Ngày 10-1, Tổng cục Thuế tổ chức hội nghị tổng kết năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 trong bối cảnh có nhiều vấn đề nóng của ngành.
Sabeco, Unilever Việt Nam nợ thuế vẫn nóng
Là người tham luận trực tuyến đầu tiên, Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM Đặng Ngọc Tâm vui mừng báo cáo về thành tích thu ngân sách của TP đạt 100,47%, ở mức trên 378.000 tỉ đồng. Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM cũng cho biết cả năm qua cơ quan thuế TP đã ban hành 45.986 quyết định cưỡng chế thuế.
Tuy nhiên, theo ông Tâm, số nợ đến cuối năm đang ở mức 8.486 tỉ đồng. Bên cạnh đó, nhiều vấn đề cần được Tổng cục Thuế tháo gỡ hoặc có chỉ đạo cụ thể. Trong đó vấn đề nóng mà ông Tâm nêu ra vẫn là việc truy thu, cưỡng chế thuế của Tổng Công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tập đoàn Unilever Việt Nam. Đây là vấn đề Cục Thuế TP.HCM đã tính xử lý nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa xong.
“Xung quanh việc nợ thuế của Sabeco và Unilever Việt Nam, chúng tôi kiến nghị Tổng cục Thuế có ý kiến chỉ đạo cụ thể vì vấn đề này ngoài tầm quản lý của Cục Thuế TP.HCM” - ông Tâm nêu.
Bởi trước đó Cục Thuế TP.HCM đã thông báo về số tiền chậm nộp thuế và tiền nộp vi phạm hành chính của Sabeco là hơn 3.140 tỉ đồng, bao gồm tiền chậm nộp thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 2007 đến 2015 hơn 2.645 tỉ đồng, tiền phạt vi phạm hành chính hơn 494 tỉ đồng.
Nhưng do Sabeco không nộp thuế theo thông báo nên Cục Thuế TP.HCM đã ra quyết định cưỡng chế nộp phạt những ngày cuối tháng 12-2018. Sau đó, Thủ tướng giao Bộ Tài chính và UBND TP.HCM chỉ đạo Cục Thuế TP.HCM chưa thực hiện cưỡng chế Sabeco. Trên cơ sở này, Cục Thuế TP.HCM ra quyết định dừng thực hiện cưỡng chế thuế đối với Sabeco.
Còn trường hợp của Unilever Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước đã có công văn đề nghị Tổng cục Thuế có biện pháp truy thu thuế với Unilever số tiền 575 tỉ đồng. Cục Thuế TP.HCM cũng lấy báo cáo của Kiểm toán Nhà nước làm cơ sở để gửi công văn nhiều lần cho Unilever yêu cầu cung cấp thông tin về tài khoản để thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản theo quy định.
Sau đó, phía Unilever đã có văn bản kiến nghị gửi lên Thủ tướng xin không thực hiện cưỡng chế doanh nghiệp để chờ kết luận của các cấp có thẩm quyền. Unilever cho rằng hành động của phía thuế đặt họ vào tình thế khó khăn, ảnh hưởng lớn đến hoạt động và uy tín tại Việt Nam.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam không trả lời cụ thể các kiến nghị này. Ông Nam phát biểu những vấn đề có tính nguyên tắc. Theo đó, những vấn đề gì thuộc thẩm quyền của Tổng cục Thuế thì tổng cục sẽ có chỉ đạo cụ thể. Còn những vấn đề gì vượt phạm vi, tổng cục sẽ xin ý kiến chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền.
Để dân kêu nhiều quá là không được
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thông báo tình hình vượt thu ngân sách và biểu dương những nỗ lực của ngành thuế . “Đã có 40 địa phương có mức thu 5.000 tỉ đồng, trong khi năm 2009 chỉ có chín tỉnh, TP đạt mức này. Có 18 địa phương nằm trong nhóm thu 10.000 tỉ đồng/năm”- Phó Thủ tướng cho hay.
Ngoài sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành… Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặc biệt biểu dương tinh thần làm việc của bốn vạn cán bộ thuế và coi đây là một trong những động lực khiến thu ngân sách vượt dự toán.
Tuy vậy, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý ngành thuế cần khắc phục tình trạng nhũng nhiễu, tham nhũng vặt, làm xói mòn niềm tin, làm hư hỏng cán bộ và làm gia tăng chi phí không chính thức cho doanh nghiệp, hạn chế sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Xây dựng đạo đức văn hóa công chức, công vụ ngành thuế, nói không với tiêu cực.
“Ngành thuế phải ký giao ước thi đua là không có tiêu cực , giảm tham nhũng vặt bao nhiêu; xác định trách nhiệm người đứng đầu có làm được việc đó không trước khi cân nhắc bổ nhiệm vào vị trí cao hơn hoặc có tiếp tục sử dụng ông hay không” - Phó Thủ tướng nêu rõ.
Cho rằng “để người dân kêu nhiều quá là không được”, Phó Thủ tướng yêu cầu xây dựng quan hệ trong ngành trên tinh thần lấy người nộp thuế là đối tác chứ không phải là đối tượng. Đặc biệt lấy người nộp thuế là trung tâm, tinh thần là cộng tác và đối tác, chia sẻ và hướng dẫn.
Nêu lên một trong những vấn đề đang vướng mắc hiện nay là giải quyết mối quan hệ giữa việc thực hiện các kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán với phán quyết của cơ quan thuế sao cho đúng với pháp luật, Phó Thủ tướng nêu rõ: “Những phán quyết về thuế không thể đẩy lên Thủ tướng và Chính phủ ngồi giải quyết, phạt hay không phạt phải theo luật. Có gì không đúng là phải qua con đường giải quyết vấn đề khiếu nại, tố cáo, thậm chí giải quyết tranh chấp ở tòa án”.
Đề nghị mở rộng đối tượng thu thuế
Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, cho rằng bên cạnh vấn đề nóng là thất thoát thuế từ Facebook còn phải tăng cường quản lý thuế các hộ cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, có biện pháp để kiểm soát những người kinh doanh trên Internet. Bởi trong thương mại điện tử thì Facebook chỉ là một phần, còn lại là qua các nền tảng như Agoda, Booking.com...
Để kiểm soát được, bà Cúc cho rằng trước tiên phải nắm bắt được số lượng tổ chức, cá nhân kinh doanh online trên toàn quốc. Hình thức kinh doanh này không chỉ giới hạn qua các mạng xã hội mà còn trên cả sóng truyền hình. Ví dụ có những chương trình quảng cáo có đính kèm số điện thoại để gọi đến mua hàng cũng cần tính đến. Đồng thời cần yêu cầu người kinh doanh đăng ký bắt buộc.
"Cơ quan thuế nên rà soát thông tin để không bỏ sót các đối tượng cần nộp thuế. Đơn cử là trong năm 2018, sau quá trình kiểm tra, soát lại, Cục Thuế TP.HCM đã tìm được cá nhân nhận tiền tỉ từ Google, Facebook hay YouTube nhưng không nộp thuế. Người này tạm trú ở TP.HCM nhưng hộ khẩu ở Quảng Nam, do đó Cục Thuế của hai tỉnh đã phối hợp để truy thu khoản tiền thuế mà cá nhân này đã lẩn tránh" - bà Cúc dẫn chứng.