Tham dự chương trình có đồng chí Uông Chu Lưu - nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Hoàng Trung Dũng - Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; đồng chí Nguyễn Hồng Tuyến - Trợ lý Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; cùng các đồng chí Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội, Lãnh đạo Vụ Báo chí – Xuất bản (Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương), Vụ Thông tin (Văn phòng Quốc hội), Cục Báo chí (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Hội Nhà báo Việt Nam; Cục An ninh chính trị nội bộ (A03 - Bộ Công an), lãnh đạo các bộ ngành, các cơ quan trung ương và Hà Nội; lãnh đạo các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và Hà Nội; các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp là đối tác của Báo…
Về phía Bộ Tư pháp, tham dự Chương trình có đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc – Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đại diện Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Ngọc (thứ 3 từ phải qua) thay mặt Lãnh đạo Bộ Tư pháp tặng hoa Báo Pháp luật Việt Nam
Về phía Báo Pháp luật Việt Nam có đồng chí Vũ Hoài Nam - Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam; đồng chí Đào Văn Hội - nguyên Tổng Biên tập Báo Phát luật Việt Nam; đồng chí Hà Ánh Bình - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam; đồng chí Trần Ngọc Hà – Phó Tổng Biên tập, Thư ký Chi hội Nhà báo Báo Pháp luật Việt Nam; đồng chí Vũ Hồng Thúy – Phó Tổng Biên tập, Chủ tịch Công đoàn Báo Pháp luật Việt Nam; các đồng chí nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam: Đỗ Xuân Độ, Đặng Ngọc Luyến, Vũ Hoàng Diệp và đồng chí Trần Đức Vinh - Tổng Biên tập Báo Công lý, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam; cùng các thế hệ người làm báo Báo Pháp luật Việt Nam.
TS. Vũ Hoài Nam - Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam
Để ôn lại những khoảnh khắc đáng nhớ trong suốt 40 năm xây dựng và phát triển của Báo Pháp luật Việt Nam, Báo đã sản xuất một video clip đặc biệt do những nhà báo, biên tập viên Báo Pháp luật Việt Nam thực hiện. Video clip là một minh chứng sống động về sự nỗ lực không ngừng của tập thể phóng viên, biên tập viên, nhân viên của Báo Pháp luật Việt Nam, cũng như sự đồng hành của bạn đọc và các đối tác, góp phần làm nên sự thành công hôm nay.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Ngọc phát biểu tại Lễ Kỷ niệm.
Tại Lễ Kỷ niệm, ông Nguyễn Thanh Ngọc - Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, cách đây 40 năm, tờ báo Pháp luật thường thức ra đời trong bối cảnh đất nước ta đối mặt với khó khăn, đặc biệt là trong việc tiếp cận và truyền tải thông tin pháp luật đến với người dân. Thời điểm đó, việc tiếp cận thông tin pháp luật còn rất hạn chế và chính trong bối cảnh đó, Báo Pháp luật Việt Nam đã vượt lên chính mình, trưởng thành và không ngừng lớn mạnh, trở thành một trong những tờ báo nội chính uy tín hàng đầu, một cơ quan báo chí chủ lực trong dòng chảy thông tin của đất nước.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Ngọc ghi nhận, 40 năm không ngừng phấn đấu thực hiện và trưởng thành, Báo PLVN đã làm tốt vai trò là cơ quan ngôn luận của Bộ Tư pháp, thể hiện sứ mệnh tham gia tích cực có chiều sâu trong thông tin tuyên truyền.
Từ công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế thưc thi pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính, thi hành án dân sự, bổ trợ tư pháp ... mỗi lĩnh vực đều được Báo truyền tải kịp thời, chính xác, góp phần quan trọng định hướng dư luận xã hội, tạo đồng thuận trong triển khai các chính sách pháp luật. Báo Pháp luật Việt Nam đã trở thành một kênh phản biện chính sách hiệu quả, lắng nghe và chuyển tải những tâm tư, nguyện vọng của người dân, của doanh nghiệp, của các chuyên gia pháp luật với cơ quan hoạch định chính sách, góp phần nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật.
Không chỉ góp phần xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật, trong 40 năm qua, Báo Pháp luật Việt Nam còn là một tờ báo bền bỉ trong việc thực hiện các chương trình xã hội, thiện nguyện. Những hoạt động hướng về biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn đã thể hiện rõ lòng nhân ái, trách nhiệm xã hội của những người làm báo Pháp luật Việt Nam.
Báo luôn nắm bắt kịp thời quan điểm chính trị của Đảng, Nhà nước, Bộ Tư pháp đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách nhất là mở các đợt cao điểm tuyên truyền về các Nghị quyết của Bộ Chính trị nhất là bốn Nghị quyết “Bộ tứ trụ cột” để đất nước cất cánh, góp phần hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành, được dư luận đánh giá cao.
Thương hiệu của Báo Pháp luật Việt Nam trong đời sống báo chí cách mạng ngày càng nâng lên, Báo đã đoạt nhiều giải thường báo chí uy tín. Những giải thưởng cao quý này không chỉ là niềm tự hào riêng của những người làm Báo Pháp luật Việt Nam, mà còn là sự khẳng định vị trí, vai trò của tờ báo, là tiếng nói tin cậy của Bộ, ngành Tư pháp và của bạn đọc cả nước. Với những thành tích đạt được, Báo Pháp luật Việt Nam đã được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, 2 lần được Chủ tịch nước tặng Huân chưng lao động Hạng Nhất.
Phát biểu tại Chương trình "Kỷ niệm 40 năm ngày Báo Pháp luật Việt Nam phát hành số đầu tiên (10/7/1985-10/7/2025), Tổng Biên tập TS. Vũ Hoài Nam đã điểm lại những dấu mốc quan trọng trong hành trình phát triển của tờ báo.
Ra đời ngày 10/7/1985 với tên gọi Pháp luật Thường thức, đây là tờ báo pháp luật đầu tiên thuộc Khối Nội chính, được phát hành công khai rộng rãi trong cả nước.
Từ một ấn phẩm in bằng chữ chì với chỉ 7 người tách từ biên chế của Vụ Tuyên truyền (Bộ Tư pháp), Báo đã từng bước lớn mạnh, đổi tên thành Báo Pháp luật (1995) và sau đó là Báo Pháp luật Việt Nam (2005), đánh dấu sự chuyển mình thành cơ quan truyền thông pháp luật mang tầm vóc quốc gia.
TS. Vũ Hoài Nam - Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam phát biểu khai mạc Chương trình.
Trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của công nghệ số và sự suy thoái toàn cầu của báo in, PLVN đã chủ động đổi mới, phát triển hệ sinh thái truyền thông hiện đại, đa nền tảng. Ngoài báo điện tử, Báo còn xây dựng các trang thông tin tổng hợp, video chuyên biệt và mở rộng mạnh mẽ trên mạng xã hội với nhiều kênh chính thức.
Đặc biệt, hai kênh TikTok của Báo đạt lượng theo dõi lên tới hàng triệu người, góp phần đưa pháp luật đến gần hơn với công chúng trẻ.
Bên cạnh nhiệm vụ chính trị, Báo Pháp luật Việt Nam luôn đi đầu trong hoạt động thiện nguyện và trách nhiệm xã hội. Các chương trình như “Mái ấm Tư pháp”, “Chung tay xóa nhà tạm” hay các hoạt động cứu trợ thiên tai, trao học bổng… được duy trì bền bỉ, với riêng năm 2024 đã huy động được khoảng 15 tỷ đồng.
Ban Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam tặng hoa tri ân các đồng chí nguyên lãnh đạo Báo.
Tổng Biên tập Vũ Hoài Nam khẳng định, trải qua 40 năm, báo Pháp luật Việt Nam không chỉ là cơ quan ngôn luận của Bộ, ngành Tư pháp mà còn là nhịp cầu pháp lý gắn kết Nhà nước với nhân dân. Với tinh thần “Đảng tin, dân yêu - doanh nghiệp đồng hành”, Báo sẽ tiếp tục giữ vững sứ mệnh phụng sự pháp luật, phục vụ bạn đọc và đóng góp cho một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Đặng Ngọc Luyến – nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam bày tỏ niềm xúc động và tự hào khi đã gắn bó gần 35 năm trong chặng đường 40 năm phát triển của Báo. Ông xúc động nhắc lại những ngày đầu tiên khi số báo đầu tiên ra đời, đồng thời tri ân nhà báo Vũ Duy Thiệu – người đầu tiên đặt nền móng và xây dựng Đề án thành lập Báo Pháp luật Việt Nam.
Ông Đặng Ngọc Luyến - nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam chia sẻ tại Chương trình.
Nhìn lại hành trình đã qua, ông Luyến nhấn mạnh hai dấu ấn đặc biệt. Trước hết là tinh thần đoàn kết và kiên trì của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ trong việc duy trì và phát triển tờ báo từ những số đầu tiên. Từ một ấn phẩm chỉ ra hai kỳ mỗi tháng, Báo đã phát triển thành tuần báo, và đến năm 1990 báo Pháp luật Việt Nam đã trở thành cơ quan báo chí đầu tiên trong ngành Tư pháp tự chủ tài chính. Sau 10 năm hoạt động, Bộ Tư pháp mới chính thức bổ nhiệm Tổng Biên tập thứ hai – đây là một dấu mốc quan trọng thể hiện sự trưởng thành của đội ngũ lãnh đạo.
Dấu ấn thứ hai là sự phát triển vững mạnh của tổ chức Đảng trong Báo. Từ chỉ ba đảng viên ban đầu và sáu năm không kết nạp được thêm người nào, đến nay Đảng bộ Báo Pháp luật Việt Nam đã có 99 đảng viên. Theo ông, đó là minh chứng cho sự lớn mạnh của tờ báo và sự trưởng thành của đội ngũ làm báo chính trị.
Ông Đặng Ngọc Luyến cũng cho rằng, trong bối cảnh truyền thông đang chuyển mình mạnh mẽ cùng sự thay đổi trong cách tiếp cận thông tin của công chúng, Báo Pháp luật Việt Nam cần tiếp tục đổi mới để hoàn thành tốt sứ mệnh là cơ quan ngôn luận của Bộ Tư pháp, xứng đáng với niềm tin yêu của độc giả cả nước.
Đại diện cho lực lượng phóng viên, nhà báo trẻ của Báo Pháp luật Việt Nam, nhà báo Nguyễn Sỹ Hồng – Bí thư Đoàn Thanh niên, Phó Trưởng ban Kinh tế - Doanh nhân bày tỏ niềm tự hào và biết ơn chân thành nhất đến các thế hệ những người làm báo Pháp luật Việt Nam qua các thời kỳ.
“Chính sự cống hiến, hy sinh và nỗ lực không ngừng nghỉ của các đồng chí đã tạo dựng nên nền tảng vững chắc, giúp "ngôi nhà Báo Pháp luật Việt Nam" có được vị thế và uy tín như ngày hôm nay. Truyền thống đó là di sản vô giá mà chúng tôi, những người trẻ hôm nay, có trách nhiệm kế thừa và phát huy” - Phó trưởng ban Kinh tế Doanh nhân bày tỏ.
Nhà báo Nguyễn Sỹ Hồng – Bí thư Đoàn Thanh niên, Phó Trưởng ban Kinh tế - Doanh nhân, Báo Pháp luật Việt Nam
Theo nhà báo Nguyễn Sỹ Hồng, là một đảng viên trẻ công tác trong lĩnh vực báo chí, anh luôn ý thức sâu sắc rằng: nghề báo không chỉ đơn thuần là một công việc, mà còn là một sứ mệnh chính trị cao cả. Người làm báo cách mạng trong kỷ nguyên hiện tại phải không ngừng tôi luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định lập trường, và thực hành đạo đức nghề nghiệp theo phương châm “bút sắc, lòng trong, tâm sáng”.
Trong bối cảnh công nghệ số phát triển vượt bậc, mạng xã hội bùng nổ, thách thức và cám dỗ luôn hiện hữu, đòi hỏi mỗi nhà báo phải hết sức tỉnh táo, minh mẫn để giữ vững định hướng và nguyên tắc làm nghề.
Anh Nguyễn Sỹ Hồng khẳng định, lực lượng nhà báo trẻ, thanh niên của Báo Pháp luật Việt Nam (thuộc Bộ Tư pháp) là những đại diện tiêu biểu cho một thế hệ trẻ sống có lý tưởng, có mục tiêu, một lòng sắt son theo Đảng. “Chúng tôi sẵn sàng đi bất cứ đâu, có mặt ở những nơi gian khó nhất để thực hiện nhiệm vụ được giao, dấn thân để tìm ra chân lý và phụng sự xã hội. Với "lòng quyết tâm, chủ động sáng tạo tiến bước trong kỷ nguyên số", chúng tôi nguyện cùng nhau viết nên những trang sử vẻ vang tiếp theo của tuổi trẻ Bộ, ngành Tư pháp anh hùng. Đặc biệt, luôn tiên phong trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí thông qua các tác phẩm báo chí được biên tập bài bản, công phu và xuất bản thường nhật, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng xã hội công bằng, minh bạch”– Bí thư Đoàn Thanh niên Báo Pháp luật Việt Nam chia sẻ.
Trong thời gian tới, thế hệ trẻ những nhà báo, đoàn viên thanh niên Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức học tập, quán triệt sâu rộng Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 - 2030” và Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Đặc biệt, đội ngũ nhà báo, phóng viên trẻ báo Pháp luật Việt Nam sẽ không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nắm bắt và tận dụng các lợi thế của công nghệ mới. Từ đó, sớm hình thành một thế hệ trẻ Báo Pháp luật Việt Nam bản lĩnh, sáng tạo, chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu của tiến trình xây dựng chuyển đổi số của Báo Pháp luật Việt Nam nói riêng và Bộ, ngành Tư pháp nói chung.
Trong dòng chảy đổi mới mạnh mẽ của báo chí hiện đại, việc xây dựng mô hình Tòa soạn hội tụ là bước đi chiến lược nhằm nâng cao chất lượng nội dung, tối ưu hóa quy trình sản xuất thông tin và tăng cường khả năng tương tác với công chúng trên nền tảng số. Với quyết tâm đổi mới và khát vọng chuyển mình mạnh mẽ, Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày phát hành số đầu tiên (10/7/1985 - 10/7/2025), Báo Pháp luật Việt Nam chính thức ra mắt Tòa soạn hội tụ, đánh dấu bước chuyển từ tư duy làm báo truyền thống sang mô hình báo chí tích hợp, hiện đại, nhanh nhạy và đa phương tiện.