Không đưa vào luật quy định "sở hữu chung cư có thời hạn"
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa có kết luận sau phiên thảo luận về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) tại phiên họp thứ 21 vừa qua.
Đánh giá hồ sơ dự án luật cơ bản bảo đảm chất lượng, đủ điều kiện để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nêu quan điểm về một số nội dung lớn còn ý kiến khác nhau.
Về một số nội dung lớn của dự án Luật, trong đó có vấn đề sở hữu nhà chung cư có thời hạn, UBTVQH đề nghị không bổ sung quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, cần bổ sung quy định cụ thể, chặt chẽ, có tính khả thi về thẩm quyền, trình tự, thủ tục di dời cư dân, phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư không còn an toàn cho việc sử dụng vì mục đích bảo đảm sức khỏe, an toàn tài sản, tính mạng cho người dân, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu nhà chung cư phải di dời để phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Theo UBTVQH, đây là vấn đề nhạy cảm, hệ trọng, có tác động sâu rộng đến đời sống xã hội, do đó, trong trường hợp Chính phủ thấy cần thiết tiếp tục trình Quốc hội phương án khác với ý kiến của UBTVQH thì đề nghị xây dựng 2 phương án, bao gồm phương án của Chính phủ đề xuất và phương án theo ý kiến kết luận của UBTVQH và đề xuất của Cơ quan thẩm tra để đại biểu Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Đồng thời, Tờ trình của Chính phủ cần phân tích, làm rõ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và thực tiễn, đánh giá tác động kỹ lưỡng, phân tích ưu điểm, hạn chế, hoàn thiện quy định của từng phương án, làm cơ sở để đại biểu Quốc hội thảo luận dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể để lựa chọn được phương án tốt nhất, khả thi nhất, khắc phục được bất cập, vướng mắc của Luật Nhà ở hiện hành, đáp ứng được mong mỏi, nguyện vọng của người dân trong xã hội, phục vụ hiệu quả quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đối với một số nhóm vấn đề cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ của nhà nước để tránh sơ hở, lợi dụng gồm bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, ưu đãi chủ đầu tư nhà ở xã hội, đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, vấn đề chuyên gia, người lao động nước ngoài lưu trú tại nhà lưu trú công nhân bố trí trong khu công nghiệp, UBTVQH đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát các quy định trong dự thảo Luật để hoàn thiện, bảo đảm chặt chẽ, có cơ chế kiểm soát phù hợp.
UBTVQH đề nghị Chính phủ tiếp tục lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp để hoàn thiện quy định phù hợp, khả thi, bảo đảm hài hòa giữa yêu cầu quản lý nhà nước và quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp đối với một số nhóm vấn đề về cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, quy định về các giai đoạn đầu tư xây dựng dự án nhà ở...
Trên cơ sở ý kiến kết luận của UBTVQH, ý kiến thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Pháp luật, ý kiến phản biện xã hội của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và ý kiến tham gia của các cơ quan, tổ chức có liên quan, đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật, Tờ trình và Hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội, đồng thời gửi Ủy ban Pháp luật chậm nhất là ngày 10/4/2023 để thẩm tra chính thức và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 theo quy định.
Nhiều ý kiến đồng tình không quy định sở hữu chung cư có thời hạn
Sau nhiều năm tích cóp, chị Nguyễn Huệ (Hà Nội) dự định mua một căn chung cư tại quận Hai Bà Trưng, nhưng khi nghe thông tin nhà chung cư sẽ có thời hạn sử dụng nên chị ngần ngại xuống tiền, dù đã tìm được căn hộ khá ưng ý. Sau khi bàn bạc, vợ chồng chị quyết định chuyển hướng tìm mua nhà đất, tuy nhiên vẫn chưa tìm được căn nhà nào vừa ý. Khi nghe tin sẽ không đưa vào luật quy định "sở hữu chung cư có thời hạn", chị Huệ vui mừng liên hệ môi giới để mua căn hộ chung cư đã ưng ý. “Rất may, thị trường đang chững nên căn hộ chưa bán được, tôi đã hẹn môi giới sang tuần sau sẽ đến đặt cọc nhà”, chị Huệ cho biết.
Tương tự, gia đình anh Nguyễn Hiệp cũng đang cân nhắc việc mua nhà chung cư hay nhà đất khi nghe thông tin sở hữu chung cư sẽ có thời hạn. Khi nghe thông tin sẽ không quy định điều này trong luật, anh Hiệp quyết định chọn mua căn chung cư gần nơi học của các con để tiện đưa đón.
Trước đó, nhiều ý kiến chuyên gia cũng cho rằng, việc quy định thời hạn sở hữu chung cư là không hợp lý. Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nói cơ quan soạn thảo cần đánh giá tác động cẩn trọng quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư. Ông phân tích, thời hạn sở hữu nhà chung cư là quy định can thiệp đến quyền sở hữu, tác động rất lớn đến quyền lợi của người dân và kinh doanh của doanh nghiệp, thị trường bất động sản.
Ông Tuấn đề nghị cân nhắc chọn phương án không quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư.
Còn PGS.TS Đặng Minh Tuấn, Trường Đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội), dẫn kinh nghiệm một số quốc gia, cho hay các nước chủ yếu điều chỉnh các khía cạnh về chuẩn mực tối thiểu nhà ở, nhà ở xã hội và hỗ trợ nhóm yếu thế về nhà ở; hoặc kiểm soát mua bán, chuyển nhượng, cho thuê nhà.
"Luật sửa đổi cần nghiên cứu, nhấn mạnh hơn khía cạnh về bảo đảm quyền có chỗ ở, sở hữu nhà của công nhân và bổ sung các quy định bảo đảm quyền của cá nhân, nhóm yếu thế trong xã hội về nhà ở", ông Đặng Minh Tuấn góp ý.
Nhà chung cư đang có hai loại, 50 năm và sở hữu vĩnh viễn với giá mua khác nhau. Công trình nhà chung cư cũng được gắn với trách nhiệm của chủ đầu tư và chủ đầu tư này có quyền, nghĩa vụ gắn với sự tồn tại của chung cư đó để tiến hành duy tu, bảo dưỡng và kinh doanh. Cơ quan nhà nước cũng có trách nhiệm khi giám sát trong quá trình thiết kế, thi công, xây dựng công trình.
Ở góc độ thị trường bất động sản - Tổng giám đốc Công ty Bất động sản EZ Việt Nam Phạm Đức Toản lo ngại, quy định sở hữu chung cư có thời hạn có thể tác động tiêu cực tới giá đất nền và giá nhà chung cư trong tương lai.
Theo ông, khách hàng quan tâm đến chung cư chắc chắn sẽ sụt giảm vì người ta sẽ đánh đổi bằng cách mua những bất động sản có giá trị hơn như đất nền. Bởi, trong trường hợp mua nhà mà có thời hạn thì không khác gì đi thuê. Tài sản đó thay vì gia tăng hoặc giữ được giá trị thì lại mất đi theo thời gian. Nghĩa là càng về cuối, giá trị của căn nhà càng mất đi, do đó tác động rất lớn đến tâm lý người mua.