Ngày pháp luật

Lễ tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân Thăng Long năm 2022: Lan tỏa văn hóa doanh nghiệp

Lâm Quỳnh

Chào mừng 68 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2022); Kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10); Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam (10/11), Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội sẽ tổ chức “Lễ tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân Thăng Long năm 2022” với chủ đề “Văn hóa doanh nghiệp hội nhập, phát triển” dưới sự chỉ đạo của UBND thành phố, sự phối hợp của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương, Sở Văn hóa Thể thao, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội và Ban thi đua khen trưởng thành phố.

Dự kiến, chương trình sẽ diễn ra vào ngày 10/11 tại Nhà hát lớn Hà Nội, với sự hiện diện của lãnh đạo Trung ương, các Đại sứ quán, tham tán thương mại các nước, đại biểu TP, Sở ngành, hiệp hội các tỉnh thành, các đơn vị tài trợ và đại diện doanh nghiệp Thủ đô.

Năm nay, gần 200 doanh nghiệp đại diện cho hơn 351.000 doanh nghiệp Thủ đô sẽ đón nhận những phần thưởng cao quý cấp Nhà nước trao tặng: Huân chương Lao động; Cờ đơn vị xuất sắc phong trào thi đua của Chính phủ; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Khen thưởng cúp Thăng Long; Cờ đơn vị xuất sắc phong trào thi đua của TP Hà Nội; Bằng khen của UBND TP Hà Nội; Bằng khen của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội.

Thông tin cho các cơ quan thông tấn báo chí về sự kiện, TS. Mạc Quốc Anh – Tổng thư ký, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cho hay: Điểm đổi mới của chương trình năm nay là, Ban tổ chức sẽ thêm tiêu chí tôn vinh các doanh nghiệp có văn hoá kinh doanh, văn hoá doanh nghiệp, góp phần thống nhất về nhận thức trong cộng đồng doanh nghiệp và xã hội. Từ đó tạo nền tảng hình thành và phát triển văn minh kinh doanh của TP Hà Nội nói riêng cũng như cả nước nói chung. “2021 là một năm nhiều khó khăn và thách thức. Dịch bệnh Covid-19 đã khiến các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, hành khách và nhiều lĩnh vực dịch vụ như y tế, giáo dục, ăn uống, lưu trú, du lịch, giải trí, nhà hàng, khách sạn… bị ảnh hưởng nặng nề. Bước sang năm 2022, mặc dù dịch Covid - 19 vẫn ảnh hưởng đến nền kinh tế. Tuy nhiên, đã có nhiều doanh nghiệp phục hồi hoạt động một cách ngoạn mục và văn hóa doanh nghiệp chính là yếu tố giúp doanh nghiệp đứng vững trước sự cố” - TS. Mạc Quốc Anh khẳng định.

Trong khuôn khổ của buổi họp báo trước thềm sự kiện vừa tổ chức, đã diễn ra phần giao thương - kết nối 1:1 của 04 công ty, doanh nghiệp. Đặc biêt, Diễn đàn Văn hóa doanh nghiệp đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với các đại biểu tham dự chương trình. Diễn giả Lê Doãn Hợp – Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông: Nếu như văn hóa công sở là nền tảng chính trị của quốc gia thì VHDN là nền tảng của kinh tế đất nước. Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mà không có đạo đức, văn hóa thì không thể phát triển bền vững. Đây cũng là phạm trù nhân quả, và văn hóa chính là tinh hoa của doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp phải làm thật, làm ăn đàng hoàng. Đối với một doanh nghiệp, văn hóa người đứng đầu rất quan trọng. Theo đó, người đứng đầu doanh nghiệp phải hội tụ 3 yếu tố: Trung thực, hướng thiện; Đảm bảo công bằng và Tôn trọng pháp luật.

Còn bà Bùi Thị Thanh Hương - Chủ tịch Mạng lưới Nữ lãnh đạo Happy Women Leader Network thì cho rằng: Tình yêu trai gái là sự rung động của hai trái tim, còn trong doanh nghiệp, tình yêu giữa các cán bộ công nhân viên bắt nguồn từ văn hóa doanh nghiệp. Làm thế nào để mọi người cùng yêu nhau, gắn bó với nhau, phải có lý do, không chỉ rung động thôi. Trong đó, tính gắn kết là vô cùng quan trọng. Nếu các thành viên không có sự gắn kết, doanh nghiệp sẽ tan rã lúc nào không biết. Muốn gắn kết phải có tình yêu của từng thành tố. Làm sao để mọi người hiểu văn hóa của tổ chức đó, khi tổ chức đó thành công như thế nào? Thông qua sự gắn kết, sẽ biết được hiệu suất công việc, cũng như mối quan hệ giữa các cán bộ công nhân viên trong công ty.

 

Theo TS. Mạc Quốc Anh, văn hóa doanh nghiệp là “phần hồn” của doanh nghiệp. Việc xây dựng, phát triển văn hóa doanh nghiệp phù hợp sẽ giúp định hướng, đồng bộ hành vi của tất cả nhân viên, gắn kết, tạo động lực cho nhân viên, cũng như tạo dựng cho doanh nghiệp một lợi thế cạnh tranh bền vững.

Tin Cùng Chuyên Mục