Ngày pháp luật

Lệch pha giá vàng, đến lúc xem lại việc lập sàn vàng

Theo Sài Gòn đầu tư

Giá vàng thế giới liên tục giảm và ngày 4/3 rớt khỏi mốc 1.700USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng SJC vẫn điều chỉnh giảm chậm, kéo chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới lên hơn 8 triệu đồng/lượng. ĐTTC đã trao đổi với ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT CTCP Vàng bạc đá quý SJC Phú Thọ, về diễn biến này.

PV: - Tháng 8/2020, giá vàng thế giới đạt mức kỷ lục 2.063USD/ounce, còn hiện nay đã rớt khỏi mốc 1.700USD/ounce, về mức 1.695-1.696USD/ounce. Điều gì đang xảy ra với vàng, thưa ông?

Ông Trần Thanh Hải: Ngày 4 và 5/3, giá vàng thế giới xuyên thủng mức 1.700USD/ounce. Nếu tính từ tháng 8/2020 đến nay, chưa đầy 1 năm giá vàng đã có mức giảm khá lớn, mất khoảng 363USD, tương đương 20%.

Giá vàng tháng 8/2020 (cụ thể là vào ngày 7 và 8) lập đỉnh kỷ lục 2.063USD/ounce, vì lúc đó có nhiều yếu tố bất định về kinh tế vĩ mô của một số nền kinh tế, đặc biệt là Mỹ.

Thời điểm này Mỹ đưa ra những gói kích cầu mới khi các gói kích cầu cũ kết thúc vào cuối tháng 7, đồng thời chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 3-11. Các yếu tố kinh tế chính trị của thị trường Mỹ đan xen lẫn nhau, tạo ra sự bất định cho nước Mỹ và thế giới, đẩy giá vàng vượt đỉnh mọi thời đại.

Nhưng từ sau ngày 3/11 đã có nhiều thay đổi. Trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, ông Joe Biden Đảng Dân chủ thắng và Đảng Dân chủ cũng thắng 2 ghế thượng nghị. Vì vậy có thể nói Đảng Dân chủ kiểm soát cả Hạ viện, Thượng viện và hành pháp.

Theo đó, yếu tố bất định có thể khiến giá vàng thế giới tăng mạnh như trước đây không còn. Đây là nguyên nhân đầu tiên và trực tiếp nhất.

Nguyên nhân thứ 2 khiến giá vàng thế giới thủng mốc 1.700USD/ounce do cuộc chiến chống Covid-19 đang sáng sủa. Dù hiện tại Brazil đang vật lộn với dịch bệnh hay châu Âu đang bùng dịch lại, nhưng một số nước Đông Bắc Á và Mỹ đã ghi nhận giảm ca nhiễm vài tuần liên tiếp.

Ngoài ra, sự phát triển mạnh của thị trường chứng khoánthị trường đồng tiền ảo cũng đã thu hút phần lớn nguồn lực đầu tư cho kim loại quý vốn rất nhạy cảm với tính bất ổn định là vàng, khiến giá vàng thế giới giảm mạnh.

- Ông nhận định gì về chênh lệch hơn 8 triệu đồng/lượng giữa giá vàng trong nước và thế giới hiện tại?

- Tôi cho rằng chênh lệch 8 triệu đồng/lượng về mặt kinh tế thể hiện vấn đề không có sự liên thông giữa giá vàng trong nước và thế giới. Bởi lẽ, từ năm 2012 ngân hàng Nhà nước đã ngừng cấp quota nhập khẩu vàng cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn cũng như NHTMCP lớn, ngân hàng Nhà nước trở thành đơn vị duy nhất được nhập khẩu và sản xuất vàng miếng.

Đồng thời, việc gia công vàng trong nước được kiểm soát rất chặt bởi ngân hàng Nhà nước, nên việc cung ứng vàng không được liền mạch. 

Một yếu tố nữa, là ngoài giá vàng SJC tăng, giá vàng 24k cũng tăng cao và có chênh lệch khá lớn so với giá vàng thế giới. Nguyên nhân do chống lây lan dịch bệnh Covid-19, việc kiểm soát đường biên giới chặt chẽ cũng làm biên mậu hạn chế.

Đồng thời, thời điểm hiện tại vẫn còn trong tháng giêng, các doanh nghiệp đã tập kết vàng từ trước Tết Âm lịch với giá trên 55 triệu đồng/lượng từ tháng 10, 11, 12 năm ngoái nên khó giảm kịp với giá thế giới. 

Lệch pha giá vàng, đến lúc xem lại việc lập sàn vàng - Ảnh 1

- Chênh lệch giá vàng cao cùng lúc giá USD tự do tăng mạnh, vậy có hay không tình trạng nhập lậu vàng, thưa ông?

- USD tự do tăng mạnh có phần nguyên nhân do vấn đề biên mậu. Bởi với chênh lệch như vậy vàng quá hấp dẫn. Điều này cũng giống chuyện đã xảy ra hơn 10 năm trước, mỗi lần chênh lệch giá trong nước và thế giới ở mức cao, USD chợ đen sẽ tăng mạnh.

Việc kiểm soát biên giới chống Covid-19 cho dù kín cỡ nào cũng có kẽ hở cho vàng chạy qua biên mậu. Tuy nhiên, nhìn góc độ lớn hơn cũng còn có lý do khác. Trong bối cảnh giá vàng thế giới sụt giảm, lợi suất trái phiếu Mỹ tăng lên hút đồng USD cũng đẩy đồng tiền này trên thế giới mạnh lên. Đây cũng là điều làm giá đồng USD trong nước tăng theo. 

- Tháng 11-2020, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đã kiến nghị sửa Nghị định 24/2012 theo hướng cho doanh nghiệp được phép sản xuất vàng miếng và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, nhưng ngân hàng Nhà nước không đồng ý. Quan điểm của ông thế nào?

- Phải nhìn nhận tác động tích cực của Nghị định 24/2012 là chống vàng hóa nền kinh tế. Nếu trở lại như trước năm 2012 cho phép các NHTM, doanh nghiệp được sản xuất vàng miếng và nhập khẩu vàng nguyên liệu, sản xuất vàng miếng sẽ trở lại vòng lẩn quẩn là lượng tài sản lớn của xã hội đầu cơ vào vàng.

Song đứng ở góc độ phân tích thấu đáo giữa lợi ích và thiệt hại của nền kinh tế, biện pháp này cũng chưa thích hợp. Nhưng tôi cho rằng nên thành lập sàn vàng quốc gia.

Vàng ở thị trường Comet tại Chicago (Mỹ) không phải là vàng vật chất mà là vàng giấy. Và giá vàng niêm yết trên thị trường Comet phản ánh rất nhiều các yếu tố như kinh tế, chính trị, đầu cơ và kể cả những mối tương quan khác.

Ở Việt Nam, nhiều năm qua cũng đã có nhiều hình thái kinh tế, nhiều đồng tiền và biến động địa chính trị khác nhau, nên trong chừng mực nào đó việc trữ vàng để làm phương tiện cất trữ hoặc thanh toán vẫn diễn ra trong một bộ phận dân cư.

Do vậy, nếu phủ nhận vai trò của vàng trong nền kinh tế cũng như trong vấn đề ý thức xã hội là duy ý chí. Tôi cho rằng vấn đề thành lập sàn vàng, ký quỹ vàng bằng vàng giấy giống như chứng chỉ ETF vàng là điều hết sức cần thiết, vừa phù hợp với tinh thần nội dung của Nghị định 24, vừa phù hợp với thông lệ thế giới. 

Việc thành lập sàn vàng và việc phát hành các chứng chỉ vàng ETF không làm tăng mức độ trầm trọng vàng hóa như việc nhập khẩu vàng vật chất, hay cho các NHTMCP huy động và cho vay vàng, mà có lợi cho việc thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII) vào thị trường tài chính Việt Nam. Vì hiện nay các dòng vốn FII vào thị trường tài chính nước ta chỉ có duy nhất kênh chứng khoán (bao gồm cổ phiếu, trái phiếu và chứng chỉ quỹ).

Nếu tạo lập được sàn vàng quốc gia với các chứng chỉ ETF, tức sẽ tăng thêm món ăn, tăng thêm khẩu vị cho nhà đầu tư nước ngoài, có lợi cho việc thu hút vốn FII vào Việt Nam. 

- Xin cảm ơn ông.

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục