Ngày pháp luật

Không chỉ vay hàng nghìn tỷ trái phiếu, Masan (MSN) còn mới được “bơm” 600 triệu USD vốn ngoại

Quỳnh Chi

Thời gian gần đây, Masan liên tục huy động được hàng nghìn tỷ đồng qua kênh trái phiếu trong đó một phần mục đích được dùng để đảo nợ.

CTCP Tập đoàn Masan (mã CK: MSN) vừa thông báo đã được giải ngân 600 triệu USD (~14.800 tỷ đồng) từ các tổ chức tài chính quốc tế với lãi suất khoảng 6,7% một năm. Khoản vay có kỳ hạn 5 năm với lãi suất ước tính 6,7% một năm, gồm lãi suất cố định 2,9% cộng với lãi suất tham chiếu SOFR (lãi suất qua đêm có bảo đảm). Khoản vay hợp vốn này do BNP Paribas, Credit Suisse, HSBC, Standard Chartered Banks sắp xếp và có 37 tổ chức tài chính quốc tế đăng ký tham gia.

Không chỉ vay hàng nghìn tỷ trái phiếu, Masan (MSN) còn mới được “bơm” 600 triệu USD vốn ngoại - Ảnh 1

Đại diện Masan cho rằng kết quả kinh doanh ở các mảng tiêu dùng, bán lẻ cải thiện giúp khả năng tiếp cận vốn và các điều khoản tín dụng dễ hơn. Công ty nhận định việc tăng vay bằng USD dẫn đến rủi ro ngoại hối lớn hơn nên sẽ chủ động theo dõi, đánh giá thời điểm thích hợp để thực hiện các giao dịch phái sinh nhằm giảm thiểu rủi ro và tối ưu chi phí vốn.

Thời gian gần đây, Masan liên tục huy động được hàng nghìn tỷ đồng qua kênh trái phiếu trong đó một phần mục đích được dùng để đảo nợ. Trước khi khoản vay này được giải ngân, Masan đã phát hành trái phiếu trị giá 1.700 tỷ đồng cũng có kỳ hạn 5 năm. Trước đó trong tháng 10, Masan cũng đã phê duyệt phương án phát hành ra công chúng hai lô trái phiếu tổng trị giá 4.000 tỷ đồng cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Đây là loại trái phiếu bằng VND, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có bảo đảm. Kỳ hạn của hai lô trái phiếu dự kiến phát hành tối đa 60 tháng. Dự kiến đợt thứ nhất chào bán vào quý 1/2023 và đợt thứ hai vào Quý 2/2023. Lãi suất của trái phiếu thả nổi bằng tổng của 4,1%/năm và lãi suất tham chiếu. Lãi suất tham chiếu là trung bình cộng của lãi suất tiền gửi tiết kiệm áp dụng cho khách hàng cá nhân, kỳ hạn 12 tháng bằng VND do BIDV, Vietcombank, VietinBank và MB công bố vào khoảng trước 11 giờ sáng ngày xác định lãi suất của kỳ tính lãi đó.

Về mục đích chào bán trái phiếu, Masan cho biết sẽ huy động 2.000 tỷ đồng để thanh toán một phần hoặc toàn bộ khoản gốc đến hạn của các trái phiếu BondMSN022023 (mã chứng khoán MSN12001) với tổng mệnh giá phát hành 2.000 tỷ đồng đã được phát hành ngày 30/3/2020 và đáo hạn 30/3/2023. Thời gian sử dụng vốn dự kiến quý 1/2023.

Masan cũng sẽ huy động 2.000 tỷ đồng để thanh toán một phần hoặc toàn bộ khoản gốc đến hạn của các trái phiếu BondMSN032023 (mã MSN12003) với tổng mệnh giá 3.000 tỷ đồng đã được phát hành ngày 12/5/2020 và đáo hạn 12/5/2023. Thời gian sử dụng vốn dự kiến trong quý 2/2023.

Cuối tháng 9, Masan đã huy động thành công hai lô trái phiếu kỳ hạn 5 năm với tổng trị giá 1.500 tỷ đồng nhằm cơ cấu lại nợ, thanh toán khoản gốc đáo hạn của trái phiếu MSNPO2022_01 (MSN11906), kỳ hạn 3 năm, đáo hạn ngày 26/9/2022.

Theo kế hoạch thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên hồi tháng 4, Masan đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất từ 90.000-100.000 tỷ đồng, tăng trưởng 22-36%. Lợi nhuận sau thuế ước tính sẽ trong khoảng 6.900-8.500 tỷ đồng, tăng trưởng 82-124% so với 2021.

Tin Cùng Chuyên Mục