Chủ trì các Diễn đàn này là Bộ Công thương và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Đặc biệt sự kiện có sự tham gia của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV3) và diễn giả là các cán bộ, chuyên gia tham gia trực tiếp vào quá trình đàm phán các Hiệp định cùng các chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế am hiểu về kinh tế và hội nhập quốc tế từ các Bộ, ngành các hiệp hội và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Các diễn đàn được tổ chức nhằm giúp DN vận dụng và phát huy có hiệu quả các ưu đãi của Hiệp định, từ đó tận dụng tối đa các cơ hội và hạn chế tối thiểu các thách thức của Hiệp định.
Theo Ban tổ chức, việc tổ chức các diễn đàn kết hợp truyền thông đa phương tiện (online trực tuyến, truyền hình, báo chí, trang tin điện tử và tương tác trên mạng xã hội…) trước, trong và sau sự kiện sẽ tạo hiệu ứng truyền thông tích cực hỗ trợ các cơ quan, tổ chức, cộng đồng DN và công chúng nắm được nội dung cam kết của các Hiệp định thương mại tự do FTA đồng thời DN được theo dõi và tương tác với diễn giả và Ban tổ chức để giải đáp và tháo gỡ những khó khăn trong hoạt động của DN.
Đây là chuỗi sự kiện tuyên truyền phổ biến tập trung vào các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam vừa tham gia, gồm Hiệp định CPTPP và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).
Chuỗi sự kiện này có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhằm nâng cao nhận thức cho DN và cộng đồng về những cam kết cũng như hỗ trợ DN tận dụng cơ hội mở rộng thị trường tại các nước đối tác của các FTAs này.
Chương trình dự kiến sẽ được thực hiện theo cách làm mới, có tính liên tục và thời sự cao nhằm tạo ra một kênh kết nối, đồng hành giữa Chính phủ và DN nhằm nâng cao hiệu quả thực thi các FTAs này.
Việc tham gia và tham dự các Diễn đàn quan trọng có tính chất chuỗi sự kiện này sẽ là cơ hội để nắm bắt thông tin quan trọng về các Hiệp định thương mại tự do FTAs đồng thời là nơi tuyền thông, quảng bá và chuyển tải thông điệp đến các tổ chức, các DN, các nhà đầu tư và là cơ hội gặp gỡ, giao lưu với cộng đồng DN.
Cần tận dụng triệt để cơ hội từ việc tham gia các FTAs
Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2019, về cơ bản, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường các nước CPTPP có tăng trưởng, trong đó một số thị trường ghi nhận mức tăng trưởng lớn như Ca-na-đa (tăng 32,9%), Mê-hi-cô (tăng 23,4%).
Ngoài ra, có những mặt hàng đạt mức tăng trưởng vượt bậc so với giai đoạn chưa có Hiệp định CPTPP như máy móc, thiết bị, phụ tùng có mức tăng gần 125% sang Ca-na-đa, điện thoại và linh kiện tăng hơn 331% sang Mê-hi-cô.
Mặc dù nhiều DN đã biết tận dụng CPTPP để tăng trưởng xuất khẩu nhưng thống kê cho thấy, tỷ lệ tận dụng ưu đãi vẫn còn rất thấp. Đơn cử như hàng xuất theo mẫu CPTPP chỉ đạt 190 triệu USD trong tổng số 16,4 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu, tương ứng với việc chỉ tận dụng được 1,17%.
Theo kết quả điều tra sự quan tâm của DN với CPTPP đối với 8.600 DN tham gia khảo sát, mặc dù các DN đã có mức độ quan tâm với CPTPP khi có tới 26% doanh nghiệp có tìm hiểu, nhưng vẫn còn hơn 70% DN chưa rõ về CPTPP.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh xung đột giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ và Trung Quốc đang diễn biến ngày càng phức tạp, từ chiến tranh thương mại đã chuyển sang chiến tranh công nghệ và tiền tệ, DN Việt Nam cần tiếp tục tận dụng lợi thế từ việc tham gia các FTAs thế hệ mới trong việc đa dạng hóa bạn hàng thương mại, tránh phụ thuộc vào một thị trường, và quan trọng nhất hiện nay là tăng cường tính chủ động hơn nữa trong việc tìm hiểu, nắm rõ các thông tin, cam kết cụ thể trong các hiệp định này để có kế hoạch, chiến lược kinh doanh phù hợp.
Về phía Chính phủ, cần thúc đẩy quá trình thực thi Hiệp định một cách hiệu quả, kịp thời; cải thiện môi trường kinh doanh để chống chọi lại với bối cảnh có nhiều rủi ro của kinh tế toàn cầu; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Hiệp định, hỗ trợ DN hiểu đúng, hiểu sâu và tận dụng được các cam kết của Hiệp định để đem lại lợi ích thiết thực cho nền kinh tế./.