Các lệnh thỏa thuận có quy mô từ vài trăm nghìn cho tới gần 3 triệu cổ phiếu. Tổng khối lượng thỏa thuận đạt hơn 17,1 triệu đơn vị, tương đương gần 1.300 tỷ đồng. Bên mua là nhà đầu tư nước ngoài, còn bên bán là nhà đầu tư trong nước. Chốt phiên sáng, VHM tăng 1,1% lên gần 81.000 đồng.
Diễn biến này giúp thanh khoản sàn HoSE trong phiên sáng tăng đột biến lên hơn 3.800 tỷ đồng, trong đó riêng giá trị thỏa thuận đạt hơn 1.600 tỷ đồng, tương đương 40%.
Tuy nhiên, trái ngược với giao dịch sôi động qua kênh thỏa thuận, diễn biến thị trường chung có phần kém tích cực hơn vào cuối phiên sáng. VN-Index và VN30-Index cùng chốt phiên sáng dưới tham chiếu, khi lực bán gia tăng trong nhóm vốn hóa lớn.
Giao dịch đột biến trong phiên sáng nay (20/8) cũng không phải lần đầu mã VHM được khối ngoại mua mạnh. Trong phiên ngày 15/6, nhóm nhà đầu tư nước ngoài do Công ty quản lý quỹ đầu tư KKR (Mỹ) và Temasek (Singapore) đã chi ra 15.100 tỷ đồng, tương đương 650 triệu USD để mua thỏa thuận hơn 200 triệu cổ phiếu (6% vốn điều lệ) của Vinhomes.
Kết thúc quý II, doanh thu thuần của Vinhomes này đạt gần 16.400 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế hơn 5.000 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là trong quý II năm nay không còn giao dịch bán buôn nên kết quả không đột biến như cùng kỳ 2019.
Tuy nhiên, lũy kế trong nửa đầu năm, kết quả kinh doanh của Vinhomes vẫn tăng so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu thuần đạt gần 23.000 tỷ, lợi nhuận trước thuế hơn 15.000 tỷ đồng, tăng trên 13%.
Theo Vinhomes, nếu tính doanh thu thuần quy đổi bao gồm cả các hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) và hoạt động chuyển nhượng dự án, doanh thu trong nửa đầu năm đạt hơn 35.600 tỷ đồng, trong đó doanh thu chuyển nhượng bất động sản quy đổi hơn 34.000 tỷ đồng, chiếm 96% tổng doanh thu hợp nhất quy đổi.
Đến ngày 30/6, tổng tài sản Vinhomes đạt 225.578 tỷ, với vốn chủ sở hữu hơn 76.000 tỷ đồng, tăng 14% và 18% so với cuối năm 2019.
Link bài gốc