Vào chiều 2-1-2020, sau thời gian nghị án kéo dài, HĐXX TAND huyện Bình Chánh, TP.HCM sẽ tuyên án vụ trộm vàng xảy ra từ hơn bốn năm trước.
Hai bị cáo kêu oan
Vụ án này đã có năm lần trả hồ sơ điều tra bổ sung với nhiều yêu cầu, trong đó có yêu cầu thu thập dấu vân tay và trích xuất hình ảnh từ các camera để làm căn cứ chứng minh hành vi phạm tội nhưng VKS không thể đáp ứng.
Trước đó, tháng 11-2018, viện trưởng VKSND huyện Bình Chánh đã có công văn đề nghị rút hồ sơ vụ án để kiểm tra lại các tài liệu nhằm đảm bảo cho việc truy tố. Sau đó, VKS bảo lưu việc truy tố các bị cáo ra tòa.
Đến nay, cả sáu bị cáo đều kêu oan và nêu ra chứng cứ ngoại phạm. Tình tiết mới, bất ngờ nhất tại phiên tòa lần này là hai bị cáo bị bắt khi chưa thành niên đã kêu oan sau hơn bốn năm nhận tội. Cả hai cho rằng bị tra tấn nên phải nhận, đồng thời có kiểm sát viên vào dụ nhận tội thì sẽ thả ra.
VKS và luật sư đối đáp nảy lửa
VKS đề nghị phạt sáu bị cáo các mức án từ ba năm sáu tháng tù đến chín năm tù về tội trộm cắp tài sản. VKS thừa nhận có sai sót tố tụng khi không thu thập các dấu vết bị cáo tại hiện trường như dấu vân tay, hình ảnh…
Tuy nhiên, theo VKS, không phải vụ án nào cũng cần phải thu thập những chứng cứ này. Bởi lẽ hồ sơ buộc tội đã có lời khai nhận tội của các bị cáo tại CQĐT và một số phiên tòa trước đây; biên bản đối chất, chỉ điểm, thực nghiệm hiện trường…
Đặc biệt, chủ tiệm game có lời khác xác nhận về sự có mặt của Cường và Tiền tại tiệm game, cả hai ngủ tại tiệm game, sáng hôm sau (ngày xảy ra vụ trộm) đi ra ngoài khoảng 1-2 tiếng rồi quay lại…
Mẹ của bị cáo Trần Vinh Sang đã gõ cửa khắp các cơ quan tố tụng cấp trên để kêu oan và làm chứng cho sự ngoại phạm của con.
Các luật sư bào chữa đã chỉ ra 10 điểm không của vụ án như không nhân chứng, vật chứng; không thu hồi được tài sản bị chiếm đoạt; không xác định được nơi và người mà các bị cáo đã bán vàng... và không ai nhận tội.
Luật sư đối đáp rằng vụ án này qua truy xét mới bắt sáu người chứ không phải vụ án phạm tội quả tang, nên những dữ liệu chứng cứ này là rất quan trọng.
Đặc biệt, việc đối chất, chỉ điểm, khám nghiệm hiện trường… đã bị các bị cáo phủ nhận tại tòa, cho rằng do CQĐT chỉ cho làm. Vả lại, những chứng cứ này lại xuất phát từ lời khai, nay lời khai đã bị phủ nhận, đồng thời đây không phải là những chứng cứ vật chất có giá trị chứng minh trực tiếp.
Việc thực nghiệm hiện trường cũng không có giá trị pháp lý, không có giá trị chứng minh tội phạm bởi việc thực nghiệm thì phải diễn đúng hành vi, leo lên leo xuống. Trong khi đó, việc thực nghiệm của vụ án này được thực hiện bằng cách… cho bị can đứng chỉ.
Luật quy định rõ không được sử dụng lời khai nhận tội duy nhất nếu không phù hợp các chứng cứ khác, mà các chứng cứ khác thì không có.
Chủ tiệm game cũng chỉ làm chứng bị cáo có mặt hay không tại tiệm game chứ không phải làm chứng bị cáo vào nhà bà Năm lấy trộm. Hơn nữa, bị cáo không có nghĩa vụ chứng minh chứng cứ ngoại phạm mà đó là trách nhiệm của CQĐT và VKS.
Trong BLTTHS và các văn bản quy phạm pháp luật khác, có điều luật nào quy định lời khai trong giai đoạn tố tụng trước có giá trị hơn lời khai trong giai đoạn tố tụng sau không?
Có quy định nào nói rằng lời khai tại CQĐT có giá trị hơn lời khai tại phiên tòa không? Luật không quy định thì lời khai có giá trị ngang nhau, đều được xem là chứng cứ nếu nó được thu thập theo trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định, có giá trị pháp lý và được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án.
Trách nhiệm của VKS là phải thu thập cả chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội. Cùng là chứng cứ từ nguồn lời khai nhưng VKS sử dụng lời khai sau của ông Đức để buộc các bị cáo, đồng thời sử dụng lời khai trước của bốn bị cáo để buộc tội lại họ.
Việc như vậy là gây bất lợi cho bị can, bị cáo; không áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội và không công bằng trong việc sử dụng chứng cứ gỡ hay buộc và thời điểm xác nhận lời khai.
Tóm tắt diễn biến vụ án
Như PLO đã thông tin, sáng 18-7-2015, một vụ trộm xảy ra ở nhà bà Phạm Thị Năm. Bà trình báo mất tám lượng vàng SJC, hai hộp nữ trang và 5 triệu đồng. Qua định giá, tổng giá trị tài sản bị trộm là 334 triệu đồng.
Từ lời khai của Đặng Thanh Thuận, khi đó chưa thành niên, CQĐT nhanh chóng phá được án. Đến ngày 23-7 năm đó, lần lượt năm thanh niên khác trong xã (đều không có tiền án, tiền sự) đã bị bắt khẩn cấp.
Không có vật gì hay dấu vết gì của nhóm trộm để lại tại nhà bà Năm. CQĐT thu giữ trên trần nhà bà một chiếc nón màu xanh đen hiệu Nike có dính sợi tóc mà qua giám định thì ADN không trùng khớp với ADN của các bị cáo.
Cáo trạng xác định sau khi chơi bắn cá ở tiệm game, Tiền rủ cả nhóm đi trộm lấy tiền chơi game tiếp. Tiền dẫn nhóm đến nhà bà Năm, thấy nhà khóa cửa bèn đi vòng ra sau.
Tiền và Cường leo lên nóc nhà cạy mái tôn, đục thủng một lỗ xuống trần nhà rồi cả nhóm chui xuống. Tiền leo vào phòng ngủ, mở cửa phòng ngủ cho nhóm vào lục tìm tài sản.
Sang vào trong nhà chưa lấy được gì thì bắc ghế lên đầu tủ lạnh leo ra ngoài theo đường lỗ thủng trần nhà. Trộm xong, Cường lấy thang cho mọi người leo ra ngoài theo đường lỗ thủng trần nhà. Cả nhóm quay lại tiệm bắn cá. Còn Cường và Tiền đi bán vàng rồi quay về tiệm game chia tiền.
Cường và Tiền kêu oan ngay từ khi bị bắt.