Con số này được nêu trong đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã trên địa bàn TP HCM giai đoạn 2019 - 2021, trong đó có việc sáp nhập 3 quận Thủ Đức, quận 2, quận 9 để trở thành thành phố Thủ Đức.
Thành phố Thủ Đức đóng góp 1/3 GRDP của TP HCM
Sáng ngày 19/9, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương đã góp ý cho các đề án mô hình chính quyền đô thị tại TP HCM.
Theo đề án được đưa ra lấy ý kiến tại hội nghị, thành phố Thủ Đức sẽ có 8 trung tâm quan trọng gồm tài chính quốc tế; thể thao sức khỏe; công nghệ cao; trung tâm giáo dục; công nghệ sinh thái; khu đô thị Trường Thọ; trung tâm công nghệ sinh thái; cảng quốc tế Cát Lái.
Về nội dung thành lập thành phố Thủ Đức, TP HCM sẽ lồng ghép vào đề án chi tiết sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2019-2021.
Chính quyền TP HCM kỳ vọng vào việc thành lập Thành phố Thủ Đức sẽ giúp nơi đây thành hạt nhân của thành phố, từ đó tạo ra một cực tăng tăng trưởng mới thúc đẩy kinh tế. Cụ thể, Thành phố Thủ Đức sẽ đóng góp 1/3 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP HCM, tương đương khoảng 7% tổng sản phẩm nội địa (GDP) cả nước.
Ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM cho biết, Thành phố Thủ Đức sẽ góp phần thiết lập chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội điện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, hỗ trợ tài chính hiệu quả cho doanh nghiệp vươn tầm quốc tế. Do đó, thành phố Thủ Đức cần 1 bộ máy, quản lý hành chính nhà nước đảm bảo thống nhất, hiệu qủa.
Kiến nghị không thực hiện Hội đồng nhân dân ở quận, phường
Đối với đề án không tổ chức Hội đồng nhân dân tại quận, phường, qua thí điểm TP HCM thấy rằng quyền đại diện và quyền dân chủ, quyền được tiếp nhận thông tin của người dân vẫn được đảm bảo và duy trì ở mức độ cao như trước đây.
Khi không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường, quyền đại diện của người dân tiếp tục được duy trì và phát huy thông qua nhiều kênh như đại biểu Quốc hội; đoàn đại biểu Quốc hội; thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố,...
Đối với chính quyền việc không thực hiện Hội đồng nhân dân ở quận, phường đã tinh gọn bộ máy, tiết kiệm ngân sách, khắc phục trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đảm bảo tính thống nhất, nâng cao hiệu lực hiệu quả bộ máy hành chính nhà nước.
Với những lợi ích mang lại, TP HCM đề nghị không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường tại 19 quận, 259 phường trên địa bàn. Trường hợp thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP HCM (trên cơ sở sáp nhập Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức) thì TP HCM không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường tại 16 quận, 259 phường trên địa bàn.
Đồng thời, khi không tổ chức Hội đồng nhân dân ở quận, phường thì ủy ban nhân dân quận, phường đó làm việc theo chế độ thủ trưởng. Các quyết định bổ nhiệm chủ tịch, phó chủ tịch ủy ban nhân dân phường là quyết định tuyển dụng công chức từ cấp huyện trở lên; công chức phường là công chức được tuyển dụng theo quy định tuyển dụng công chức từ cấp huyện trở lên và được bổ nhiệm ngạch công chức từ cấp huyện trở lên.
Với đề án không tổ chức Hội đồng nhân dân tại quận, phường, thời gian thực hiện được đề nghị là từ ngày 1/7/2021.
Tại hội nghị, Chủ tịch TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố phải hoàn chỉnh 2 đề án trước 15/10 nên áp lực về mặt thời gian là rất lớn. Nếu không làm xong trước 15/10 để trình Chính phủ thì phải để qua nhiệm kỳ sau mới thực hiện được.
Trước lo lắng của chủ tịch TP HCM, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, sau hội nghị lấy ý kiến các bộ, ngành, sang tuần sau Bộ Nội vụ sẽ hoàn thiện để trình Chính phủ. Sau đó Chính phủ sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp vào tháng 10/2020.
Link bài gốc