Nhiều chuyên gia kinh tế kỳ vọng sẽ đạt con số này, khi hiện nay Việt Nam đã và đang tham gia đàm phán, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA).
Giá trị XK lâm sản chính tăng gần 16%, XK gỗ tăng 14,4%
Báo cáo mới nhất của Tổng cục Lâm nghiệp cho thấy, giá trị XK lâm sản chính 9 tháng năm 2018 ước đạt đạt 6,757 tỉ USD (tương đương 75,07% kế hoạch năm), tăng khoảng 15,91% so với cùng kỳ năm 2017; chiếm 23,17% tổng giá trị kim ngạch XK toàn ngành. Giá trị xuất siêu của lâm sản chính 9 tháng ước đạt 5,08 tỉ USD; riêng giá trị xuất siêu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 4,74 tỉ USD.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 9.2018, XK gỗ và sản phẩm gỗ đạt 6,4 tỉ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, kim ngạch XK sản phẩm gỗ đạt 4,4 tỉ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2017. XK gỗ và sản phẩm gỗ trong 9 tháng năm 2018 sang hầu hết các thị trường chính đều tăng. Cụ thể, dẫn đầu là thị trường Hoa Kỳ với 2,7 tỉ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2017.
Thị trường lớn thứ hai và thứ ba lần lượt là Nhật Bản với 827 triệu USD (tăng 8,1%) và Trung Quốc với 812,6 triệu USD (tăng 3,8%). Tiếp đó là các thị trường như Hàn Quốc đạt 699,2 triệu USD (tăng 49,14%); Úc đạt 137 triệu USD (tăng 13,4%); Canada đạt 115 triệu USD (tăng 0,8%); Pháp đạt 90 triệu USD (tăng 24,7%)...
Giải bài toán nguyên liệu cho XK gỗ
Theo ông Nguyễn Tôn Quyền - Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), bên cạnh những thuận lợi kể trên, ngành gỗ Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó “nút thắt” lớn nhất chính là nguồn nguyên liệu. Khi các DN phát triển, thị trường được mở rộng, đồng thời nhu cầu nguyên liệu ngày càng lớn, yêu cầu cũng ngày một khắt khe, nhất là đòi hỏi về đảm bảo gỗ hợp pháp, là khó khăn các doanh nghiệp (DN) gỗ đang phải đối mặt.
Đặc biệt, “các DN chế biến, XK gỗ của Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt về nguồn nguyên liệu với các DN Trung Quốc bởi thông tin từ thị trường cho thấy, các DN Trung Quốc sẽ tỏa đi các thị trường, trong đó có Việt Nam và các nước Đông Nam Á để thu mua nguyên liệu” - ông Nguyễn Tôn Quyền cho biết. Trong khi đó, hiện nay, nguồn gỗ nguyên liệu trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu của các DN, nên nhiều DN phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu với giá đắt đỏ, khiến DN lâm vào cảnh “doanh thu cao nhưng lợi nhuận không nhiều”.
Dự án “Phát triển Hệ thống thông tin quản lý ngành lâm nghiệp tại Việt Nam” đã và đang đóng góp lớn cho ngành lâm nghiệp với các thành quả quan trọng. Lần đầu tiên Việt Nam xây dựng được một hệ thống nền FORMIS cho phép xây dựng cơ sở dữ liệu trên cơ sở các ứng dụng chuyên dụng và các phần mềm như: Cập nhật diễn biến tài nguyên rừng, Báo cáo nhanh kiểm lâm, Quản lý công nghiệp chế biến lâm sản…
Theo đó, dữ liệu của 7,1 triệu lô rừng của trên 1,4 triệu chủ rừng từ 60 tỉnh, thành phố trong cả nước sau chương trình Tổng điều tra, kiểm kê rừng đã được tích hợp vào hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên rừng.
Cùng với đó, các dữ liệu cập nhật diễn biến rừng 3 năm từ 2016 - 2018; dữ liệu điều tra rừng 4 chu kỳ từ 1990 đến 2010; dữ liệu tiềm năng về REDD+ và khu vực trồng rừng; dữ liệu giống cây trồng lâm nghiệp; dữ liệu chi trả dịch vụ môi trường rừng… cũng được chuẩn hoá và tích hợp vào hệ thống.
Dự án cũng đã xây dựng được Hệ thống chia sẻ trực tuyến tại địa chỉ http://maps.vnforest.gov.vn .