Vay nước ngoài thêm 100 triệu USD
CTCP Chứng khoán Vietcap (Vietcap – mã CK: VCI) mới đây đã thông báo ký kết hợp đồng tài trợ khoản vay hợp vốn trị giá 100 triệu USD (tương đương 2.350 tỷ đồng). Khoản vay được Ngân hàng Mega International Commercial Bank thu xếp với lãi suất ngắn hạn dựa trên thị trường tiền tệ quốc tế.
Với khoản vay này, Vietcap sẽ ghi nhận thêm một đợt huy động vốn thành công sau 5 vòng huy động vốn trước đó. Mới nhất vào tháng 7/2023, Vietcap đã huy động 45 triệu USD do Ngân hàng Shanghai Commercial and Savings Bank, Ltd. thu xếp thông qua chi nhánh Offshore Banking.
Trước đó vào tháng 10/2022, khoản vay 105 triệu USD với Quyền chọn Greenshoe cho khoản vay lên đến 150 triệu USD, do Maybank Securities Pte. Ltd và O-Bank Co., Ltd, với tư cách là bên thu xếp và bên quản lý sổ đầu tư chính được ủy quyền, với Malayan Banking Berhad, Chi nhánh Singapore là một trong những bên cho vay.
Tháng 5/2022, khoản vay 100 triệu USD do Ngân hàng Thương mại Quốc tế Mega (Megabank) thu xếp thông qua chi nhánh ngân hàng nước ngoài của ngân hàng này.
Tháng 11/2021, khoản vay 100 triệu USD với Quyền chọn Greenshoe cho khoản vay lên đến 150 triệu USD, từ một nhóm ngân hàng do Maybank Kim Eng Securities Pte Ltd (nay là Maybank Securities Pte Ltd) thu xếp, với Malayan Banking Berhad, Chi nhánh Singapore là một trong những bên cho vay.
Tháng 5/2020, khoản vay hợp vốn không đảm bảo trị giá 40 triệu USD từ một nhóm ngân hàng do Ngân hàng Sinopac đứng đầu.
Cá mảng hoạt động chính kém hiệu quả, lợi nhuận giảm sâu
Vietcap liên tục vay thêm từ nước ngoài trong bối cảnh tình hình kinh doanh không mấy khởi sắc. Quý 2/2023, Vietcap ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 501 tỷ đồng, giảm 52% so với cùng kỳ. Các mảng hoạt động mang về nguồn thu chính cho CTCK này là cho vay, môi giới và tự doanh đều kém hiệu quả.
Trong quý 2, lãi từ cho vay và phải thu đóng góp lớn nhất vào doanh thu hoạt động của Vietcap với 169 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ. Thời điểm 30/6, dư nợ cho vay của CTCK này đã tăng nhẹ so với đầu năm lên gần 5.400 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ margin gần 5.300 tỷ đồng, còn lại là ứng trước tiền bán.
Hoạt động môi giới trong quý 2 cũng không mấy khởi sắc khi chỉ đem về cho Vietcap 140 tỷ đồng, giảm 55% so với cùng kỳ. Trong quý 2, Vietcap xếp thứ 8 về thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền trên HoSE và thứ 7 về thị phần môi giới cổ phiếu trên HNX.
Trong kỳ, hoạt động tự doanh của Vietcap cũng không hiệu quả. Lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) giảm đến 76% so với cùng kỳ xuống còn 101 tỷ đồng. Lãi từ các tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) cũng giảm 33% xuống mức 61 tỷ đồng.
Thời điểm cuối quý 2, các khoản FVTPL của Vietcap có giá gốc gần 555 tỷ đồng, tương đương với giá trị thị trường. Các khoản AFS đã tăng có giá gốc lên đến hơn 3.500 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với đầu năm. Đáng chú ý, giá trị thị trường các khoản AFS của Vietcap lên đến gần 5.900 tỷ đồng, tương ứng chênh lệch tăng gần 2.500 tỷ đồng chủ yếu đến từ khoản đầu tư vào Sữa Quốc tế (IDP).
Luỹ kế 6 tháng, Vietcap ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 1.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 211 tỷ đồng. Năm 2023, Vietcap đặt mục tiêu doanh thu hoạt động đạt 3.246 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng, lần lượt giảm 12,4% và 5,6% so với thực hiện năm ngoái. Với kết quả đạt được, CTCK này mới thực hiện 1/5 kế hoạch lợi nhuận cả năm.