Tình hình kinh doanh bết bát của Tập Đoàn Hoa Sen trong thời gian gần đây buộc đại gia Lê Phước Vũ phải "lộ mặt".
Trong lần xuất hiện này, ông đã có những chia sẻ về dự án thép Cà Ná, cũng như bộc bạch chuyện mình đang... sống trên núi.
Từ một dự án được đại gia Lê Phước Vũ quả quyết: "Dại gì không đầu tư"
Tại đại hội cổ đông bất thường của CTCP Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) ngày 6/9/2016, ban lãnh đạo công ty trình cổ đông thông qua qua chủ trương đầu tư tổ hợp dự án khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận, công suất 6 triệu tấn một năm.
Lập luận ủng hộ “siêu dự án” này, Chủ tịch Lê Phước Vũ khi đó đã dẫn ra ví dụ về một doanh nghiệp lớn cùng ngành là Tập đoàn Hòa Phát quí trước đó đã lãi đến 2.000 tỉ đồng, trong đó lãi từ thép chiếm đến 80%. Ông Vũ kết luận “Ngu gì không làm thép, ngu gì không đầu tư?”
Đáng lưu ý, kế hoạch triển khai dự án thép Cà Ná được ông Vũ đưa ra trong thời gian khá “nhạy cảm” sau sự cố môi trường biển 4 tỉnh miền Trung do nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh gây ra. Chưa kể, thị trường thép thế giới khi đó cũng đang gặp khó khăn vì hàng triệu tấn thép dư thừa.
Trước những băn khoăn của cổ đông về một số dư luận bất lợi, lãnh đạo Hoa Sen cho rằng “những gì dư luận thể hiện trong thời gian qua, có không ít trong đó chỉ muốn ném đá, thọc gậy bánh xe, đố kị với Hoa Sen”.
Ban lãnh đạo Hoa Sen cũng cho biết dự án Cà Ná đã được Bộ Công Thương đưa vào dự thảo quy hoạch ngành thép đến năm 2025, tầm nhìn 2035 và được “Thủ tướng Chính phủ thị sát và có chỉ đạo chấp thuận về mặt chủ trương đầu tư ngày 27/8 tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Ninh Thuận vừa qua”.
Sau 2 năm vẫn "đóng băng"
Tháng 4/2017, Thủ tướng Chính phủ có văn bản yêu cầu tạm dừng dự án thép Cà Ná - Ninh Thuận của Hoa Sen. Nguyên nhân thì đã được nhiều người dự báo từ trước: “Đây là dự án công nghiệp nặng luyện cán thép được đề xuất sau sự cố nhà máy thép Formosa nên rất nhạy cảm, vì vậy bước nghiên cứu đề xuất chủ trương đầu tư cần làm kỹ các nội dung trên ở mức nghiên cứu khả thi dự án”, văn bản kết luận ý kiến của Thủ tướng có đoạn viết.
Đến ngày 16/1/2018, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên niên độ tài chính 2017-2018 Chủ tịch Lê Phước Vũ cho biết, hiện công ty đang xúc tiến, hoàn thiện, chuẩn bị các thủ tục pháp lý cần thiết để đăng ký đầu tư dự án, đồng thời tiếp tục làm việc với các đơn vị tư vấn có uy tín để lựa chọn giải pháp công nghệ và máy móc thiết bị phù hợp cho việc triển khai dự án.
Ông Vũ nói "Cà Ná là dự án lớn, khi nào cơ quan nhà nước cấp phép khi nào thì ta làm khi đó".
Đến Đại hội cổ đông niên độ tài chính 2018-2019, dự án thép “tỉ đô” Cà Ná - Ninh Thuận một lần nữa lại được đem ra bàn thảo. Tuy nhiên sau gần hai năm dự án “đóng băng”, ông Vũ đã không còn quả quyết như kì đại hội 2016, cũng không hi vọng như kì đại hội 2018 mà thay vào đó là một sự buông xuôi, thanh thản.
Không làm Cà Ná, ông Lê Phước Vũ lại có thời gian... lên núi sống
Liên quan đến Cà Ná, không làm theo ông Vũ ngẫm lại thấy may mắn. Bởi "nếu đang làm Cà Ná thì phải đứng công trường từ sáng đến tối ròng rã 1 tháng 30 ngày. Vì không làm Cà Ná nên giờ tôi ở trên núi, 3 giờ sáng dậy tập công phu đến 5-6 giờ, cuộc sống an lành và vui lắm, tâm an thì trí sáng, quý vị nào thích lên tắm suối, suối của tôi tuyệt vời", người đứng đầu Hoa Sen miêu tả đó là cảnh thần tiên, cho rằng trời đất thương mình nên cho ông chút gì đó an ủi!
Trước đó, trong một cuộc gặp gỡ nhà đầu tư tổ chức, Chủ tịch Trần Đình Long của Tập đoàn Hòa Phát – đơn vị đang thi công đại dự án thép tại Dung Quất - cũng cho biết ông thường xuyên phải có mặt tại công trường để giám sát, chỉ đạo công việc, có khi cả tháng liền ông Long không gặp các lãnh đạo khác của Hòa Phát tại hội sở chính.
Khẳng định sống thanh tịnh trên núi, ông chủ Hoa Sen cũng nhấn mạnh nắm rõ hết công việc dưới chân núi. Đồng thời, ông Lê Phước Vũ phát biểu với toàn cổ đông, "Về nguyên tắc kinh doanh trên thị trường kinh tế phát triển thì không thể có nhiều thương hiệu cùng tồn tại đâu, chỉ cần một vài thương hiệu lớn thôi, chất lượng tốt, hệ thống phân phối tốt… Làm gì có nền kinh tế mà hàng chục hàng trăm nhà máy tôn cùng tồn tại được đâu? Tất cả sẽ đi vào chuẩn mực hết vào hệ thống hết. Đó là kinh nghiệm từ những nước phát triển, và Việt Nam sẽ đi vào quỹ đạo đó". Có nghĩa, vị Chủ tịch này tham vọng đưa Hoa Sen không chỉ giữ thị phần hiện có mà còn tiếp tục bành trướng, trong đó ít nhất phải có 1.000 cửa hàng.
Trước ông Lê Phước Vũ, ông Đặng Lê Nguyên Vũ cũng đã lên núi sống
Câu chuyện của ông Lê Phước Vũ dễ dàng làm dư luận liên tưởng tới Đặng Lê Nguyên Vũ - cái tên gây xôn xao trong năm 2018 với vụ ly hôn tốn nhiều giấy mực của báo chí.
Cũng đã từng có 5 năm ròng rã sống trên núi, lần trở lại của ông Đặng Lê Nguyên Vũ mang một màu sắc ma mị và bí ẩn hơn rất nhiều. Tự xưng là "qua" trong bộ quần áo quen thuộc áo khoác dài đen, quần vải trắng rộng thùng thình, cổ quấn khăn rằn, bằng chất giọng nhỏ nhẹ đầy tình cảm, ông Đặng Lê Nguyên Vũ tâm sự với những nhân viên của Trung Nguyên về đường hướng phát triển tập đoàn, đồng thời khẳng định đồng thời sẽ đưa Trung Nguyên trở thành tập đoàn thống lĩnh toàn cầu, khác biệt và duy nhất toàn cầu.
Hai vị đại gia tên Vũ đều giống nhau về những phát biểu mang đầy tham vọng "dời non, lấp biển", đưa doanh nghiệp lên tới đỉnh cao. Chỉ khác là ông Lê Phước Vũ vẫn xưng hộ theo cách thông thường, và vẫn mặc một bộ vest trong cuộc họp.