Nhìn nhận đúng chu kỳ kinh tế để khởi nghiệp
Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Sunhouse, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam khóa V, VI đã chia sẻ về các khó khăn, thách thức của cộng đồng doanh nghiệp. Theo ông Phú, đây là lần đầu tiên thị trường tiêu dùng Việt Nam giảm khủng khiếp. Nhưng các doanh nghiệp khởi nghiệp vào đáy chu kỳ suy thoái khả năng thành công cao hơn lúc khởi nghiệp vào đỉnh. Trong 5 năm tới, Việt Nam vẫn nằm trong vùng kinh tế phát triển năng động, dân số vàng và tiêu dùng sẽ đi lên. Việt Nam nằm cạnh Trung Quốc là cực phát triển kinh tế năng động nhất thế giới, cộng thêm xu hướng đón làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng, về dài hạn là tích cực nhiều hơn tiêu cực.
Nhưng khi kinh tế khó khăn các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ khó nên trước hết phải duy trì sự tồn tại. Với các doanh nghiệp nguồn lực yếu, không có dự phòng cần nhân nhắc để từ bỏ ngay, tránh dồn lực vào những thứ không hiệu quả vì sẽ mất hết. Lúc này, doanh nghiệp cần cố gắng tiết kiệm nguồn lực để tìm ra lĩnh vực mới có thế mạnh hơn, và phát triển vào chu kỳ kinh tế trở lại sẽ thành công. Với các doanh nghiệp đầu tư dàn trải, nên cơ cấu lại, cắt gọt những cái làm chưa tốt, tập trung vào cốt lõi mang lại lợi nhuận để tồn tại qua giai đoạn này. Ngược lại, với các doanh nghiệp có hệ thống quản trị tốt, có tích lũy thì đây là cơ hội mở rộng thị trường rẻ nhất vì nhiều người yếu, thu hút nhân lực cũng dễ, quảng cáo cũng rẻ.
Cũng theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Sunhouse: Ý chí và tinh thần là quan trọng nhất với người lãnh đạo doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế biến động. Doanh nhân Trần Anh Vương, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam khóa V, VI thì chia sẻ, mỗi năm đều khởi nghiệp, thành lập doanh nghiệp mới, đương nhiên đồng nghĩa với việc giải thể cũng nhiều, vì xu hướng thế giới thay đổi rất nhanh.
Trong hoàn cảnh này, các doanh nhân, nhất là hiệp hội đừng để những khó khăn giống như cây gỗ ngáng đường, làm nhụt chí thì rất nguy hiểm. Vì khi bước chân vào thương trường, việc khó khăn là đương nhiên. Trong năm nay, tất cả các ngành đều khó khăn, không chỉ kinh tế mà cả chính trị cũng thay đổi, làm thay đổi chính sách.
“Mặc dù Chính phủ đã rất tích cực trong việc đưa ra những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhưng việc thực thi còn chưa hiệu quả, dẫn đến những sự hỗ trợ chưa thực tế” - Ông Vương chia sẻ thêm.
Lãnh đạo phải nghĩ lớn thì mới có thể đưa doanh nghiệp bứt phá
Với phương châm “Làm thì có thể không chắc thắng, nhưng không làm thì chắc chắn thua”, ông Trần Đăng Nam – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội cho biết, doanh nghiệp hiện rất khó khăn kể cả về vốn và quản trị. Những ngành được xem là thuận lợi như logistics năm ngoái tăng 300%, nhưng từ đầu năm đến nay sụt giảm tới 50%. Phần lớn doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp thương mại, dịch vụ, doanh nghiệp FDI đều đang đương đầu với rất nhiều khó khăn do nhu cầu tiêu dùng bên ngoài giảm, lạm phát toàn cầu…
“Có công ty trong hệ sinh thái chúng tôi mới thành lập trong 6 tháng lỗ 20 tỷ. Lúc này tôi phát hiện đội ngũ lãnh đạo có vấn đề; Điểm mấu chốt tầm nhìn và mục tiêu lãnh đạo không ổn. Do đó, chúng ta phải xác định bất kỳ doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ, người chủ phải xây dựng chiến lược và quản trị để đạt được mục tiêu. Trong đó, ông chủ phải luôn thực chiến. Tôi đi nước ngoài nhiều, gặp các chủ doanh nghiệp trị giá hàng tỷ USD, nhưng họ có thể đàm phán chi tiết từng danh mục nhỏ, giống như một người bán hàng” - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ trần tình.
Theo đó, tất cả lãnh đạo đều phải nghĩ lớn thì mới có thể đưa doanh nghiệp bứt phá, dù quá trình đó luôn có thất bại. Phải thử nghiệm cái mới, dám nghĩ dám làm nhưng phải có dự phòng. Chúng ta phải coi đó là cuộc chơi rất bình thường, quan trọng là phải có phương pháp quản trị. Việc học hỏi rất quan trọng, học từ những câu chuyện thất bại, tìm những mentor, đi nghe tọa đàm để nghe giải pháp khác.
Đặc biệt, ông Nam nhấn mạnh, văn hóa doanh nghiệp rất quan trọng, nếu không có giá trị cốt lõi thì mỗi người chạy một kiểu, không thành hệ thống. Trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng hệ thống rất quan trọng, nếu không sẽ làm ăn kiểu nhát gừng. Quan điểm làm sao xây dựng doanh nghiệp có thể giá trị và có thể bán được trong tương lai. Nếu doanh nghiệp xác định thay đổi tư duy thì chúng ta sẽ đối diện với những thất bại một cách tích cực. Còn nếu không, họ gieo sự tiêu cực cho các nhân viên, lên văn phòng với tâm trạng lo lắng, bất an, chắc chắn cán bộ nhân viên sẽ bỏ đi ngay vì họ không nhìn thấy tương lai ở công ty.
Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Hòa Bình khóa I, II, III cho hay: Quan trọng doanh nghiệp sẵn sàng đương đầu và nhận diện đầy đủ và tìm ra cơ hội. Nói vậy không phải lý thuyết mà chính khó khăn sẽ dạy cho chúng ta biết làm như thế nào. Mọi vật thể sinh ra trên trái đất đều có quy luật tồn tại. Điều quan trọng là phải biết quan sát, phát hiện và mọi kỹ năng của mọi kỹ năng là thích nghi với nó.
“Càng áp lực, càng thử thách thì càng tìm thấy cơ hội. Với chúng tôi, có rất nhiều mảng năm 2022 thua lỗ rất nặng nề nhưng chúng tôi xác định đó là thử thách để nỗ lực vươn lên” - Ông Thắng chia sẻ.
Hiện, Chính phủ đang đẩy mạnh đầu tư công nên đây là cơ hội cho các doanh nghiệp xây dựng đang đón sóng . Các doanh nghiệp sản xuất nên tập trung vào sản phẩm đang có, nhưng phải là thiết yếu, vì kinh tế có suy giảm, người dân vẫn phải sinh hoạt hàng ngày; Tiếp tục cải tiến các phương thức sản xuất để tạo ra sản phẩm lương thực thực phẩm chế biến sâu, ngon bổ rẻ thì chắc chắn không sợ suy thoái. Quan trọng là, phải thay đổi tư duy làm sao để thu hút được nguồn lực, nó sẽ thể hiện vai trò của người lãnh đạo quan trọng đến mức nào./.
Tất cả lãnh đạo đều phải nghĩ lớn thì mới có thể đưa doanh nghiệp bứt phá, dù quá trình đó luôn có thất bại. Phải thử nghiệm cái mới, dám nghĩ dám làm nhưng phải có dự phòng…