Làn sóng second home
Thứ Bảy vừa rồi, H., một cô bạn đại học rủ người viết lên Lương Sơn, Hòa Bình thăm khu đất mà cô mới tậu được cách đây ít tháng. Lô đất của bạn tôi mua có diện tích khoảng 2.000 m2 tại xã Cư Yên, huyện Lương Sơn.
Trong đó, có khoảng 300 m2 đất thổ cư, còn lại là đất vườn, đất rừng mọc lèo tèo vài cây bụi hoặc phi lao có giá trị kinh tế thấp.
“Toàn bộ chỗ này mình mua 1,8 tỷ đồng, sắp tới sẽ cất một ngôi nhà nho nhỏ, còn lại vườn đồi sẽ trồng dổi hoặc trồng bưởi, mít… Sau 7-8 năm nữa, khi mình về đây ở hẳn thì cây cối cũng bắt đầu cho thu hoạch rồi”, H. nói và chỉ ra bốn phía cho biết, gần như khắp các khu vườn đồi xung quanh đều đã có chủ, hầu hết là những khách đầu tư đến từ Hà Nội sở hữu, xây tường, rào dậu.
Làn sóng người Hà Nội và các đô thị lớn tìm về các vùng quê cách khoảng 1h xe chạy mua vườn, mua đồi như ở Ba Vì, Đại Lải, Lương Sơn… đang rộ lên. Đó cũng chính là lý do H. kỳ vọng, “đại bản doanh” thứ hai của cô sẽ sớm tăng giá.
“Tôi chấp nhận bán căn nhà đất ở Hà Nội, dành một phần tiền mua mảnh này, một phần xây cất và để làm vốn, còn lại vợ chồng con cái đi thuê nhà ở Hà Nội. Đó là xu hướng hiện đại đấy ông ạ”, H. cho biết.
Trên thực tế, trao đổi với với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, đại diện Công ty cổ phần Đầu tư phát triển xanh Kỳ Sơn (chủ đầu tư Dự án resort Đồi Cỏ Thơm ở Lương Sơn) cho biết, thực ra nhu cầu về căn nhà thứ hai để nghỉ ngơi của giới nhà giàu không phải bây giờ mới xuất hiện.
Cách đây khoảng 10 - 20 năm, nhiều đại gia ở Hà Nội đã tìm đến Lương Sơn (Hòa Bình), Hòa Lạc (Hà Tây cũ) mua lại các khu trang trại, nhà vườn để thiết kế không gian nghỉ dưỡng riêng cho gia đình. Và đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu có một chỗ ở tách biệt, gần với thiên nhiên càng khiến cho giới nhà giàu quan tâm hơn đến sản phẩm này.
“Dịp dịch bệnh bùng phát, lượng người tìm kiếm nhà vườn, trang trại và các sản phẩm bất động sản sinh thái gắn với thiên nhiên nhưng mang tính cá nhân hóa tăng lên đột biến. Rất nhiều gia đình đã có sẵn căn hộ thứ hai ở khu vực này chuyển hẳn về đây sinh sống”, vị đại diện này cho biết.
Nhận xét về xu hướng này, ông Nguyễn Văn Ngọc, Giám đốc Sàn giao dịch bất động sản RB Land - đơn vị phân phối nhiều dự án bất động sản tỉnh - cũng cho biết, xu hướng sở hữu ngôi nhà thứ hai đã manh nha từ lâu, song từ đầu năm đến nay đang rộ lên.
Nguyên nhân có thể kể đến là nhu cầu hưởng thụ cuộc sống yên tĩnh, điền viên tăng lên. Đồng thời, người mua cũng xác định đây là một tài sản có thể gia tăng giá trị theo thời gian. Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh và điều kiện sống ngày càng ô nhiễm ở nơi phố thị thì việc tìm đến các khu nghỉ dưỡng ven đô là một phương án được nhiều người có tiền tính đến.
Theo ông Ngọc, một lý do khác khiến dòng sản phẩm này được khách hàng quan tâm là do các dự án ra hàng trong giai đoạn gần đây không giống với các bất động sản nghỉ dưỡng đơn thuần.
Trước đây, đa phần nhà đầu tư mua bất động sản nghỉ dưỡng sẽ giao lại cho chủ đầu tư, đơn vị quản lý để vận hành khai thác cho thuê làm du lịch, khách hàng chỉ được sử dụng để ở một số ngày nhất định trong năm.
Nhưng hiện nay, nhiều khách hàng không ưu tiên cho việc kinh doanh du lịch, mà sử dụng với mục đích chính là để ở cho gia đình, bạn bè. Và nếu không có nhu cầu phục vụ gia đình, đầu tư thì họ mới kinh doanh và ký hợp đồng với ban quản lý để chia lợi nhuận, nhưng với điều kiện, bất cứ khi nào cần, họ đều có thể lấy lại để sử dụng.
“Các bất động sản này không bị ràng buộc bởi thời gian cho thuê như các bất động sản nghỉ dưỡng trước đây. Họ mua nhà, đứng tên chính chủ, nhưng giao lại cho ban quản lý vận hành, vẫn đóng các chi phí dịch vụ như một khu đô thị”, ông Ngọc cho biết và nói thêm, thời điểm này, tình hình kinh tế chung của thế giới đang có chiều hướng xấu do tình hình dịch bệnh. Các kênh đầu tư như vàng, chứng khoán hay trái phiếu luôn rất rủi ro. Do đó, second home là tài sản có thể sử dụng với mục đích tích trữ lâu dài.
Hiện nay, RB Land đang phân phối sản phẩm tại Khu biệt thự nghỉ dưỡng Lagacy Hill Hòa Bình có quy mô 60 ha gồm 587 căn biệt thự và 69 shophouse, 2 khối nhà cao tầng với khoảng 300 căn hộ khách sạn. Ông Ngọc cho biết, dự án này bán khá tốt.
“Khách hàng chọn đầu tư loại dự án này là bởi gia đình có thể làm chỗ nghỉ ngơi, thư giãn cuối tuần. Nhưng nếu không có nhu cầu phục vụ gia đình, họ vẫn tận dụng cho thuê để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch với chi phí từ 3 - 5 triệu đồng/đêm.
Hiện tại, dự án mới mở bán đợt đầu khoảng 200 căn, nhưng đã hết hàng. Chúng tôi đang hẹn lịch với khách hàng và đợi chủ đầu tư ra hàng đợt tiếp theo đáp ứng nhu cầu của khách”, ông Ngọc cho biết.
Nhận xét về gu đầu tư nhà ven đô, ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Bất động sản BHS cho rằng, những địa chỉ có không khí trong lành, ven sông hồ, đồi núi…và đặc biệt là cách trung tâm thủ đô dưới 1,5 tiếng lái xe ô tô đang được lựa chọn.
“Gần đây, dòng tiền của giới nhà giàu Thủ đô đang tìm đến khu vực Hòa Lạc, Ba Vì, Hòa Bình, Vĩnh Phúc… và đa số là của những người có nhu cầu sở hữu chứ không hẳn là đầu tư, mua đi bán lại”, ông Tuyển nói.
Cảnh báo nhiều rủi ro
Theo nhận định của Quỹ đầu tư Vietnam Capital Partners, xu hướng sử dụng bất động sản cao cấp ven đô thị lớn của người giàu ngày càng tăng theo sự phát triển của nền kinh tế và mức tăng trưởng GDP đầu người. Vì thế, trong tương lai việc đầu tư vào loại hình bất động sản ngôi nhà thứ hai tại Việt Nam sẽ gia tăng nhanh chóng.
Tuy nhiên, nếu không tỉnh táo, nhiều người sẽ bị cuốn theo cơn sốt này. Bài học của rất nhiều trang trại, nhà vưỡn giá trị lớn ở Hòa Lạc, Ba Vì cách đây khoảng 20 năm được mua với giá trị cao và nằm “đắp chiếu” dài dài vẫn còn nhãn tiền. Nhiều người khi đó bỏ tiền nhiều trăm triệu đồng mua đất, cất nhà, cuối cùng lại phải thuê thêm người trông coi hoặc phải “nai lưng” ra thu dọn trong mỗi dịp lên “thăm vườn”.
Trở lại phong trào mua đất trang trại ở vùng ven, trong vai người mua đất làm dự án, chúng tôi được một môi giới bản địa tên Tuấn, ở Lương Sơn cho biết, hiện tại các khu đất trang trại có vị trí đẹp trên đồi cao, cạnh khe suối trên địa bàn gần như đã bán hết. Số còn lại, giá cả cũng lên dần do thời gian gần đây nhiều dự án nghỉ dưỡng, các khu resort mọc lên, nhiều nhà đầu tư về mua đất nên giá đất ngày một tăng.
“Mới giữa năm ngoái, giá chỉ khoảng từ 1 triệu đồng/m2, giờ đã tăng lên 2 - 3 triệu đồng/m2 và người dân thì chỉ cần có bán ra tiền là họ sẵn sàng thu hẹp đất sản xuất, không còn đồi để trồng trọt, canh tác”, anh Tuấn cho biết.
Trao đổi với phóng viên, ông Ngọc cũng cho biết, đón đầu xu thế mua đất trang trại, các nhà đầu tư thường tìm mối săn các khu đất của người dân với giá rất rẻ. Thậm chí, có người còn mua chỉ 500.000 đồng/m2, sau đó họ làm các thủ tục hồ sơ, chuyển đổi mục đích, lập dự án chia thành các ô đất 200 - 500 m2, xây dựng biệt thự, nhà vườn bán với giá hàng tỷ đồng/căn.
Nói về mặt trái của câu chuyện này, đại diện Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, việc người dân đô thị mua đất đồi rừng làm trang trại đúng là “được cái này thì phải mất cái kia”.
Không ít dự án thuộc dạng này đã phát triển tự phát, chưa được cấp phép của các cơ quan chức năng. Đơn cử như các dự án Dự án Green Oasis Villas; Dự án xây dựng khu nhà ở cao cấp Dầu khí Hòa Bình; Dự án khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Lâm Sơn; Dự án khu du lịch sinh thái và bảo tồn thiên nhiên Thác Nàng… đã bị tuýt còi vì sai phạm.
Cũng chính vì điều này, mới đây, Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có kế hoạch thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai đối tại một số địa phương, trong đó có Hòa Bình và hàng loạt dự án bất động sản trong khu vực này cũng vào tầm ngắm.
Trong đó, kế hoạch thanh tra đặt trọng tâm vào việc thực hiện các quy định của pháp luật về rà soát, sắp xếp đổi mới và phát triển nông, lâm trường theo quy định của Chính phủ, pháp luật đất đai; tình hình quản lý, sử dụng đất của các nông, lâm trường, các tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường…
Do đó, các chuyên gia cảnh báo rằng, nếu người mua không tìm hiểu kỹ về pháp lý, nhất là với những dự án sai phép hoặc vi phạm đất rừng phòng hộ… sẽ rơi vào cảnh tiền mất tật mang.
Đồng thời, cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình cũng cần rà soát lại việc phát triển toàn bộ các dự án bất động sản nghỉ dưỡng và đất rừng trên địa bàn huyện Lương Sơn và một số “điểm nóng” để đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quản lý.
Link bài gốc