Theo bảng niêm yết tại các ngân hàng, tại kỳ hạn 12 tháng, SCB có lãi suất tiền gửi cao nhất thị trường, đạt 9%/năm. Tiếp theo đó là BacABank, BaoVietBank, HDBank với mức lãi suất niêm yết gần 9%/năm nhất.
Trong nhóm ngân hàng tư nhân lớn, ngoài HDBank có mức lãi suất 8,8%/năm ở kỳ hạn 6 tháng, các nhà băng có lãi suất cao tiếp theo là VPBank (8,3%/năm), ACB (8,05%, SHB (8%).
Nhóm Big 4 (Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV) cùng niêm yết 5,8%/năm cho hình thức gửi tại quầy. Đối với gửi online, Agribank áp dụng mức 6%/năm, Vietcombank là 6,5%/năm trong khi VietinBank và BIDV cùng mức 7,2%/năm.
Trong khi đó, hàng loạt ngân hàng tư nhân lớn như Techcombank, MB, Sacombank, Eximbank đã điều chỉnh lãi suất tiền gửi cao nhất kỳ hạn 12 tháng xuống dưới 8%/năm.
Nhóm Big 4 có lãi suất huy động thấp nhất hệ thống, cao nhất chỉ 7,2%/năm đối với gửi tại quầy kỳ hạn 12 tháng. Đối với hình thức online, Vietcombank và Agribank có lãi suất cao nhất là 7,4%/năm, trong khi VietinBank và BIDV là 7,7%/năm.
Lãi suất tái cấp vốn và trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng chính thức giảm từ 3/4
Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 6%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu giữ nguyên ở mức 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD giữ nguyên ở mức 6,0%/năm.
Đồng thời, NHNN cũng giảm lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ mức 1,0%/năm xuống 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 6,0%/ năm xuống 5,5%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do TCTD ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
NHNN cũng quyết định giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế từ 5,0%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vì mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm.
Bên cạnh đó, NHNN giảm lãi suất đối với tiền gửi bằng VND của Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam từ 0,8%/năm xuống 0,5%/năm; lãi suất đối với tiền gửi bằng ngoại tệ của Kho bạc Nhà nước giữ ở mức 0%/năm.
Ngoài ra, lãi suất đối với tiền gửi bằng VND của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô cũng giảm từ 0,8%/năm xuống 0,5%/năm.
NHNN cho biết, trong bối cảnh lạm phát mặc dù tăng nhưng có xu hướng chậm lại, tăng trưởng kinh tế còn nhiều khó khăn, để giảm lãi suất cho vay và thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã thực hiện giảm loạt lãi suất điều hành từ ngày 3/4.
Việc tiếp tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành nêu trên là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế của Quốc hội và Chính phủ, qua đó tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Đồng thời, việc điều chỉnh giảm trần lãi suất tiền gửi bằng VND các kỳ hạn dưới 6 tháng để các TCTD giảm chi phí đầu vào, trên cơ sở đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng giảm chi phí tài chính; tiếp tục điều chỉnh giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên xuống 4,5%/năm tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay với chi phí thấp hơn trong các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
“Việc tiếp tục giảm lãi suất điều hành tái khẳng định định hướng về xu hướng giảm lãi suất cho thị trường trong thời gian tới, qua đó định hướng TCTD giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, thông cáo NHNN viết.
Theo giới phân tích, động thái giảm lãi suất điều hành của NHNN là một động thái táo bạo nhưng hợp lý trong bối cảnh kinh tế vĩ mô của Việt Nam hiện nay, khi GDP quý I/2023 là mức tương đối thấp so với nhiều năm. Trong khi đó áp lực lạm phát và tỷ giá cũng đã ở trong tầm kiểm soát và đang có xu hướng đi xuống.
Lãi suất huy động có thể về 7%/năm, lãi suất cho vay chỉ còn quanh 10%/năm
Trong báo cáo phân tích mới đây, Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, mặt bằng lãi suất huy động có xu hướng giảm và có thể duy trì quanh ngưỡng 7%, tương ứng mặt bằng lãi suất cho vay bình quân quanh ngưỡng 10% (đối với kỳ hạn 12 tháng bình quân nhóm ngân hàng quốc doanh) thời điểm cuối năm, nhờ các yếu tố hỗ trợ sau: Lạm phát được kiểm soát dưới 4,5%; Thanh khoản ngân hàng ổn định; Fed đang ở cuối lộ trình tăng lãi suất, kì vọng đảo chiều chính sách vào cuối quý 2/2023.
Cụ thể, lạm phát bình quân được kiểm soát tốt trong ngưỡng mục tiêu 4 - 4,5% của Chính phủ sẽ là yếu tố hỗ trợ cho mặt bằng lãi suất huy động 12 tháng duy trì quanh ngưỡng 7% và lãi suất cho vay bình quân quanh ngưỡng 10%. Quan sát quá khứ giai đoạn 2000 - 2022, KBSV nhận thấy trong môi trường lạm phát bình quân biến động trong khoảng 4 - 5% thì lãi suất huy động 12 tháng sẽ duy trì quanh mức 7 - 8% và lãi suất cho vay bình quân biến động từ 9,5 -11%/năm.
Ngoài ra, thanh khoản 3 tháng đầu năm 2023 của hệ thống ngân hàng đã ổn định, tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ việc giảm mặt bằng lãi suất, nhờ nghiệp vụ mua 3,5 tỷ USD gia tăng dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước, tương ứng bơm khoảng 82 nghìn tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng.