Vàng đã mất gần 100 USD trong tuần cuối cùng của tháng 2, có thời điểm giá vàng đã sụt giảm xuống chỉ còn chưa đến 1.720 USD/ounce, chạm mức thấp nhất trong 8 tháng qua. Cụ thể, vàng giao ngay hôm 26/2 đã giảm 2,5% xuống 1.726,31 USD/ounce, sau khi chạm mốc 1.716,85 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2020. Vàng thỏi giảm tổng cộng 6,4% trong tháng 2 - tháng giảm sâu nhất kể từ tháng 11/2016. Giá vàng kỳ hạn tháng 4 trên sàn Comex cũng giảm 2,6% trong phiên cuối tuần, chốt ở mức 1.728,80 USD.
Việc lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ neo ở mức cao, kéo theo đồng USD tăng giá là nguyên nhân chính tác động đến sức hấp dẫn của vàng thỏi. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm trong phiên 26/2 đạt hơn 1,6% - mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát, đồng thời đã tăng 30 điểm chỉ trong tuần vừa qua.
Đợt bán tháo vàng có thể sẽ chưa kết thúc khi hầu hết các chuyên gia tại Phố Wall dự đoán giá sẽ thấp hơn nữa vào tuần tới. Theo khảo sát xu hướng giá vàng tuần tới của Kitco, 61,5% chuyên gia tham gia khảo sát trên phố Wall dự đoán giá giảm, 23% dự đoán giá tăng và 15,5% còn lại dự đoán thị trường sẽ đi ngang.
Trong khi đó, tại phố Main, trong số 669 nhà đầu tư khảo sát thì có đến 351 nhà đầu tư (tương đương 52,5%) dự đoán giá vàng sẽ đi lên, 223 nhà đầu tư (tương đương 33,3%) dự đoán giá sẽ thấp hơn và 95 nhà đầu tư còn lại (tương đương 14,2%) giữ ý kiến trung lập.
Theo các nhà phân tích, tâm điểm của tuần tới sẽ là lợi suất trái phiếu Chính phủ và đồng USD. Kỳ vọng lạm phát gia tăng hỗ trợ giá vàng nhưng cũng kéo lợi suất trái phiếu tăng, yếu tố làm xói mòn vị thế của vàng như một hàng rào chống lại lạm phát vì làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lãi là vàng. Bên cạnh đó, giá vàng còn có thể sụt giảm do áp lực bán tăng lên khi phân tích kỹ thuật cho thấy kim loại quý này rơi vào một xu hướng giảm trong ngắn hạn.
Colin Cieszynski, chiến lược gia trưởng về thị trường của SIA Wealth Management, cho biết: "Kẻ thù của vàng - đồng đô la Mỹ dường như đang phục hồi khi các nhà đầu tư chú ý đến việc lợi suất trái phiếu kho bạc tăng." Theo đó, mức hỗ trợ lớn tiếp theo cần kiểm tra vào tuần tới là 1.700 USD/ounce. Việc kim loại quý này có thể đạt được mức đó hay không có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Giám đốc điều hành Adrian Day Asset Management - Adrian Day cho biết tuần tới có thể mang lại "sự tụt dốc cuối cùng" của giá vàng. "Về cơ bản, mọi thứ đều tích cực đối với vàng, với một lượng lớn thanh khoản dư thừa trên toàn thế giới. Đồng đô la chỉ đang bật khỏi mức thấp nhưng vẫn thấp hơn so với mức đạt được trong thời điểm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ - trong khi lãi suất đã tăng lên trong thời gian dài từ mức âm. Trên hết, thị trường cần một sự "rửa trôi" và thay đổi tâm lý."
Một trong những phiếu bầu cho rằng giá vàng sẽ giảm vào tuần tới đến từ nhà xuất bản của V.R. Metals/Resource Letter, Mark Leibovit, người đã đặt câu hỏi liệu thị trường có thể thấy giá xuống thấp tới 1.500 USD/ounce hay không. "Có quá nhiều nhà đầu cơ dự báo giá đi lên. Các chỉ số kỹ thuật thì trung lập với xu hướng giảm. Liệu mức 1.500 USD có đang ở phía trước không?" Leibovit viết.
Nhà phân tích Craig Erlam của OANDA cho biết: "Vàng đang gặp khó khăn một lần nữa và triển vọng trong ngắn hạn của kim loại này không mấy khả quan. Lợi suất tăng và đồng đô la nhảy vọt đang gây áp lực lên vàng và ngăn chặn sự đảo chiều trên thị trường trái phiếu, thật khó để kỳ vọng vận may của nó sẽ được cải thiện".
Bob Haberkorn, chiến lược gia thị trường cấp cao tại RJO Futures cho biết: "Vàng đang gặp khó khăn do những gì đang diễn ra trên thị trường trái phiếu nhưng giá vàng ở những mức này dự báo khả năng xuất hiện một đợt mua lớn."
Bất chấp nhiều dự báo giá vàng sẽ giảm mạnh, vẫn có một số tiếng nói lạc quan, cho rằng vàng sẽ tăng cao hơn trong tuần tới. "Lần đầu tiên sau bốn tuần, tôi lạc quan rằng vàng sẽ cao hơn", người đứng đầu chiến lược hàng hóa của Ngân hàng Saxo, Ole Hansen nói. Lý do cho điều này thực tế là thị trường chứng khoán đang bắt đầu bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng của lợi suất trái phiếu. Trong tuần vừa qua, chứng khoán đã sụt giảm rất mạnh ở không chỉ Mỹ mà nhiều thị trường khác trên thế giới.
Giá vàng trong nước ngày càng đắt đỏ
Trong khi thị trường vàng thế giới bị bán tháo mạnh và rơi xuống vùng đáy 8 tháng thì vàng trong nước vẫn chỉ giảm rất nhẹ. Phiên cuối tuần này, vàng SJC được các doanh nghiệp mua vào phổ biến ở mức 55,5 - 55,6 triệu đồng/lượng còn bán ra tại 56,05 - 56,1 triệu đồng/lượng. So với giá thế giới, vàng trong nước đắt hơn kỷ lục gần 8 triệu đồng mỗi lượng.
Thời gian qua, giá vàng trong nước thường xuyên cao hơn giá thế giới từ 5-7 triệu đồng/lượng.
Vì sao có sự chênh lệch quá lớn này? Báo Người lao động dẫn lời ông Tô Thanh Hiệp, Tổng Giám đốc Công ty Vàng bạc Đá quý Sacombank (SBJ), nhận định do giá vàng thế giới rớt quá mạnh trong thời gian ngắn và nguồn cung trong nước lại hạn chế nên giá vàng SJC có sự cách biệt lớn với thế giới.
Ông Lê Trí Thông, Tổng Giám đốc Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), cũng cho rằng giá vàng trong nước cao hơn thế giới do nguồn cung khan hiếm. Giá vàng phụ thuộc vào cung - cầu và sự biến động của giá thế giới. Người dân đang nắm giữ vàng vật chất thấy giá vàng SJC cao như vậy sẽ tiếp tục nắm giữ và không bán ra, trong khi thị trường vàng trong nước và thế giới đã không liên thông với nhau từ nhiều năm qua. Cung - cầu trên thị trường lệch pha, doanh nghiệp thấy giá vàng nguyên liệu trên thế giới thấp nhưng không nhập về được.
Thực tế, từ khi có Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng vào năm 2012 đến nay, gần như không có doanh nghiệp nào được cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ. Nguồn vàng nguyên liệu chủ yếu đến từ việc mua đi bán lại trên thị trường.
Ngân hàng Nhà nước cũng ngừng việc đấu thầu vàng miếng để tăng cung cho thị trường trong nước từ cuối năm 2013 đến nay. Do đó, các doanh nghiệp kiến nghị Ngân hàng Nhà nước sớm xem xét cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ.
Link bài gốc