Ngày pháp luật

Lĩnh vực CB&XNK thủy sản: Làm gì để phát triển xứng tầm?

Với địa hình thuận lợi và những điều kiện thiên nhiên ưu đãi, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về chế biến và xuất nhập khẩu (CB&XNK) thủy sản. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi còn không ít thách thức đặt ra đối với ngành…

Cơ hội lớn…

Theo Hiệp hội CB&XNK thủy sản Việt Nam: Việt Nam có hàng triệu ha mặt nước ngọt, lợ, mặn, lạnh. Nguồn lợi thủy sản đa dạng là cơ sở để phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS), nhất là NTTS với nhiều loại đối tượng nuôi, nhiều loại hình, hình thức nuôi…

Trong hơn 10 năm, sản lượng thủy sản Việt Nam tăng đều theo năm, từ 4,9 triệu tấn năm 2009 lên 8,7 triệu tấn năm 2021. Trong đó, sản lượng nuôi trồng chiếm 55%, sản lượng đánh bắt chiếm 45%. Tôm nước lợ và cá tra là hai đối tượng nuôi có giá trị XK lớn, chiếm 55 - 60% tổng sản lượng thủy sản của cả nước. Sản lượng cá tra tăng 41% sau 5 năm (từ 1,1 triệu tấn năm 2015 lên 1,56 triệu tấn năm 2020); Sản lượng tôm tăng mạnh hơn với gần 58%, từ 603 nghìn tấn lên 950 nghìn tấn. Ngoài tôm, cá tra, những năm gần đây, Việt Nam còn đẩy mạnh nuôi các loại khác như: Rô phi, tôm hùm, rong, nghêu, cá nước lạnh (cá tầm, cá hồi…). Việt Nam hiện đang phát triển nuôi biển (cá, tôm hùm, ngao, trai ngọc, rong biển…). Trong đó, một số loài cá biển được nuôi phổ biến như: Cá mú, cá bớp, cá vược, cá chim vây vàng...

Cũng theo Hiệp hội CB&XNK thủy sản Việt Nam: Việt Nam có thể cung cấp một lượng lớn thủy sản an toàn, chất lượng ổn định nhờ vào nguồn cung dồi dào với tiềm năng của 28 tỉnh ven biển, tài nguyên đất và nước cho NTTS. Bên cạnh đó, công nghiệp CB cũng rất phát triển với hơn 800 nhà máy CB quy mô công nghiệp đáp ứng các yêu cầu về an toàn vệ sinh. Hầu hết các doanh nghiệp (DN) CB và XK là tư nhân và có thể chủ động đầu tư để phát triển bền vững, nhằm duy trì năng lực cạnh tranh quốc tế. Các nhà máy CB thủy sản đạt tiêu chuẩn XK đi châu Âu ngày càng gia tăng (hiện có gần 1.000 nhà máy quy mô lớn, vừa và nhỏ được cấp code đi châu Âu). Các nhà máy có công nghệ và kỹ thuật chế biến cao, có thể sản xuất đa dạng sản phẩm, chủng loại thủy sản, nhất là CB sâu các sản phẩm giá trị gia tăng, đáp ứng nhu cầu thị trường EU khó tính và nhiều phân khúc.

Lĩnh vực CB&XNK thủy sản: Làm gì để phát triển xứng tầm? - Ảnh 1

Không chỉ vậy, Việt Nam cũng có lợi thế về nguồn lao động, đội ngũ DN CB chuyên nghiệp, năng động. Theo đó, ngành cung cấp khoảng 4,7 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp trên tất cả các chuỗi sản xuất của đất nước. Trong đó, lĩnh vực CB&XNK thủy sản hiện tạo ra khoảng 500.000 việc làm trực tiếp. Các DN khai thác và NTTS có đội ngũ lãnh đạo trẻ, được đào tạo chuyên nghiệp. Nhiều mô hình tổ chức, liên kết sản xuất trong NTTS hiệu quả, có triển vọng nhân rộng; Các cơ sở DN thủy sản nhận thức được tầm quan trọng của sản xuất phải gắn liền với nhu cầu, đáp ứng yêu cầu thị trường, đổi mới, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong đánh bắt, nuôi trồng và CB thủy sản là giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; Một số DN, tập đoàn quan tâm, có năng lực nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ phục vụ phát triển NTTS…

Đặc biệt, bà Lê Hằng – Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Xúc tiến thương mại – XTTM (Hiệp hội CB&XNK thủy sản Việt Nam) cho hay: Ngoài những lợi thế cơ bản về thuế XNK, hội nhập và tham gia các FTA thế hệ mới như EVFTA, thủy sản Việt Nam có cơ hội mở rộng thị trường XK, tăng sức cạnh tranh so với các đối thủ chưa có FTA với các đối tác (Ấn Độ, Thái Lan); Tăng thêm nguồn nguyên liệu để sản xuất hàng gia công XK cho chính thị trường EU như cá tuyết, cá minh thái, cá hồi… Bên cạnh đó, sự kiện Brexit có tác động với thị trường EU cũng là một cơ hội lớn cho Việt Nam!

Thách thức nhiều!

Cơ hội nhiều nhưng thách thức cũng không ít đối với lĩnh vực CB&XNK thủy sản. Cụ thể, bà Lê Hằng nhận định: Các vùng nguyên liệu cho chế biến XK còn nhỏ lẻ, manh mún, không tập trung, dẫn đến giá thành sản xuất cao, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh so với các nước đối thủ; Cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ NTTS (hệ thống cấp thoát nước, hệ thống điện, đường giao thông, cảng cá, tàu cá…) chưa đáp ứng đủ điều kiện sản xuất là thách thức lớn đối với phát triển NTTS hiệu quả và bền vững; Thiếu cơ sở dữ liệu về chuỗi giá trị khai thác và NTTS (bao gồm dữ liệu giống, thức ăn, hóa chất, diện tích, sản xuất, cơ sở nuôi, tàu cá, cảng cá, trữ lượng cá, năng lực chế biến, cơ sở chế biến, nhu cầu thị trường…). Việc thiếu dữ liệu khiến cơ quan quản lý khó thực hiện chiến lược quy hoạch nuôi trồng và khai thác, dẫn đến hiệu quả năng suất thấp, chất lượng không đồng đều, thiếu kiểm soát…

Lĩnh vực CB&XNK thủy sản: Làm gì để phát triển xứng tầm? - Ảnh 2

Cùng với đó là những thách thức của dịch bệnh Covid-19. Thực tế, bà Hằng cho hay, dịch bệnh Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, làm tăng các chi phí, nhất là chi phí vận tải biển sang EU tăng nhiều lần. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhu cầu tiêu thụ của phân khúc nhà hàng, khách sạn, du lịch sụt giảm; Nhu cầu tiêu thụ nói chung sụt giảm; Có sự thay đổi về cơ cấu sản phẩm XK (những sản phẩm có giá cả phải chăng, phù hợp với phân khúc bán lẻ tăng, sản phẩm giá cao có nhu cầu chững lại).

Tình trạng biến đổi khí hậu cũng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất thủy sản của Việt Nam. Không chỉ thế, việc thiếu hệ thống hậu cần (vận chuyển, kho lạnh…); Tác động của thẻ vàng IUU đối với XK thủy sản sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới nền sản xuất trong nước.

Bà Lê Hằng - Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Xúc tiến thương mại (Hiệp hội CB&XNK thủy sản Việt Nam):

“Để thúc đẩy XK thủy sản của Việt Nam trong thời gian tới, cần thiết phải đề ra những nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, DN. Theo đó:

Về phía cơ quan quản lý Nhà nước: Tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nguồn nguyên liệu ổn định và chất lượng cho CB, XK. Đồng thời phát triển, ứng dụng khoa học – công nghệ để tăng năng suất và giảm giá thành sản phẩm thông qua phát triển giống, đa dạng và hiệu quả nguồn thức ăn NTTS; Đẩy mạnh tiến độ công tác đánh mã số cùng nuôi tôm/cá tra để phục vụ truy xuất nguồn gốc, quy hoạch và quản lý; Có giải pháp quyết liệt để gỡ thẻ vàng IUU, lấy lại thẻ xanh, khẳng định uy tín của thủy sản khai thác của Việt Nam; Có chính sách NK thủy sản, cung cấp nguyên liệu CB thủy sản XK để tận dụng tối đa công suất các nhà máy CB thủy sản và cơ hội thị trường XK thủy sản; Xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm thủy sản thế mạnh của Việt Nam như: Cá tra, tôm sú, tôm quảng canh, tôm hữu cơ… tại thị trường EU.

Tăng cường các hoạt động truyền thông, quảng bá, XTTM các sản phẩm thủy sản Việt Nam, hướng tới tiếp cận người tiêu thụ cuối cùng; Nâng cao năng lực trao đổi, tiếp cận thông tin thị trường, thương mại thủy sản cho các DN, cán bộ quản lý và người sản xuất; Có chính sách chủ động tạo nguồn lực cho các Hiệp hội ngành hàng xây dựng, phát triển thị trường, XTTM tiêu thụ sản phẩm thủy sản…

Bà Lê Hằng - Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Xúc tiến thương mại (Hiệp hội CB&XNK thủy sản Việt Nam)
Bà Lê Hằng - Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Xúc tiến thương mại (Hiệp hội CB&XNK thủy sản Việt Nam)

Về phía Hiệp hội CB&XNK thủy sản Việt Nam: Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, định hướng thị trường cho DN thủy sản; Kết nối giao thương, XTTM thông qua việc tổ chức các diễn đàn B2B, B2C; Đồng hành cùng DN trong các hoạt động XTTM, mở rộng thị trường và thị phần của thủy sản Việt Nam tại thị trường EU; Phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý Nhà nước và DN trong việc tháo gỡ các vướng mắc trong cơ chế, chính sách trong nước và rào cản thị trường; Tích cực hợp tác với cơ quan đối ngoại, cơ quan quản lý Nhà nước và DN khắc phục, giải quyết các rào cản và quy định thị trường; Phối hợp với các cơ quan đối ngoại và các Bộ, ngành đẩy mạnh truyền thông, quảng bá sản phẩm thủy sản Việt Nam tại các thị trường…

Đối với DN: Tăng cường CB các sản phẩm thủy sản giá trị gia tăng, đa dạng các sản phẩm thủy sản, khuyến khích CB, sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng từ phụ phẩm…; Phát triển thị trường các sản phẩm mới, đa dạng chế biến từ các đối tượng nuôi truyền thống (tôm, cá tra), chú trọng phát triển, giới thiệu các sản phẩm thủy sản CB từ các đối tượng nuôi mới; Đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và khả năng truy xuất cho sản phẩm XK; Quan tâm phát triển các phân khúc sản phẩm có chứng nhận bền vững (ASC, MSC, GlobalGap), tuân thủ các quy định về lao động và môi trường; Tìm hiểu kỹ về thuế quan Hiệp định EVFTA để tận dụng lợi thế cạnh tranh so với các nước khác; Có chiến lược xây dựng nhãn hiệu uy tín sản phẩm để duy trì các nhà NK truyền thống và tìm kiếm người mua mới; Tích cực tham gia các chương trình XTTM (hội chợ, khảo sát) và các diễn dàn B2B, B2C, hướng tới mục tiêu rút ngắn chuỗi cung ứng từ nhà XK tới người tiêu thụ để tăng lợi nhuận…”.

Ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta:

“Sao Ta có 3 nhà máy chế biến, 1 xí nghiệp nuôi tôm và 1 công ty thành viên với tổng số 5.000 cán bộ công nhân viên được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp, Sao Ta luôn tăng trưởng bền vững và phát triển lên một tầm cao mới. Trong năm 2021, tuy ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng DN vẫn đạt trên 200 triệu USD. Đây là một thành tựu đáng tự hào mà không phải DN nào cũng đạt được trong hoàn cảnh dịch bệnh khó khăn như vậy.

Ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta
Ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta

2 năm Covid-19 hoành hành, nhất là các khoảng thời gian giãn cách hoặc phong toả, các DN đều gặp khó. Tuy nhiên, nhờ nhận định phù hợp và sự linh hoạt, sáng tạo, Sao Ta chủ động trong sắp xếp sản xuất “ba tại chỗ” (tháng 7 - 9/2021) và ngăn chặn dịch tốt nên không bị gián đoạn hoạt động ngày nào. Sau thời điểm này, các chi phí đầu vào đều tăng, đồng thời đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu khiến chi phí thuê vận chuyển hàng xuất khẩu tăng quá lớn, bào mòn lợi nhuận DN nên Sao Ta phải nỗ lực tính toán tiết kiệm mọi mặt để bù đắp, nhưng lợi nhuận từ chế biến vẫn bị giảm sút nghiêm trọng. Cũng may khâu nuôi tôm của DN năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 đều có kết quả rất tốt. Nhờ đó giá nguyên liệu đầu vào được hỗ trợ nên năm 2021 hoàn thành vượt kế hoạch và triển vọng rất tốt cho năm 2022.
Về thị trường, lúc dịch bệnh căng thẳng, Sao Ta ký hợp đồng với mảng bán lẻ để giảm thiểu rủi ro. Hiện nay thế giới sắp trở lại trạng thái bình thường, các nhà hàng, khách sạn, điểm vui chơi đang mở cửa trở lại, nắm chắc tình hình đó, Sao Ta đã có sự chuyển hướng phù hợp để có đơn hàng từ mảng dịch vụ, bảo đảm có lịch sản xuất quanh năm.

Hiện nay, các cường quốc tôm đều chú trọng thúc đẩy tăng trưởng sản lượng. VD: Ecuador, Ấn Độ đều đạt sản lượng triệu tấn tôm nhưng đang có kế hoạch tăng trưởng mạnh hơn, với lợi thế tôm của họ giá rẻ hơn 1 USD so với tôm của ta. Trong khi đó, lĩnh vực nuôi tôm của chúng ta còn nhỏ lẻ, manh mún nên rất khó kiểm soát dịch bệnh cũng như kiểm tra tốt về mặt chất lượng. Bên cạnh đó, việc đánh số cơ sở nuôi tôm quá chậm, trong khi các thị trường đều đòi hỏi truy xuất nguồn gốc từng lô hàng, anh nào có đánh mã số mới thuận tiện khai báo.

Việc nuôi trồng nhỏ lẻ nên khó đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng thị trường khu vực và quốc tế đòi hỏi (như chuẩn ASC của EU, chuẩn BAP của Hoa Kỳ). Do đó, để đáp ứng, chúng ta phải có chính sách nâng cao hạn điền nhằm hình thành các trang trại nuôi rộng hàng trăm hecta. Quy mô nuôi lớn mới thuận tiện trong việc đầu tư khoa học kỹ thuật nhằm giảm thiểu rủi ro trong quá trình nuôi, cũng như tăng năng suất, giảm giá thành và có đủ điều kiện nuôi theo chuẩn nêu trên. Có như vậy tôm Việt mới “bơi” được lên kệ cao cấp các hệ thống phân phối, góp phần rút ngắn thời gian nâng tầm tôm Việt theo chiến lược phát triển tôm đến năm 2030 đã đề ra”.

Ông Chuang Jie Cheng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Khoa kỹ Sinh vật Thăng Long:

“Công ty TNHH Khoa kỹ Sinh vật Thăng Long là DN có 100% vốn đầu tư nước ngoài, chuyên sản xuất và kinh doanh thức ăn thủy sản; Con giống thủy sản; Sản phẩm chế phẩm sinh học, xử lý môi trường; Chế biến xuất khẩu và cho thuê kho lạnh.

Dịch bệnh Covid-19 thời gian qua ảnh hưởng đến hầu hết các ngành nghề, riêng Thăng Long bị ảnh hưởng đến hai mặt chính: Thứ nhất là ảnh hưởng đến nguồn cung, vận chuyển và giá cả nguyên liệu. Giá nguyên liệu tăng chóng mặt, vận chuyển đường biển gặp nhiều khó khăn và chi phí tăng cao. Chỉ tính riêng tổng giá thành nguyên liệu đã khiến giá thành sản xuất thức ăn phải tăng thêm 30%. Thứ hai, dịch bệnh bùng phát ảnh hưởng trực tiếp đến tiêu dùng hàng ngày của người dân, ngành du lịch, nhà hàng ăn uống bị giảm sút, gián tiếp ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm thủy sản, dẫn đến giá bán sản phẩm thủy sản giảm sâu. Chính vì giá thành nuôi của sản phẩm thuỷ sản cao hơn cả giá bán ra, khiến người nuôi hạn chế hoặc không muốn tiếp tục thả nuôi; Đại lý kinh doanh thức ăn cũng giảm đầu tư cho khách hàng, vì thế nhu cầu tiêu thụ thức ăn theo đó giảm thấp.

Ông Chuang Jie Cheng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Khoa kỹ Sinh vật Thăng Long
Ông Chuang Jie Cheng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Khoa kỹ Sinh vật Thăng Long

Trước những khó khăn trên, công ty vẫn thực hiện chiến lược “Lấy chất lượng làm đầu”, duy trì ổn định chất lượng thức ăn, tận dụng thế mạnh nghiên cứu và lợi thế thu mua nguyên liệu để tiết giảm hiệu quả giá thành sản xuất, do đó chiếm được lòng tin của khách hàng, giúp Thăng Long duy trì được sản lượng. Nhằm góp phần mang đến cho người nuôi sản phẩm tốt, giá hợp lý, Thăng Long tiếp tục mở rộng đầu tư dây chuyền sản xuất, năm 2022 này sẽ đưa nhà máy tại Vĩnh Long vào hoạt động, dự kiến năm 2023 sẽ tiếp tục đầu tư thêm một nhà máy thức ăn mới tại thị trường phía Bắc. Thông qua việc mở rộng năng lực sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị từ thức ăn, con giống, sản phẩm chế phẩm sinh học đến mô hình nuôi góp phần giúp người nuôi thêm thành công và hiệu quả, qua đó nâng cao năng được lực cạnh tranh tổng thể và giúp tăng thêm thị phần của Thăng Long.

Ngành NTTS của Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi nhiều điều kiện thuận lợi, nhưng hiện nay lĩnh vực CB&XNK thủy sản của Việt Nam, nhất là XK cá tra sang Mỹ và Trung Quốc, các thủ tục kiểm tra nhiêu khê và nghiêm ngặt, cộng với các rào cản kỹ thuật trong các Hiệp định thương mại tự do, sự phục hồi chậm của nền kinh tế thế giới đã tác động rất lớn đến XK thủy sản của Việt Nam. Vì vậy, làm thế nào để đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn sản phẩm, tránh cạnh tranh không lành mạnh về giá, tăng sản lượng nuôi trồng, phát triển các mặt hàng chất lượng và có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế khi đó mới thực sự giải quyết được đầu ra, mở rộng và phát triển được thị trường tiềm năng mới!”.

Tin Cùng Chuyên Mục