Ngày pháp luật

Lạm phát ở khắp mọi nơi, nhưng không còn là kẻ thù của các quốc gia

Quỳnh Chi

Sau bốn thập kỷ chiến đấu với lạm phát, không chỉ Mỹ mà nhiều quốc gia khác hiện không còn mặn mà với việc chống tăng giá nữa. Trong khi các ngân hàng trung ương chơi “tất tay”, nhiều nhà đầu tư vẫn chưa chuẩn bị cho sự dịch chuyển này.

Theo Wall Street Journal phân tích, thế giới đang đứng trước bước ngoặt lớn của hệ thống tài chính. Trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, quan hệ quốc tế cho đến dân số và lao động đều đang chuyển sang xu hướng ủng hộ lạm phát.

Sau hơn 40 năm thực hiện các chính sách ưu tiên chống tăng giá, các giải pháp thân thiện với nhà đầu tư và người tiêu dùng giờ trở nên không còn hợp thời. Điều này diễn ra không chỉ ở Mỹ mà gần như trên toàn thế giới.

Lạm phát ở khắp mọi nơi, nhưng không còn là kẻ thù của các quốc gia  - Ảnh 1

Tuy nhiên, điều tệ hại là các nhà đầu tư không chuẩn bị cho lạm phát, có lẽ vì không dễ để nhận biết những bước ngoặt như thế này. Đây cũng có thể chỉ là báo động giả và phải vài năm nữa lạm phát mới xảy ra, nhưng các bằng chứng của xu thế dịch chuyển đã quá rõ ràng.

Các ngân hàng trung ương, dẫn đầu là Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), hiện ít quan tâm hơn đến lạm phát

Kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu, các nhà hoạch định chính sách loay hoay với các mục tiêu kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, gần đây, họ đã có những bước đi dứt khoát tách biệt khỏi các mục tiêu. Fed áp dụng chỉ tiêu mới linh hoạt hơn gọi là mục tiêu lạm phát trung bình 2%, có nghĩa là lạm phát có thể vượt quá 2% trong vài năm để bù đắp cho mức thấp dưới con số đó trong suốt cả thập kỷ vừa qua.

Hơn nữa, thay vì tập trung vào các dự báo để hành động trước khi lạm phát ập đến, Fed chuyển sang chờ đợi cho đến khi lạm phát thực sự xuất hiện. Vì các chính sách tiền tệ có độ trễ khá lớn, nhà kinh tế học Milton Friedman chỉ trích Fed hành động quá muộn để khống chế lạm phát.

Dưới thời cả Janet Yellen và Jerome Powell, Fed đều nhấn mạnh thứ mà trước đây được coi là mục tiêu thứ cấp: trạng thái toàn dụng lao động. Cụ thể, Fed tập trung vào lợi ích của việc để cho các nhóm lao động thiểu số thúc đẩy nền kinh tế.

Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Ảnh: sinvest
Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Ảnh: sinvest

Mặt trái của chính sách này là khi Fed cần phải hạ nhiệt nền kinh tế, nhóm này sẽ biết rằng họ là bộ phận bị ảnh hưởng đầu tiên nếu Fed thắt chặt chính sách. Điều đó khiến cho việc tăng lãi suất càng gây nhiều tranh cãi hơn so với thông thường.

Hệ thống chính trị chuyển sang ủng hộ chi vượt thu

Ít nhất là kể từ thời Nixon, đảng Cộng hoà sẵn sàng từ bỏ quan điểm cân đối ngân sách chính phủ. Tuy nhiên, cựu Tổng thống Donald Trump đã nâng điều này lên một tầm cao mới với thâm hụt cao kỷ lục trong thời bình nhằm trợ lực cho các đợt cắt giảm thuế. Người kế nhiệm Joe Biden cũng tỏ ra sẵn sàng chi nhiều hơn, và mặc dù gói chi tiêu khổng lồ tiếp theo gắn liền với tăng thuế, kết quả thăm dò cho thấy công chúng yêu thích các tấm séc cứu trợ.

Ở các nền kinh tế phát triển khác, xu hướng tương tự cũng diễn ra. Bài học từ khủng hoảng tài chính là thắt lưng buộc bụng không hiệu quả và không nên thu lại các biện pháp kích thích quá sớm. Các chính trị gia vẫn luôn ưa chuộng tăng chi ngân sách và không muốn lặp lại sai lầm hậu năm 2009, do vậy áp lực lạm phát cứ thế càng tăng lên.

Toàn cầu hoá đã lỗi thời

Các hiệp định tự do thương mại nở rộ trong 40 năm vừa qua đã tăng mức độ cạnh tranh và khiến giá cả giảm mạnh. Việc Trung Quốc mở cửa kinh tế sau năm 1978 và gia nhập WTO năm 2001 đã tạo thêm tổng cộng 800 triệu việc làm trên toàn cầu.

Tuy nhiên, toàn cầu hoá đã đạt đỉnh. Tổng thống Biden đang bước tiếp con đường bảo hộ “America first” của ông Trump, có phần còn quyết liệt hơn. Các chính sách kích cầu đi kèm yêu cầu “Người Mỹ mua hàng Mỹ” (Buy American). EU đang lập kế hoạch đánh thuế môi trường, trong khi Anh áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại mới với EU hậu Brexit.

Thương mại tự do vẫn chưa chết, vẫn có những hiệp định song phương ra đời. Tuy nhiên ít nhất là toàn cầu hoá đã giảm tốc.

Cấu trúc dân số làm lạm phát tồi tệ hơn

Một trong những điểm lợi của toàn cầu hoá là bổ sung thêm lao động nước ngoài trong lúc lao động trong nước tăng trưởng quá chậm chạp.

Trong khi dân số của Trung Quốc, công xưởng thế giới, đang ở đỉnh hoặc rất gần mức đó. Tại Mỹ trong thập kỷ vừa qua, dân số tăng trưởng chậm nhất kể từ những năm 1930.

Khi số lượng lao động giảm, người lao động có ít cạnh tranh hơn, có thể yêu sách nhiều hơn vì không còn sợ việc làm sẽ chuyển sang thị trường lao động rẻ hơn.

Người lao động được ủng hộ đẩy mức lương và giá cả lên cao

Còn quá sớm để ôn lại bài học lịch sử những năm 1970, khi các phong trào biểu tình nhằm bảo vệ quyền lợi người lao động dâng cao.

Tuy nhiên, hoạt động công đoàn rất được Tổng thống Biden ủng hộ, và tổ chức công đoàn có thể dễ dàng hơn. Xu hướng tiến lên nền kinh tế chia sẻ (gig economy) khiến cạnh tranh tăng cao và giảm thu nhập người lao động, do đó đang bị chính phủ Mỹ và EU chỉ trích và kìm hãm bằng các luật lao động mới.

Tuần trước Bộ trưởng Lao động Mỹ kiến nghị rằng người làm trong nền kinh tế gig nên được coi là nhân viên như những lao động bình thường, cung cấp cho họ nhiều quyền lợi hơn, mặc dù cũng lấy đi ít nhiều sự linh động của họ.

Người lao động được trao quyền nhiều hơn sẽ thúc đẩy mức lương tăng lên, đồng nghĩa giá cả lên cao.

Lưu ý nhà đầu tư

Xu thế dịch chuyển trong năm lĩnh vực kể trên hầu hết diễn ra khá chậm chạp, do tác động của chính trị. James Mackintosh của WSJ vẫn hy vọng rằng Fed sẽ sẵn sàng nâng lãi suất để kiểm soát lạm phát, thậm chí dù có mất đi số lượng việc làm.

Bà Yellen tuần rồi cho biết kế hoạch chi tiêu lớn sẽ cần phải nâng “phần nào” lãi suất. Lời của bà cho thấy ngân hàng trung ương không chịu áp lực nào từ chính phủ Biden là phải kiềm chế lãi suất. Ngoài ra, thêm nhiều người quay lại thị trường lao động cũng có thể khiến áp lực tăng tiền lương giảm bớt trong nhiều năm tới. Do đó, viễn cảnh Fed nâng lãi suất đang rất gần.

Áp lực lạm phát trong tương lai do chi tiêu sau đại dịch kết hợp với nguồn thu hạn chế của chính phủ có thể là khởi đầu của trận lạm phát lớn hơn. Thật vậy, 10 năm sau khi Paul Volcker, Cựu Chủ tịch Fed, dập tắt được lạm phát những năm 1980 bằng cách điều chỉnh tăng mạnh lãi suất lên mức trên 10% với cái giá phải trả là rủi ro suy thoái sâu, mức tăng giá hàng năm một lần nữa vượt qua 6%.

Nếu chúng ta đang ở một bước ngoặt của lịch sử lạm phát, cái giá phải trả cho sai lầm là rất lớn. Các nhà đầu tư đang mua trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm ở mức 1,6% sẽ bị thiệt hại khủng khiếp nếu lạm phát tăng cao.

Ngay cả khi đạt được mục tiêu lạm phát 2% của Fed trong giai đoạn này cũng đồng nghĩa người dân mất khả năng chi tiêu. Nếu lạm phát tăng lên mức trung bình của những năm 1990 là 3% thì đó sẽ là điều vô cùng tệ hại, và đến mức trung bình của những năm 1980 trên 5%, thì các nhà đầu tư trái phiếu sẽ thiệt hại nặng nề.

Còn quá sớm để chắc chắn rằng lạm phát cao ngất trong thời gian tới là không thể tránh khỏi. Nhưng sẽ thật điên rồ nếu xây dựng một danh mục đầu tư mà không coi lạm phát là một rủi ro lớn.

Tin Cùng Chuyên Mục