Ngày pháp luật

Kỳ lân VNG mong muốn gọi vốn 200 - 300 triệu USD trước khi "lên sàn" Mỹ

Giang Phạm

Công ty dự định sử dụng nguồn vốn 200 - 300 triệu USD huy động từ các nhà đầu tư hiện hữu và nguồn hậu thuẫn mới này để tăng cường kế hoạch mở rộng của mình.

Công ty cổ phần VNG - công ty trò chơi trực tuyến Việt Nam từng được đầu tư bởi quỹ tài sản Singapore GIC - đang cân nhắc huy động vốn trước khi niêm yết tại Mỹ, theo Bloomberg đưa tin.

Cụ thể, kỳ lân công nghệ này đang tìm cách huy động 200-300 triệu USD từ những nguồn hậu thuẫn mới và cả nhà đầu tư hiện hữu. Công ty dự định sử dụng nguồn vốn này để tăng cường kế hoạch mở rộng của mình.

Kỳ lân công nghệ này đang tìm cách huy động 200-300 triệu USD từ những nguồn hậu thuẫn mới và cả nhà đầu tư hiện hữu.
Kỳ lân công nghệ này đang tìm cách huy động 200-300 triệu USD từ những nguồn hậu thuẫn mới và cả nhà đầu tư hiện hữu.

Trước đó, hồi tháng 8, Bloomberg từng đề cập VNG đang tìm hiểu các phương án huy động vốn, bao gồm việc niêm yết tại Mỹ thông qua sáp nhập với một SPAC - công ty thành lập với mục đích đặc biệt. Một nguồn tin tiết lộ, nếu thương vụ thành công có thể định giá VNG ở mức 2 - 3 tỷ USD. 

Trong khi việc niêm yết qua SPAC vẫn đang được xem xét, kỳ lân đầu tiên của Việt Nam này cũng đang hướng tới việc chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng ở Mỹ theo cách thông thường. Kế hoạch IPO tại Mỹ đã được VNG tính toán, lên kế hoạch từ năm 2017. Để tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc "lên sàn", công ty hiện đang tái cấu trúc lại hoạt động kinh doanh.

Theo Bloomberg, các cuộc thảo luận đang diễn ra và thông tin chi tiết cũng như quy mô của vòng gọi vốn vẫn có thể thay đổi. Một đại diện của VNG cho biết, công ty đang tích cực gặp gỡ nhà đầu tư và các bên liên quan, xem đây như một phần của hoạt động kinh doanh thông thường. Hiện công ty từ chối bình luận thêm về vòng gọi vốn.

Được thành lập năm 2004, VNG cung cấp các trò chơi trực tuyến, điện toán đám mây, nền tảng truyền thông, các dịch vụ tài chính và thanh toán. Công ty hiện sở hữu 11 văn phòng tại 5 quốc gia.

Về kết quả kinh doanh, báo cáo quý III/2021 của VNG ghi nhận mức doanh thu kỷ lục 2.176 tỷ đồng, tăng trưởng 38% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp đạt 1.008 tỷ đồng, tăng 40%.

Tuy nhiên, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của VNG trong kỳ tăng mạnh khiến cho lợi nhuận thuần chỉ đạt 121 tỷ đồng, thấp hơn 42% so với quý III năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế 51 tỷ đồng, giảm 66%. 

Việc đầu tư thua lỗ 298 tỷ đồng trong quý III tại Công ty cổ phần Zion (VNG sở hữu 60%) - đơn vị chủ quản ví điện tử ZaloPay đã khiến cho lợi nhuận sau thuế của cổ đông không kiểm soát âm tới 119 tỷ đồng. 

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, VNG đạt doanh thu 5.683 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 203 tỷ đồng, giảm 51%. Theo tính toán, Zion lỗ khoảng 840 tỷ đồng trong giai đoạn này. Số lỗ của đơn vị chủ quản ZaloPay đã vượt cả năm ngoái (667 tỷ đồng), điều này cho thấy mức độ chịu chi của VNG để tham gia vào thị trường thanh toán.

Tin Cùng Chuyên Mục