, VNG lỗ sau thuế 764 tỷ đồng.
VNG đặt mục tiêu năm 2022 đạt doanh thu 10.178 tỷ đồng và lỗ sau thuế 993 tỷ đồng. Với kết quả đạt được, sau 9 tháng 2022, "kỳ lân" này hoàn thành được 50% kế hoạch doanh thu và lỗ sau thuế gần sát kế hoạch dự kiến.
Thấp hơn nhiều so với mức giá "chào sàn" của VNZ mức định giá 3 triệu cổ phiếu phiên đầu của Công ty Cổ phần cơ khí 120 (mã: CK8) lên sàn UpCoM chỉ có 3.500 đồng/đơn vị.
CK8 cổ phần hoá từ Nhà máy Cơ khí 120 được thành lập tháng 7/1947 trực thuộc Tổng công ty Công nghiệp Ô tô Việt Nam. Ngày 31/10/2007 công ty hoạt động theo hình thức Công ty cổ phần với vốn điều lệ ban đầu 30 tỷ đồng.
Sản phẩm kết cấu thép là lĩnh vực sản xuất kinh doanh chủ yếu của Cơ khí 120. Ngoài ra, công ty phát triển thêm trong lĩnh vực sửa chữa xe máy công trình, xây dựng các công trình giao thông, các công trình dân dụng.
Về kết quả kinh doanh, 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần của CK8 đạt gần 5 tỷ đồng tăng 1,43% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận gộp đạt gần 3,2 tỷ đồng, giảm 1,82% so với cùng kỳ năm 2021.
Ngày 6/1 cũng là ngày giao dịch đầu tiên của 3,15 triệu cổ phiếu VMT của Công ty cổ phần Giao nhận Vận tải miền Trung (mã: VMT) trên sàn UPCoM với giá tham chiếu 16.600 đồng/đơn vị.
VMT tiền thân là chi nhánh của Công ty Giao nhận Kho vận Ngoại thương TPHCM tại Đà Nẵng, được thành lập vào năm 1998. Đến năm 2022, chi nhánh được Bộ Thương mại chuyển thành Công ty cổ phần Giao nhận Vận tải Miền Trung như hiện nay.
Từ vốn điều lệ ban đầu là 3 tỷ đồng, vốn điều lệ của Công ty tại thời điểm cuối năm 2022 là 31,5 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh của Công ty chủ yếu là cung cấp dịch vụ giao nhận vận tải đường biển, hàng không, vận tải đa phương thức, thuê tàu, chuyển phát nhanh, dịch vụ kho bãi logistics, khai thuê Hải quan…
Năm 2021, doanh thu thuần và lãi sau thuế của VMT đạt lần lượt gần 68 tỷ đồng và hơn 8 tỷ đồng, tăng hơn 63% và 84% so với kết quả năm 2020. Trong cơ cấu doanh thu, doanh thu từ dịch vụ vận tải chiếm phần lớn với gần 65 tỷ đồng, còn lại là doanh thu cho thuê kho bãi (gần 3 tỷ đồng) và doanh thu cho thuê văn phòng (515 triệu đồng).
Cùng ngày 6/1, Công ty cổ phần Chiếu sáng công cộng Đà Nẵng (mã: DLM) và Tập đoàn Green+ (GPC) giao dịch lần đầu tiên lần lượt với mức giá 11.300 đồng/đơn vị và 16.000 đồng/cổ phiếu.
Qua tìm hiểu, tập đoàn Green+ hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và phân phối các sản phẩm dược phẩm và thảo dược.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Chiếu sáng công cộng Đà Nẵng là doanh nghiệp hoạt động lâu năm trong lĩnh vực quản lý vận hành; duy trì bảo dưỡng hệ thống điện chiếu sáng công cộng; Thi công; Sản xuất, kinh doanh đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu giao thông, thiết bị điện các loại...