"Kỳ lân" công nghệ triệu USD
Theo báo cáo E-Conomy SEA 2020 được thực hiện bởi Google và Temasek (Singapore), Công ty cổ phần Giải pháp Thanh toán Việt Nam (VNPay) đã chính thức trở thành kỳ lân công nghệ thứ 2 tại Việt Nam, xếp hạng thứ 12 trong Đông Nam Á. Trước đó vào năm 2014, Công ty cổ phần VNG (VNG) đã được công nhận là “kỳ lân” công nghệ đầu tiên.
VNPay được thành lập vào tháng 3/2007, hoạt động chính trong lĩnh vực thanh toán điện tử với ngành kinh doanh cốt lõi là tài chính – ngân hàng. Doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán vào tháng 10/2015.
Theo thông báo từ VNPay, đơn vị này đang cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử cho hầu hết các ngân hàng, công ty viễn thông và nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam. Các dịch vụ tiêu biểu có thể kể đến là mobile banking, cổng thanh toán VNPay-QR, website thương mại điện tử Vban.vn, ví điện tử VnMart, thanh toán hoá đơn VnPayBill, đặt vé máy bay VnTicket, nạp tiền điện thoại VnTopup…
Tháng 7/2019, một số kênh truyền thông trong nước và quốc tế đã đưa tin việc 2 quỹ đầu tư hàng đầu thế giới là GIC và SoftBank có mong muốn rót 300 triệu USD vào VNPay. Khi đó, với khoản đầu tư kỷ lục vào một công ty công nghệ như vậy, VNPay đã được đồn đoán là công ty nối tiếp VNG trở thành kỳ lân công nghệ (startup có định giá tối thiểu 1 tỷ USD) của Việt Nam.
Về kết quả kinh doanh, tính tới thời điểm cuối năm 2018, tổng tài sản của VNPay đạt 901 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 469 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 44% và 49% so với thời điểm đầu năm.
Ngay tại thời điểm năm 2016 và 2017, khi doanh nghiệp mới được cấp giấy chứng nhận ứng dụng dịch vụ thanh toán trung gian, doanh thu thuần của VNPay đã lần lượt đạt 3.063 tỷ đồng và 5.100 tỷ đồng, lãi thuần ở mức 38 tỷ đồng và 99 tỷ đồng. Dù tỷ lệ biên lợi nhuận còn hạn chế ở mức 1-2% nhưng VNPay vẫn được đánh giá có tầm nhìn vượt trội hơn hẳn so với các doanh nghiệp công nghệ cùng hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán.
Năm 2019, công ty này ghi nhận doanh thu thuần đạt mức hơn 12.365 tỷ đồng, tăng khoảng 40% với với năm 2018. Tuy nhiên, các khoản chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng nhanh khiến VNPay chỉ báo lãi 35,39 tỷ đồng, giảm gần 70% so với năm 2018.
Dù lợi nhuận sụt giảm, song VNPay vẫn là một trong số ít các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thanh toán báo lãi. Tính đến cuối năm ngoái, phần lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của công ty này đạt tới 352,3 tỷ đồng, cao gấp hơn 2 lần so với quy mô vốn điều lệ.
Chủ sở hữu thực sự của kỳ lân VNPay?
VNPay do 3 cổ đông sáng lập là Chủ tịch hội đồng quản trị Trần Trí Mạnh (sinh năm 1975), ông Trần Văn Kỳ và ông Lê Tánh (sinh năm 1976) hiện giữ chức Tổng giám đốc với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 28,15%; 21,67% và 5%. Các pháp nhân sở hữu phần vốn còn lại không được công bố.
Tại thời điểm ngày 20/7/2020, VNPay đã nâng vốn điều lê lên 1.000 tỷ đồng, sau khi đã tăng vốn tại thời điểm hồi tháng 8/2018 ở mức 150 tỷ đồng.
Theo thông tin Doanhnhan.vn, Chủ tịch VNPay – ông Trần Mạnh Trí còn nắm giữ vị trí chủ chốt tại Công ty cổ phần Tập đoàn Cuộc Sống Việt (VNLife). VNLife cũng là công ty holding (một công ty làm chủ cổ phần của các công ty khác) được lập ra với mục đích ban đầu là để sở hữu toàn bộ cổ phần VNPay. Cách làm này cũng tương tự như việc Alphabet Inc. được lập ra để sở hữu Google.
VNLife được thành lập vào cuối năm 2018, với vốn điều lệ ban đầu gần 150 tỷ đồng, gồm 4 cổ đông sáng lập là ông Trần Trí Mạnh (nắm 28,146% ), ông Lê Tánh (4,991%), ông Trần Văn Kỳ (21,674%) và ông Mai Thanh Bình (45,189%).
Ngày 29/7/2019, VNLife nâng vốn điều lệ lên đạt 217 tỷ đồng, trong đó có 2 cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài (có trụ sở chính tại Singapore), gồm: SVF Pioneer Subco (nắm giữ 19,623% cổ phần) và Ardolis Investment Pte., Ltd (13,239%) – một quỹ đầu tư thuộc sở hữu của Chính phủ Singapore.
Từ cuối năm 2019, VNLife đã tăng mạnh quy mô vốn chủ sở hữu lên 4.710 tỷ đồng, cao gấp 31 lần so với thời điểm đầu năm, giá trị tổng tài sản đạt 4.717 tỷ đồng
Ông Mai Thanh Bình (sinh năm 1981) còn được biết tới là cổ đông sáng lập của một loạt công ty trong lĩnh vực công nghệ nổi tiếng có quan hệ với Sea Limited như: Công ty cổ phần Phát triển Thể thao Điện tử Việt Nam (nay đổi thành Công ty cổ phần AirPay) hay Công ty cổ phần Giải trí và Thể thao Điện tử Việt Nam (thường gọi là Garena Việt Nam). Sea Limited được biết tới là “ông trùm” trong lĩnh vực kinh doanh trò chơi trực tuyến nổi tiếng trên thế giới: Liên minh huyền thoại, Esport,…