Ngày pháp luật

Khối nợ của 'đế chế' mía đường nhà Thành Thành Công tiếp tục phình to

Quỳnh Chi

Quy mô nợ phải trả của TTC AgriS tăng thêm cả nghìn tỷ đồng chỉ trong ba tháng quý I theo niên độ tài chính của doanh nghiệp này, trong bối cảnh "nữ hoàng mía đường" Huỳnh Bích Ngọc vừa chính thức trở lại Hội đồng quản trị.

Gánh nặng nợ tiếp tục phình to

CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC AgriS, mã CK: SBT) vừa công bố Báo cáo tài chính riêng quý I cho niên độ tài chính 2024-2025 (từ ngày 30/6 đến 30/9/2024). Trong đó, bức tranh tài chính của doanh nghiệp đầu ngành mía đường vẫn tiếp tục với điệp khúc doanh thu tăng nhưng lợi nhuận đi ngang, do gánh nặng nợ phải trả. Đặc biệt, quy mô nợ vay của TTC AgriS tiếp tục phình to.

Theo đó, trong quý I, AgriS ghi nhận hơn 3.700 tỷ đồng doanh thu, tăng hơn 18% cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp ghi nhận hơn 336 tỷ đồng, tăng 2,4%.

Ở mảng tài chính, gánh nặng chi phí lãi vay tiếp tục đè nặng lên hoạt động của “đế chế” mía đường nhà Thành Thành Công. Trong quý gần nhất, chi phí tài chính ghi nhận hơn 374 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí lãi vay. Dù khoản mục này giảm hơn 10% cùng kỳ năm trước nhưng vẫn khiến hoạt động tài chính lỗ hơn 130 tỷ đồng.

Cùng với các chi phí hoạt động khác, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của TTC AgriS chỉ đạt hơn 70 tỷ đồng, với tỷ suất trên doanh thu chưa tới 2%. Kết quả này khiến lãi ròng của SBT chỉ tương đương năm trước, đạt hơn 57 tỷ đồng.

Đáng chú ý, dù chi phí lãi vay giảm, thực tế quy mô vay nợ của TTC AgriS vẫn tăng trong quý đầu của niên độ tài chính 2024-2025.

Trên bảng cân đối kế toán, quy mô nợ phải trả của doanh nghiệp này đến ngày 30/9/2024 là hơn 19.100 tỷ đồng, tăng khoảng 1.000 tỷ đồng so với cuối tháng 6. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn ở mức hơn 9.300 tỷ, tăng hơn 1.100 tỷ đồng. Nợ vay dài hạn có phần thu hẹp hơn, nhưng mức độ chỉ khoảng vài trăm tỷ.

Ngoài ra, một điểm cần chú ý khác là quy mô người mua trả tiền trước ngắn hạn thu hẹp đáng kể, đến 30/9 chỉ còn ghi nhận hơn 1.300 tỷ đồng so với mức hơn 1.700 tỷ ở thời điểm cuối năm tài chính trước. Khoản mục phải trả người bán ngắn hạn và phải trả ngắn hạn khác đều tăng.

Sự lệch pha cũng thấy được từ báo cáo lưu chuyển tiền tệ, với dòng tiền từ hoạt động kinh doanh ghi âm hơn 970 tỷ đồng trong quý I niên độ tài chính 2024-2025, âm thêm gần 240 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Dòng tiền hoạt động của TTC AgriS trong quý đầu tiên của niên độ tài chính mới phụ thuộc hoàn toàn vào hoạt động tài chính, trong đó tới từ vay mới là chủ yếu. Theo báo cáo, công ty này thu từ đi vay hơn 9.500 tỷ đồng, trong khi chi trả nợ gốc vay hơn 8.600 tỷ.

Sự trở lại của “nữ hoàng mía đường”

Trong ĐHĐCĐ thường niên niên độ 2023 – 2024, Hội đồng quản trị của TTC AgriS có thêm hai thành viên mới. Cơ cấu HĐQT mới gồm bà Đặng Huỳnh Ức My - Chủ tịch HĐQT, hai thành viên HĐQT là bà Huỳnh Bích Ngọc, ông Trần Tấn Việt, và hai thành viên độc lập HĐQT là ông Trần Trọng Gia Vinh và ông Lê Quang Phúc.

Sinh năm 1962, bà Huỳnh Bích Ngọc được giới kinh doanh biết tới với danh xưng "nữ hoàng mía đường" khi nhiều năm giữ chức Chủ tịch HĐQT TTC AgriS. Bà cũng là vợ ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT TTC Group.

Bà Ngọc từng là Chủ tịch HĐQT TTC AgriS từ năm 2019-2024, những bị miễn nhiệm ngày 13/7 do hết nhiệm kỳ 5 năm. Sau đó, phu nhân Chủ tịch TTC Group Đặng Văn Thành chuyển sang làm Cố vấn cấp cao cho HĐQT, tham mưu, tư vấn, phản biện cho HĐQT và thông qua các vấn đề quan trọng mang tính chiến lược của Công ty. Ghế Chủ tịch HĐQT TTC AgriS do  bà Đặng Huỳnh Ức My, con gái của bà Huỳnh Bích Ngọc và ông Đặng Văn Thành, đảm nhiệm.

Thực tế, dưới thời lãnh đạo của bà Ngọc, sự mở rộng tại TTC AgriS đã cho ra hai kết quả không tương xứng, khi doanh thu doanh nghiệp này tăng liên tục với quy mô hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, nhưng lợi nhuận chỉ loanh quanh ngưỡng vài trăm tỷ.

GIai đoạn 2017-2020, doanh thu của TTC AgriS tăng đều từ 10.200 tỷ lên gần 15.000 tỷ đồng. Bốn năm gần đây, con số này còn tăng mạnh hơn.

Doanh thu năm 2021 của TTC AgriS đạt hơn 18.300 tỷ, tăng tiếp lên hơn 24.000 tỷ đồng một năm sau đó và tới năm tài chính 2023 đã vượt 29.000 tỷ đồng. Nếu so với năm 2016, thời điểm doanh thu của công ty này chỉ gần 4.500 tỷ, mức doanh thu của TTC AgriS đã gấp hơn 6 lần.

Tuy nhiên, trái ngược với đà tăng trưởng liên tục của doanh thu, mức lợi nhuận của công ty này lại ở mức thấp đến "ngạc nhiên". Giai đoạn 2016-2019, lợi nhuận của TTC AgriS trồi sụt quanh ngưỡng 300-500 tỷ đồng mỗi năm. Đến giai đoạn 2020-2023, thời điểm doanh thu của TTC AgriS tăng mạnh, mức lợi nhuận của doanh nghiệp này cũng chỉ khiêm tốn vài trăm tỷ đồng, ở ngưỡng 600-800 tỷ.

Nguyên nhân chính của tình trạng này là phần chi phí tài chính phình to liên tục qua các năm, chủ yếu là chi phí lãi vay. Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán cho niên độ tài chính năm 2023, doanh nghiệp của gia đình ông Đặng Văn Thành gánh hơn 2.000 tỷ đồng chi phí tài chính (với 1.700 tỷ đồng trong đó là chi phí lãi vay), con số này tăng khoảng 14% so với năm trước. Mức tăng này tương đương với quy mô tăng thêm của chi phí lãi vay.

Tin Cùng Chuyên Mục