Ngày pháp luật

Lãi 15,4 tỷ đồng, gần 86% doanh thu Hanoi Metro vẫn từ trợ giá

Khánh Ly

Dù Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) công bố năm thứ ba liên tiếp có lãi và ghi nhận doanh thu kỷ lục trong năm 2024. Tuy nhiên, cơ cấu nguồn thu cho thấy sự phụ thuộc lớn vào nguồn trợ giá từ ngân sách nhà nước.

Báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2024 của Hanoi Metro cho thấy, tổng doanh thu đạt hơn 628,9 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2023 và là mức cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, trong cơ cấu này, doanh thu từ bán vé chỉ chiếm 89,7 tỷ đồng, tương đương khoảng 14,3%. Phần lớn còn lại, gần 539,3 tỷ đồng (chiếm 85,7%), đến từ nguồn trợ giá của thành phố.

Mặc dù giá vốn hàng bán tăng chậm hơn tốc độ tăng doanh thu, giúp lợi nhuận gộp cải thiện gấp 2,3 lần lên hơn 18 tỷ đồng, chi phí vận hành vẫn là một gánh nặng đáng kể. Năm 2024, Hanoi Metro bắt đầu ghi nhận giá vốn cho tuyến Nhổn - Ga Hà Nội (đoạn trên cao vận hành từ tháng 8/2024) ở mức gần 138,5 tỷ đồng, trong khi tuyến Cát Linh - Hà Đông có giá vốn 472,4 tỷ đồng.

Doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ giảm nhẹ về 24,8 tỷ đồng, chủ yếu do lãi suất tiền gửi giảm. Công ty không ghi nhận chi phí tài chính và chi phí bán hàng. Tuy nhiên, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 24% lên gần 22,5 tỷ đồng, tập trung vào chi phí vật liệu quản lý, nhân viên và dịch vụ mua ngoài. Sau khi trừ các chi phí và thuế, Hanoi Metro báo lãi sau thuế hơn 15,4 tỷ đồng, tăng 17,6% so với năm 2023.

Kết quả kinh doanh của Hanoi Metro giai đoạn 2015-2024 có thể thấy một sự chuyển biến rõ rệt. Giai đoạn 2015-2021, công ty liên tục ghi nhận lỗ, với mức lỗ sâu nhất vào năm 2019 (-40,6 tỷ đồng) và 2021 (-37,9 tỷ đồng). Bước ngoặt đến vào năm 2022, khi tuyến Cát Linh - Hà Đông đi vào vận hành thương mại trọn vẹn năm đầu tiên, Hanoi Metro lần đầu báo lãi 2,3 tỷ đồng. Lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng lên 13,1 tỷ đồng năm 2023 và 15,4 tỷ đồng năm 2024, phần nào nhờ sự đóng góp của tuyến Nhổn - Ga Hà Nội trong những tháng cuối năm.

So với kế hoạch được giao cho năm 2024, Hanoi Metro đã vượt gần 19% chỉ tiêu doanh thu và lãi hơn dự kiến gần 15%. Tuy nhiên, kế hoạch ban đầu chỉ được xây dựng dựa trên hoạt động của tuyến Cát Linh - Hà Đông. Việc tuyến Nhổn - Ga Hà Nội (đoạn trên cao) vận hành thương mại từ tháng 8/2024 đã đóng góp thêm vào kết quả này.

Giá vé hiện tại của hai tuyến Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Ga Hà Nội được duy trì ở mức khá tương đồng, với vé lượt từ 8.000 đồng đến 12.000-15.000 đồng cho toàn tuyến. Vé ngày không giới hạn lượt di chuyển có giá 24.000-30.000 đồng, và vé tháng là 200.000 đồng cho khách phổ thông (100.000 đồng cho đối tượng ưu tiên). Với cơ cấu giá vé này, việc tự bù đắp chi phí vận hành khổng lồ là một thách thức lớn nếu không có trợ giá.

Trong năm 2025, Hanoi Metro đặt mục tiêu vận chuyển hơn 19,3 triệu lượt hành khách, tổng doanh thu ước đạt hơn 878,4 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 20,7 tỷ đồng. Công ty cũng dự kiến nộp ngân sách hơn 16,4 tỷ đồng. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đơn vị này đặt ra là nghiên cứu các giải pháp để gia tăng tiện ích cho hành khách, từ đó gia tăng doanh thu và quan trọng hơn là giảm chi phí trợ giá từ Nhà nước.

Theo quy hoạch đến năm 2030, Hà Nội dự kiến có 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 417 km. Hiện tại, ngoài hai tuyến đã có một phần đi vào hoạt động, 8 tuyến còn lại vẫn chưa được khởi công. Việc đảm bảo hiệu quả đầu tư và vận hành, từng bước giảm gánh nặng trợ giá cho các tuyến hiện hữu sẽ là bài học kinh nghiệm quan trọng cho việc phát triển mạng lưới đường sắt đô thị của thủ đô trong tương lai. Mới đây, UBND Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương lập dự án đầu tư tuyến metro Văn Cao - Hòa Lạc để trình phê duyệt trong năm nay, cho thấy quyết tâm tiếp tục mở rộng hệ thống giao thông công cộng hiện đại này.

Tin Cùng Chuyên Mục