Ngày pháp luật

Kinh tế 9 tháng 2018: Công nghiệp tăng trưởng tạo đà lạc quan cho nền kinh tế

Theo Nhóm Phóng viên Kinh tế/Lao Động

Sáng 22.10, phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra nhiều con số lạc quan:

Kinh tế 9 tháng 2018: Công nghiệp tăng trưởng tạo đà lạc quan cho nền kinh tế - Ảnh 1

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV sáng 22.10. Ảnh: VGP

Tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2018 đạt 6,98%, ước tính cả năm vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra (6,7%); bình quân 3 năm 2016 - 2018 tăng 6,57% (chỉ tiêu kế hoạch 5 năm là 6,5-7%), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân ước tính cả năm dưới 4%, là năm thứ 3 liên tiếp kiểm soát dưới 4%, tín dụng 9 tháng tăng 10,41% (cùng kỳ tăng 12,21%), cả năm tăng dưới 17%...

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nêu dự báo về những khó khăn từ nay đến cuối năm phải đối mặt, khi tình hình kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức… Trao đổi với Báo Lao Động, nhiều chuyên gia cũng đã có những phân tích cụ thể về những vấn đề trên.

Nhiều con số tăng trưởng ấn tượng

Trong 9 tháng năm 2018, tỉ giá, thị trường ngoại tệ được kiểm soát tốt; dự trữ ngoại hối nhà nước đạt kỷ lục trên 60 tỉ USD. Thị trường chứng khoán tiếp tục phát triển, trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế; Việt Nam được đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 9 tháng đạt trên 352 tỉ USD, cả năm ước tính đạt 475 tỉ USD, tăng 11,7%; trong đó xuất khẩu (XK) 238 tỉ USD, tăng 11,2% (mục tiêu 7-8%); số liệu xuất siêu 9 tháng đạt gần 5,4 tỉ USD, XK thô giảm, tăng tỉ trọng hàng chế biến, nông sản và tăng nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. XK của khu vực trong nước 9 tháng tăng 17,5%, cao hơn khu vực FDI (14,6%).

Thị trường trong nước được chú trọng phát triển; thương mại điện tử tăng bình quân 30%/năm. Thu NSNN ước tính cả năm vượt 3% dự toán; cơ cấu thu bền vững hơn; tỉ trọng thu từ XNK, dầu thô giảm; thu nội địa tăng, chiếm gần 82% tổng thu cân đối NSNN. Tỉ trọng chi đầu tư phát triển đạt 26,8%, cao hơn giai đoạn trước (23,6%) và kế hoạch 2016-2020 (25-26%)...

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước tính cả năm đạt 34% GDP, 3 năm 2016-2018 ước tính đạt 33,5% (mục tiêu 5 năm 32-34%). Tỉ trọng vốn đầu tư nhà nước giảm; tỉ trọng đầu tư ngoài nhà nước tăng, trong đó đầu tư tư nhân ước tính đạt 42,4%, bình quân 3 năm 2016-2018 đạt 40,8%, cao hơn giai đoạn 2011-2015 (38,3%). Vốn FDI thực hiện ước tính cả năm đạt 18 tỉ USD, cao nhất từ trước đến nay. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện…

Kinh tế 9 tháng 2018: Công nghiệp tăng trưởng tạo đà lạc quan cho nền kinh tế - Ảnh 2

Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh giúp tăng trưởng GDP đạt mức cao. Ảnh: TTXVN

Công nghiệp điện tử “giảm tốc”, khai khoáng không còn là “gánh nặng”

Theo Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân CTCP Chứng khoán Sài Gòn Nguyễn Đức Hùng Linh, tăng trưởng kinh tế các ngành 9 tháng qua có sự “đổi vai”. Mặc dù có sự cải thiện của ngành xây dựng với mức tăng trưởng cao nhất kể từ đầu năm là 9,2%, nhưng công nghiệp chế biến chế tạo (CNCBCT) vốn là ngành có tỉ trọng giá trị lớn nhất trong GDP lại đi ngang với tăng trưởng 12,1%, còn khai khoáng lại giảm 3,3% (quý II giảm 3,1%).

“Mặc dù đóng góp của ngành xây dựng là đáng ghi nhận, ngành CNCBCT mới thực sự là bệ đỡ để có được sự cải thiện trong quý III. Ngành CNCBCT có tỉ trọng lớn nhất trong cơ cấu GDP (18,8%) và thường có mức tăng trưởng cao trên 10% nên đã luôn là động lực thúc đầy tăng trưởng chung. Trong quý I/2017 và quý II/2018, ngành CNCBCT cùng gặp một khó khăn, đó là sự giảm sút của công nghiệp điện tử mà nguyên nhân chính là sản lượng điện thoại của Samsung. Với giá trị sản xuất rất lớn, chiếm tới 20% GDP, điện thoại và công nghiệp điện tử có ảnh hưởng trọng yếu đến kinh tế Việt Nam” - Nguyễn Đức Hùng Linh nhấn mạnh.

Về chỉ số thương mại XNK, tăng trưởng thương mại 9 tháng năm 2018 chỉ đạt mức 13,7%, thấp hơn nhiều mức tăng 21,2% của năm 2017 và đây là tốc độ tăng thấp thứ hai trong 20 tháng trở lại đây (chỉ cao hơn tháng 6.2018). Bên cạnh đó, nông nghiệp và thủy sản đang cùng “giảm tốc”; khai thác dầu thô giảm dù giá tăng…

Nhiều chuyên gia kinh tế bày tỏ lo ngại khi, kết quả sản xuất điện thoại của Samsung giảm sút trong năm 2018 và đây là một thay đổi tương đối bất ngờ và tạo ra rủi ro lớn cho kinh tế Việt Nam nếu không có được những động lực tăng trưởng mới. Tuy nhiên, ở tình thế khó khăn đó, chính sách đúng đắn và cả may mắn đã giúp tăng trưởng của ngành CNCBCT trong quý III không sụt giảm mạnh theo đà sụt giảm của điện thoại như đã xảy ra trong quý II.

Về chính sách, hàng loạt các quy định có tính bảo hộ với ngành sản xuất ôtô và dược phẩm đã phát huy tác dụng. Ngành sản xuất xe có động cơ liên tục có cải thiện, sau 9 tháng đã vươn lên tăng trưởng ở mức 16,3%, cao nhất 21 tháng; dược phẩm tăng 25,9%, cao nhất nhiều năm.

“Từ số liệu vĩ mô 9 tháng, đã xuất hiện một số tín hiệu lạc quan hơn cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2018 mà điểm nhấn chính nằm trong ngành công nghiệp. Nhiều ngành công nghiệp như thép, ôtô, dệt may, dược và tinh chế dầu mỏ đang có tăng trưởng cao giúp bù đắp cho sự giảm tốc của công nghiệp điện tử” - TS Nguyễn Đức Hùng Linh nhận định.

Dấu ấn DN Việt Nam đã rõ nét

Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và việc Trung Quốc giảm sản lượng các ngành công nghiệp ô nhiễm (thép) hay nhân công giá rẻ (dệt may) đã mở ra cơ hội cho XK hàng hóa Việt nam. XK dệt may 9 tháng tăng tới 17,1%, cao nhất kể từ năm 2015; còn sắt thép vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao lên tới 51,5%.

Điều đáng nói là việc Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động đã đóng góp kịp thời và đáng kể cho ngành công nghiệp nói chung khi tạo ra tăng trưởng tới 53,1% cho ngành sản xuất than cốc và dầu mỏ tinh chế. Điều đáng nói là, “dấu ấn của DN Việt Nam đang dần rõ nét hơn. Thaco từ chỗ chiếm 36,8% thị phần ôtô 8 tháng 2017 đã vươn lên 39,5% trong 8 tháng năm 2018. Với tốc độ đầu tư và hiệu quả sản xuất cao, kỳ vọng khối tư nhân trong nước sẽ tăng tỉ trọng và ảnh hưởng, cân bằng lại vị thế của khối FDI trong cơ cấu kinh tế chung” - Nguyễn Đức Hùng Linh lạc quan nhận định.

Lạm phát được kiểm soát

Bên cạnh kết quả đạt được, tình hình kinh tế nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn. Sức ép lạm phát còn lớn do tác động của nhiều yếu tố, nhất là biến động tỉ giá, lãi suất, xu hướng tăng giá dầu thô trên thị trường quốc tế và yêu cầu thực hiện lộ trình giá thị trường đối với điện, dịch vụ giáo dục, y tế...

TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách thuộc Trường Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội (VEPR) - khuyến nghị: Cần thận trọng trong việc điều tiết cung tiền và chính sách tín dụng trong thời gian tới nhằm tránh lạm phát tăng vượt kiểm soát. Còn chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, trong 9 tháng, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát vẫn được kiểm soát, những tháng cuối năm về cơ bản Chính phủ sẽ đạt và vượt các chỉ tiêu cơ bản về kinh tế Quốc hội đặt ra từ đầu năm.

Thủ tướng nhấn mạnh, trên cơ sở kết quả 9 tháng, ước tính cả năm 2018 chúng ta sẽ đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó có 8 chỉ tiêu vượt. Tình hình đất nước trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại trong 3 năm 2016-2018 phát triển đúng hướng, chuyển biến rõ nét hơn giai đoạn trước; quy mô nền kinh tế gấp 1,3 lần, GDP bình quân đầu người tăng 440USD so với đầu nhiệm kỳ.

Dự báo chúng ta sẽ đạt được các mục tiêu kế hoạch 5 năm 2016-2020 mà Nghị quyết Đại hội Đảng XII và Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra, trong đó đến nay đã có 11 chỉ tiêu đạt và vượt.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Xử lý nghiêm vụ “Vũ nhôm”, “Út trọc” được cử tri cả nước đồng tình, ủng hộ

Ngày 22.10, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 6, QH khoá XIV, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, công tác thanh tra được tập trung triển khai theo kế hoạch; ban hành kết luận thanh tra đối với nhiều vụ việc nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm (như AVG, cảng Quy Nhơn, Hãng phim Truyện Việt Nam, đất đai tại Đà Nẵng, Thủ Thiêm…), thu hồi số lượng tiền, tài sản lớn về cho Nhà nước. Công tác phòng chống tham nhũng được quyết liệt triển khai; nghiêm túc thực hiện kết luận của đồng chí Tổng Bí thư tại các phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Tập trung điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ án phức tạp, nhân dân quan tâm (như vụ đánh bạc trên Internet, sai phạm tại một số ngân hàng thương mại, vụ “Vũ nhôm”, “Út trọc”…), được cử tri cả nước đồng tình, ủng hộ.

X.HÙNG - C.NGUYÊN

Tin Cùng Chuyên Mục