HSBC đóng vai trò là ngân hàng đồng bảo lãnh phát hành, thu xếp vốn và dựng sổ trong giao dịch mang tính bước ngoặt này. Sự thành công của giao dịch nhấn mạnh khả năng của HSBC trong việc cung cấp giải pháp tài trợ vốn có bảo lãnh phát hành bất chấp những bất ổn trên thị trường hiện nay và những thách thức trong môi trường vĩ mô.
HSBC đã tận dụng bề dày kinh nghiệm, khả năng xây dựng, cấu trúc và phân phối khoản vay vững mạnh cũng như năng lực nhận định thị trường tốt để mang lại kết quả tích cực cho khách hàng.
Tiện ích tín dụng với kỳ hạn 5 năm này cũng là khoản vay hợp vốn lớn nhất với kỳ hạn dài nhất Masan từng huy động. Giao dịch đã thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ thị trường, thu hút 37 bên cho vay trong quá trình huy động vốn. Tổng giá trị khoản vay đã tăng lên 600 triệu USD so với mục tiêu ban đầu là 375 triệu USD.
Bất chấp môi trường toàn cầu còn nhiều biến động, HSBC đã thu xếp thành công giao dịch được bảo lãnh phát hành đầy đủ nhằm tiếp thêm năng lượng cho Masan trong quá trình hiện thực hóa khát vọng nâng tầm cuộc sống của người tiêu dùng Việt Nam.
Kết quả vượt trội của giao dịch hợp vốn lần này cho thấy niềm tin mạnh mẽ của các nhà đầu tư vào Masan và tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, bên cạnh đợt nâng hạng tín nhiệm gần đây của Moody’s và S&P.
Đặc biệt, kết quả đó còn phản ánh sự phục hồi kiên cường của Việt Nam thời hậu Covid giữa muôn trùng thách thức bên ngoài, thể hiện một nền kinh tế trong nước mạnh mẽ nơi tầng lớp trung lưu đang gia tăng.
Theo báo cáo mới đây của Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC, Việt Nam sẽ sớm lọt vào danh sách các thị trường tiêu dùng lớn nhất toàn cầu.
Cụ thể, Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu dùng lớn thứ 10 thế giới vào năm 2030, vượt qua các đối thủ như Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan và Anh.
Khi tiềm năng tăng trưởng tiêu dùng trong nước đang ngày càng rộng mở, HSBC sẽ luôn sẵn sàng hiện diện để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam như Masan cùng mở ra một thế giới tràn đầy cơ hội.
Về kết quả kinh doanh của Masan Group, báo cáo tài chính quý III/2022 ghi nhận doanh thu thuần đạt 19.523 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ; lãi trước thuế 909 tỷ đồng, giảm 51% so với cùng kỳ; lãi sau thuế giảm 47% về mức 841 tỷ đồng.
Điểm sáng là 76% cửa hàng WinMart+ mở trong quý III đã có lãi EBITDA ở cấp cửa hàng trong vài tháng đầu hoạt động so với 83% tất cả cửa hàng WinMart+. Với WinMart+ ghi nhận doanh thu lần lượt là 14.730 tỷ đồng 9 tháng và 5.209 tỷ đồng quý III, tương ứng tăng 11,5% và 16,4% so với cùng kỳ.
Siêu thị WinMart đạt doanh thu 7.046 tỷ đồng trong ba quý và 2.337 tỷ đồng trong quý 3, lần lượt tăng 6% và 20,2% so với cùng kỳ năm trước.
The CrownX (TCX), nền tảng tiêu dùng - bán lẻ hợp nhất WCM (WinCommerce) và MCH (Masan Consumer Holdings) của Masan ghi nhận doanh thu tăng trưởng 16,8% và lợi nhuận thuần tăng trưởng 90,2% so với quý trước.
Lũy kế 9 tháng, Masan mang về 55.546 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 14% so với cùng kỳ; song lãi sau thuế tăng 32% 3.951 tỷ đồng.
Xét về cơ cấu doanh thu 3 quý đầu năm của MSN, mảng bán lẻ tiêu dùng với 21.844 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 39% trong tổng doanh thu; mảng sản phẩm tiêu dùng có thương hiệu đạt 18.781 tỷ đồng, chiếm 34%; mảng vật liệu công nghệ cao đem về 11.651 tỷ đồng, chiếm 21%, MeatLife 2.114 tỷ đồng, chiếm 3,8%.
Dựa trên kết quả kinh doanh 9 tháng, năm 2022, Masan dự kiến cả năm đạt doanh thu 75.000 – 80.000 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế trước lợi ích phân bổ cho cổ đông không kiểm soát từ 4.800 – 5.500 tỷ đồng. Mức ước tính này thấp hơn so với mục tiêu đề ra vào đầu năm nay do điều kiện thị trường không thuận lợi và người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.
Mới đây, MSN đã công bố Nghị quyết HĐQT về việc phê duyệt phương án phát hành trái phiếu ra công chúng có tổng mệnh giá 4.000 tỷ đồng.