Không những kiếm bạc tỷ mỗi năm, ông còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Trăn trở thoát nghèo
Căn nhà khang trang của gia đình ông Châu nằm lọt giữa rừng cây cảnh giá trị. Trong khuôn viên rộng lớn, ông chừa ra một khoảng sân rộng làm chỗ đậu chiếc xe ô tô đời mới. Ông bảo, nếu cứ bám đồng ruộng đơn thuần như trước đây thì không biết đến bao giờ mới thực hiện được ước mơ “một vợ, hai con, ba tầng, bốn bánh” như nhiều người thường nói đùa với nhau.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông nên sau khi lấy vợ, ông Châu cũng nối gót bố mẹ bám đồng ruộng. Với vài sào đất, hàng ngày vợ chồng ông cần cù làm việc những mong cuộc sống đủ ăn. Tuy vậy, dù cật lực lao động nhưng thu hoạch hàng năm chẳng đáng là bao. Chán nản, ông quyết định chuyển hướng đi làm thợ xây. Công việc này có thêm đồng ra đồng vào nhưng cũng vất vả không kém. Điều đó khiến ông tiếp tục trăn trở phải tìm hướng đi mới.
Tuy nhiên, làm gì để thoát nghèo là điều không hề dễ dàng khi bản thân ông không có bằng cấp, chuyên môn gì khác. Cho đến năm 1996, từ những lần đi làm công trình ở tỉnh Hà Tĩnh, ông nhận thấy nhu cầu trồng cây cảnh và cây bóng mát tại các công trình xây dựng, dự án, trụ sở chính quyền rất lớn. Trong khi đó, tại làng Kim Phúc nơi ông sinh ra lại có truyền thống ươm trồng cây lâm nghiệp, cây cảnh, cây giống để bán. Ý tưởng làm ăn mới chợt lóe lên trong đầu người đàn ông này.
Ông quyết định về quê, mua các loại cây cảnh như: cây si, lộc vừng, vạn tuế… và các loại cây bóng mát về ươm trồng trên đất nông nghiệp của gia đình. Về đầu ra của cây cảnh, ông tận dụng mối quan hệ với các chủ thầu xây dựng công trình trước đó, trực tiếp đến gõ cửa các đơn vị, cơ sở, nhà hàng đặt vấn đề. “Đó là khoảng thời gian khó khăn, vất vả. Nhưng tôi đã gặp may khi lần đầu đã trúng nhiều đơn hàng lớn. Nhờ đó công việc làm ăn bước đầu tương đối thuận lợi”, ông chia sẻ.
“Thừa thắng xông lên”, ông Châu bắt đầu hướng dẫn cho bà con trong vùng mạnh dạn thay đổi cây trồng. Từ việc làm nông nghiệp đơn thuần, trồng các loại cây như ngô, lạc, khoai chuyển sang trồng các loại cây cảnh, hoa và cây bóng mát.
Song thay đổi suy nghĩ và thói quen là chuyện không hề đơn giản khi người dân thường quan tâm đến chuyện “ăn chắc mặc bền” rồi mới tính tới thú vui chơi cây cảnh. Cũng sinh ra từ nhà nông nên ông hiểu rõ tâm lý ấy. Do vậy, ông Châu đã cam kết với người dân sẽ thu mua cây trồng mà họ ươm được. Nhờ sự cam kết ấy, số người chuyển đổi từ cây nông nghiệp sang trồng cây cảnh ngày càng nhiều.
Thành công nhờ tinh thần trách nhiệm, uy tín
Với sự nhanh nhạy, chỉ trong thời gian ngắn ông Châu đã xây dựng được thương hiệu, uy tín riêng cho mình. Giữa nhiều người ồ ạt làm nghề cây cảnh, ông vẫn có được chỗ đứng riêng trên thị trường. “Hữu xạ tự nhiên hương”, nhiều khách hàng sau khi làm việc với ông đã giới thiệu nhiều người khác.
Kể về quá trình làm nghề, ông cho biết, thời điểm ông “phất” lên nhanh nhất là những năm 2009 đến 2015. Trong khoảng thời gian này, ông liên tục nhận được nhiều công trình, dự án lớn trong và ngoài tỉnh. Đầu tiên là việc ông Châu trúng gói dự án có giá trị 5 tỷ đồng, trồng cây xanh ở các tuyến đường ở thị xã Cửa Lò (Nghệ An) vào năm 2009.
Đến năm 2014, ông tiếp tục trúng dự án trồng các loại cây bóng mát dọc tuyến đường từ cầu Bến Thủy 2 đến TP Hà Tĩnh (Hà Tĩnh) với chiều dài 38 km. Với số lượng 7000 cây, ông phải thuê 60 nhân công làm việc liên tục trong vòng 1 tháng để đảm bảo tiến độ của đơn vị thuê yêu cầu. Ông không ngại “bật mí” về tổng kinh phí của gói thầu nhận được là hơn 7 tỷ đồng.
|
Ông Châu hiện trồng ươm cây bóng mát trên diện tích hơn 2ha. |
Gần đây nhất là cuối năm 2018, ông trúng các dự án trồng cây cảnh, cây bóng mát ở nhiều xã đón nhận nông thôn mới ở Hà Tĩnh. Nhiều địa phương sau khi được giới thiệu đã tin tưởng đặt mua cây của nhà vườn ông qua điện thoại, dù hai bên chưa một lần gặp mặt. Ông Châu cho biết: “Đó là niềm vui rất lớn đối với những người làm nghề như mình. Vui khi được khách hàng hoàn toàn tin tưởng, đặt trọn niềm tin. Đáp lại sự tin tưởng đó, tôi luôn làm việc với tinh thần đầy trách nhiệm, uy tín”.
Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu của thị trường, ông Châu thuê 2ha đất nông nghiệp để ươm trồng khoảng 1 vạn cây cảnh, cây bóng mát. Để tạo hướng đi riêng cho mình, ông chú trọng đầu tư vào những loại cây bóng mát để hướng vào thị trường các công trình xây dựng và đơn vị hành chính nhà nước. Với những loại cây này, ông mua về ươm trồng ít nhất 5 năm rồi mới xuất bán. Công việc chăm sóc, tỉa cây đều được nhân công lành nghề thực hiện.
Ngồi nhìn những hàng cây cảnh trên chục tuổi, ông bộc bạch: “Cũng với những thửa đất này nhưng nếu mình trồng cây nông nghiệp đơn thuần thì may ra đủ ăn, chứ chưa nói đến chuyện làm giàu. Nếu làm một phép so sánh thì tôi khẳng định nghề trồng, kinh doanh cây cảnh, các loại cây bóng mát có giá trị kinh tế cao gấp 50 lần làm nông bình thường. Cái hay là trồng những cây này ít phụ thuộc vào thời tiết, mình luôn chủ động được công việc”.
Ông Châu cho biết, trung bình mỗi năm khu vườn của gia đình ông bán ra thị trường từ 2000 đến 3000 nghìn cây. Trong đó có những cây có giá hàng trăm triệu đồng. Sau khi trừ hết chi phí, ông bỏ túi khoảng 1 tỷ đồng. Riêng những năm cao điểm, ông thu về gần 2 tỷ đồng. Đó là khoản tiền lớn đối với vùng đất chuyên làm nông nghiệp như Nghi Ân.
Chia sẻ về những dự định tương lai, ông cho hay sẽ mở rộng hơn mô hình đang có. Hướng phát triển hiện nay của ông là đầu tư sang những cây bóng mát, tạo nên sự khác biệt cho dịch vụ cung cấp cây cảnh trên thị trường.
“Trong suốt 23 năm làm nghề, tôi may mắn nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương các cấp. Ngoài việc tạo điều kiện cho thuê đất để mở rộng mô hình, chính quyền còn luôn đồng hành cùng các hộ dân chúng tôi”, ông cho hay.
Nói về gương làm kinh tế của anh Nguyễn Viết Châu, ông Nguyễn Đình Trúc, Phó chủ tịch UBND xã Nghi Ân khẳng định, ông Châu là một trong những hội viên tiêu biểu của làng nghề hoa, cây cảnh Kim Phúc. Không những có nguồn thu lớn cho gia đình, ông còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động thường xuyên với mức lương hấp dẫn.
Mô hình làm việc của ông luôn được xã nhà khuyến khích và tạo điều kiện phát triển. Nhiều năm liền, ông Châu được nhận bằng khen các cấp từ thành phố đến tỉnh. Mới đây, ông được nhận bằng khen của UBND tỉnh Nghệ An vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp đỡ nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu bền vững giai đoạn từ 2012 đến 2016.
Bí quyết chăm sóc cây cảnh
Chia sẻ về bí quyết trồng và chăm sóc cây cảnh, ông Châu cho hay người làm vườn phải am hiểu từng loại cây để có phương pháp tưới, cắt tỉa hợp lý. Với những loại cây nhỏ, được ươm trong bầu phải tưới nước và bón phân hợp lý, điều độ mỗi ngày. Đơn giản như việc tưới nước cũng phải có kinh nghiệm như không nên tưới cây khi trời quá nóng sẽ khiến cây dễ chết, cũng không nên tưới quá nhiều phân, cây sẽ dễ bị úng, thối rễ.
Với vùng ươm cây bóng mát, cây lâu năm, hàng năm ông Châu phải huy động người dọn sạch cỏ và bón phân hữu cơ. Để đảm bảo chất lượng, anh thường trực tiếp ra vườn chỉ đạo người làm. Vào mùa mưa bão, công việc đóng cọc thép níu các loại cây bóng mát to lớn cũng được chủ vườn quan tâm, chú trọng.
Riêng với những loài cây cảnh đã có dáng như sanh, vạn tuế... phải thường xuyên cắt tỉa, tạo dáng. Công việc này đòi hỏi người làm phải có tay nghề, con mắt nghệ thuật để có thể uốn tạo ra những dáng đẹp, độc, lạ.
Ông tâm sự, nghề ươm trồng cây cảnh cũng giống như nuôi con mọn, phải khéo léo, tỉ mỉ, chịu khó. Hơn hết phải có niềm đam mê, vì nếu chỉ làm vì tiền thì chưa đủ để thành công.