Ông đánh giá như thế nào về bản lĩnh của các doanh nhân Việt Nam trong giai đoạn đẩy mạnh phục hồi sản xuất, kinh doanh hiện nay?
Nói về bản lĩnh của doanh nhân doanh nghiệp Việt Nam, chúng ta đều biết là mang đầy tố chất của người Việt Nam: rất kiên cường, rất chủ động, rất linh hoạt, rất sáng tạo và đặc biệt là ý chí tinh thần vượt khó.
Từ xưa đến nay qua các cuộc chiến tranh bảo vệ dân tộc, khó mấy chúng ta cũng làm được. Trong cuộc chiến phát triển kinh tế, khó mấy các doanh nhân cũng cố gắng vượt qua.
Minh chứng là chúng ta đã vượt qua 2 năm Covid-19 vô cùng khó khăn và trong giai đoạn hội nhập, phục hồi sau Covid-19 các doanh nghiệp cũng đang vươn lên rất mạnh mẽ. Biểu hiện bằng các con số như tăng trưởng GDP quý III vượt trên 13%, GDP 9 tháng tăng trưởng cao nhất 11 năm. Hay như con số xuất khẩu của cả nước tăng trưởng vô cùng ấn tượng. Kết quả này, bên cạnh sự đồng hành giúp sức từ Chính phủ, các bộ, ngành thì có thể thấy bản lĩnh, cùng sự nhanh nhạy, sáng tạo của các doanh nhân Việt Nam.
Ngoài ra, các doanh nhân cũng đã ứng biến, nhanh chóng khắc phục khi chuỗi cung ứng chưa được phục hồi, mua lại các doanh nghiệp tại nước ngoài để tạo thị trường, lấy cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, ổn định sản xuất.
Thậm chí lúc dịch Covid-19 đang ở đỉnh điểm, một doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực giày dép với hơn 4.000 lao động muốn rút lui khỏi Việt Nam. Doanh nghiệp trong nước thực hiện mua lại, đảm bảo việc làm cho hàng nghìn công nhân và ổn định sản xuất của doanh nghiệp đó ngay lập tức.
Trong lúc dịch bệnh khó khăn, vẫn duy trì sản xuất, kinh doanh, duy trì việc làm và thu nhập cho người lao động. Đồng thời, hy sinh, dành nguồn lực không nhỏ để ủng hộ công tác phòng chống dịch, quỹ vắc xin,… Đó cũng thể hiện sự bản lĩnh của doanh nhân Việt.
Cùng với đó, sự trưởng thành của doanh nhân Việt được thể hiện như thế nào, thưa ông? Trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng văn hóa kinh doanh, khẳng định đạo đức và văn hóa kinh doanh của chính mình cũng như của doanh nghiệp. có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
Trong chặng đường phát triển vừa qua doanh nhân có đóng góp ngày càng lớn cho sự phát triển của kinh tế xã hội đất nước, đưa Việt Nam từ vị trí hầu như không có gì trên bản đồ kinh tế thế giới trở thành quốc gia nằm trong TOP 40 lớn nhất về GDP và TOP 20 về quy mô thương mại thế giới. Đạt được những thành tựu đó, chúng ta phải ghi nhận sự trưởng thành vượt bậc cả tâm và tầm của các doanh nhân Việt Nam.
Các doanh nhân Việt Nam hiện nay đã có nhiều doanh nhân vươn ra thị trường thế giới, nhiều doanh nhân làm chủ lãnh đạo các tập đoàn lớn, là trụ cột cho các ngành kinh tế của quốc gia. Đồng thời, cũng có đủ sức để cạnh tranh song phẳng với các doanh nghiệp nước ngoài. Đó là cái tầm của doanh nhân Việt Nam. Đáng chú ý hơn và đáng ghi nhận hơn đó là tư duy chiến lược và tư duy phát triển của doanh nhân Việt Nam đã khác trước. Không còn mục đích ngắn hạn, nhiều doanh nhân hiện nay tập trung vào mục đích rất dài hạn, phát triển doanh nghiệp bài bản, bền vững. Đặc biệt, phát triển kinh doanh dựa trên đạo đức và văn hóa kinh doanh. Đây chính là cái tâm của doanh nhân Việt.
Tất nhiên, trong thời gian qua, có những hiện tượng doanh nhân vi phạm pháp luật tuy nhiên, đó chỉ là hiện tượng đơn lẻ, không đại diện cho bản chất của doanh nhân Việt.
Kinh doanh niềm tin là vàng. Thực tế, có cơ sở bán bánh nướng uy tín khách hàng xếp hàng mua, nhưng có nơi không ai đến. Vì sao? Bởi vì người ta thấy anh tin cậy được, tin vì chất lượng tốt, sản phẩm đẳng cấp,… và có những giá trị khác mà xã hội cho thêm vào. Nhưng vì sao khách hàng tin, dám đặt niềm tin, đó chính là đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh. Niềm tin là giá trị kết tinh của đạo đức và văn hóa kinh doanh mang lại, trong đó vai trò dẫn dắt của doanh nhân. Nhiều doanh nhân, doanh nghiệp họ tạo được giá trị kết tinh, điển hình như Iphone, bánh nướng Bảo Phương,…
Chẳng có nước nào trở thành quốc gia phát triển nếu buôn bán gian dối. Hay là tăng vốn "loạn cào cào" đó chính là hành vi phá hoại cần phải lên án. Không ai còn tin vào trái phiếu doanh nghiệp nữa, không ai đầu tư vào doanh nghiệp nữa thì tất cả các doanh nghiệp khác cũng đều bị ảnh hưởng.
Được biết, ông là một trong những người tham gia phong trào doanh nhân trẻ Việt Nam ngay từ những ngày đầu. Ông thấy có điểm gì khác biệt giữa thế hệ “doanh nhân F2”- doanh nhân trẻ hiện tại và các thế hệ doanh nhân cha anh đi trước?
Doanh nhân trẻ Việt Nam hiện nay may mắn hơn thế hệ trước, có nền tảng, kinh tế đã có quy mô, thương hiệu Việt Nam cũng bắt đầu có danh tiếng, sản phẩm của Việt Nam không còn là vô danh mà đã có thương hiệu vai vế nhất định trong bản đồ thế giới.
Đồng thời, thế hệ doanh nhân được đào tạo bài bản. Thậm chí, nhiều doanh nhân được đào tạo từ các trường lớp danh tiếng nước ngoài. Họ còn được hỗ trợ nhiều từ công nghệ hiện đại, có đầy đủ thông tin, vị thế xã hội cao hơn nhiều so với tầng lớp doanh nhân cha anh.
Trong khi đó, tầng lớp doanh nhân đi trước, một tỷ lệ rất cao thế hệ doanh nhân đời đầu là tham gia kinh doanh từ nhu cầu sinh tồn, khát vọng thoát nghèo chứ không được đào tạo ra để kinh doanh.
Hơn nữa, tầng lớp doanh nhân đi trước khởi nghiệp khi mọi người nhìn doanh nhân bằng con mắt vô cùng hoài nghi, thậm chí không được coi trọng.
Nhưng phải nói rằng, sức mạnh tinh thần và khát vọng làm giàu có lẽ thế hệ doanh nhân cha anh mạnh mẽ hơn thế hệ trẻ hiện nay. Khát vọng làm giàu bật lên vô cùng lớn, động lực là đói nghèo, động lực là sự đam mê, muốn khẳng định mình.
Nhìn các doanh nhân thành đạt hiện nay, như Chủ tịch Gleximco Vũ Văn Tiền ngày xưa đạp xe nhưng dám cạnh tranh với anh đi xe máy. Những ngày đầu khởi nghiệp, ông Tiền mơ có được chiếc Peugeot. Ông vẫn giữ lại chiếc xe đầu tiên ấy, dấu ấn về thời khó khăn, ôm khát vọng thoát nghèo.
Đối với các thế hệ doanh nhân trẻ việc tìm kiếm động lực và khát vọng vươn lên có thể là thách thức.
Thách thức đến từ việc thị trường đã định hình khá rõ. Trước đây, 70 tỷ có thể mở một ngân hàng, bây giờ muốn làm ông chủ ngân hàng có hàng chục nghìn tỷ cũng chưa chắc đã làm được. Do đó, để có được vị trí trên thương trường là vô cùng khó khăn.
Hai là, tốc độ thay đổi của khoa học công nghệ rất nhanh, chu kỳ đầu tư ngắn lại, đòi hỏi về vốn liếng cũng rất khác…Ngày xưa có thể vay bạn bè, vẫn một quy trình sản xuất đó nhưng chạy 10 năm sản phẩm vẫn bán tốt vì thị trường thiếu hàng hóa.
Ngày nay, có khi vừa đầu tư chưa kịp làm thì đã lạc hậu. Vì vậy, cơ hội cũng đi nhanh nếu doanh nhân không thực sự nhạy bén, sáng tạo.
Chưa kể, thị trường không còn là của riêng họ, có vô số đối thủ cạnh tranh không chỉ trong nước mà trên toàn cầu. Bây giờ hàng Trung Quốc có thể ship đến tận cửa nhà cho chính khách hàng của mình. Sản xuất cái tăm cũng cạnh tranh với Trung Quốc.
Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu như vậy, mọi nguồn lực các doanh nghiệp đều phải phát huy, vì nhiều khi chỉ hơn nhau một chút cũng là sự thắng thua. Doanh nghiệp các nước, đặc biệt các nước phát triển, phát huy rất tốt nguồn lực đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh. Doanh nghiệp Việt Nam rất tiếc trong giai đoạn vừa rồi chưa quan tâm nguồn lực này.
Chúng tôi rất mong ngày càng có nhiều doanh nhân, doanh nghiệp sẽ tham gia thực hành đạo đức kinh doanh chuẩn mực, mang bản sắc văn hóa Việt Nam nhưng đồng thời có tinh hoa của quốc tế để chúng ta tạo ra sức mạnh mới cho doanh nghiệp Việt Nam trong môi trường kinh doanh toàn cầu hiện nay.
Ông nghĩ thế nào về mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030?
Tôi đã ngồi với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư để bàn về con số 1,5 triệu doanh nghiệp vào nhiệm kỳ này, 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030. Nhiều người nói mục tiêu này rất thách thức, cần có nhiều chính sách để thúc đẩy thành lập doanh nghiệp, trong đó có cả việc thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp...
Quan điểm của tôi là chúng ta không chỉ nhìn vào mục tiêu con số, mà phải nhìn vào lợi ích của người kinh doanh, lấy lợi ích đó là tâm điểm, chủ thể của chính sách. Nếu hộ kinh doanh không thấy lợi khi chuyển thành doanh nghiệp, thì sẽ không có động lực thay đổi để chuyên nghiệp hơn, cạnh tranh hơn...
Trân trọng cảm ơn ông!
Trúc Linh