Nhà máy là điểm nhấn quan trọng trong hành trình TH đưa nông dân đi theo chuỗi sản xuất khép kín, bắt đầu từ khâu nguyên liệu, cùng nông dân làm kinh tế dưới tán rừng, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tri thức, phát huy nguồn gen quý của các cây bản địa để sản xuất các sản phẩm hoàn toàn từ thiên nhiên, vì sức khỏe cộng đồng, phát triển nông nghiệp bền vững tại Sơn La và vùng Tây Bắc.
Được khởi công từ tháng 1/2018, Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ đi vào sản xuất giai đoạn 1 (2020-2025) với công suất chế biến 300 tấn rau, hoa quả, thảo dược; mức đầu tư 1.200 tỷ đồng, giải quyết được 15.000 ha vùng nguyên liệu.
Ở giai đoạn 1, nhà máy sẽ tạo công ăn việc làm cho gần 200 lao động làm việc trực tiếp tại nhà máy, hàng chục ngàn lao động gián tiếp trên địa bàn tỉnh Sơn La và các tỉnh lân cận.
Không chỉ phát triển kinh tế, sự xuất hiện tiên phong của một doanh nghiệp lớn và uy tín như Tập đoàn TH ở một huyện 30A, vùng cao, khó khăn của Sơn La, sẽ thu hút thêm nhiều doanh nghiệp về đầu tư.
Giai đoạn 2 (sau năm 2025), toàn dự án tăng mức đầu tư lên 3.500 tỷ đồng, giải quyết hơn 35.000 ha nguyên liệu. Trước mắt nhà máy tập trung vào chế biến các loại quả như: nhãn, ổi, xoài, cam, chanh leo, táo mèo... và sản xuất các loại nước ép rau củ quả hoàn toàn tự nhiên, an toàn.
Chia sẻ tại sự kiện, bà Thái Hương, nhà sáng lập Tập đoàn TH biết, dự án này đã được TH ấp ủ 8 năm nay, trong đó mất 4 năm kể từ khi hình thành ra một ý tưởng.
“Chúng tôi luôn muốn hướng đến việc làm thế nào để đưa bà con nông dân gần xa và các tỉnh nghèo khó phát triển, xóa đói giảm nghèo. Và phương án xóa đói giảm nghèo bền vững nhất là đưa họ vào một phương thức canh tác sản xuất”, Bà Hương xúc động chia sẻ.
Phát biểu tại sự kiện, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng vui mừng chia sử, việc Nhà máy chế biến hoa quả tươi và dược liệu Vân Hồ chính thức đi vào hoạt động, người nông dân nơi đây sẽ không còn nỗi lo “được mùa mất giá”, hay lo về đầu ra của sản phẩm sản xuất được.
“Việc xuất hiện nhà máy sử dụng công nghệ hiện đại bậc nhất thế giới tại Việt Nam là một bước đột phá trong nông nghiệp hàng hóa của tỉnh Sơn La. Nhà máy hoạt động sẽ không chỉ tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động làm việc trực tiếp tại nhà máy và hàng chục ngàn lao động gián tiếp trên địa bàn tỉnh, mà sẽ còn thúc đẩy sản xuất nông nghiệp chất lượng cao để tỉnh Sơn La đưa thương hiệu hoa quả đáng tự hào của mình phát triển bền vững và vươn xa hơn nữa ra thế giới…” - Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh.
Với sự tư vấn của Ngân hàng TMCP Bắc Á, nhà máy hướng đến phát triển bền vững, đưa người nông dân vào chuỗi sản xuất khép kín mà TH là doanh nghiệp dẫn dắt. Từ định hướng liên kết nhà nông thông qua các Hợp tác xã, xây dựng chuỗi sản xuất, Tập đoàn TH sẽ hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, sơ chế. Trong mô hình này, hợp tác xã sẽ như một mắt xích trong chuỗi giá trị sản phẩm, đưa ra kế hoạch sản xuất, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cũng như yêu cầu về chất lượng sản phẩm.
Toàn tỉnh Sơn La hiện có 72.000 ha tổng diện tích cây ăn quả và cây táo mèo, tăng gấp 3 lần so với diện tích năm 2015, là tỉnh có diện tích cây ăn quả đứng thứ hai trên toàn quốc. Tỉnh cũng xây dựng được 90 chuỗi cung ứng quả an toàn, 161 mã số vùng trồng 4.300 ha cây ăn quả xuất khẩu sang Trung Quốc, Mỹ, Úc… Tuy vậy, nguồn lực đất đai và tiềm năng phát triển diện tích cây ăn quả vẫn còn rất lớn.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Sơn La, Nhà máy đi vào hoạt động sẽ có sức lan tỏa lớn thúc đẩy các cộng đồng DN, hợp tác xã và các hộ dân trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp gắn với chế biến. Đồng thời, nhà máy là hạt nhân để gây dựng tiếp các vùng trồng hoa quả đặc sản, đưa thương hiệu hoa quả của tỉnh Sơn La vươn xa hơn nữa.
Về quy hoạch vùng nguyên liệu, Tập đoàn TH dự kiến triển khai liên kết với nông dân các vùng trồng hoa quả trọng điểm ở Sơn La như các huyện trồng nhãn Sông Mã, Mai Sơn, Yên Châu; huyện Vân Hồ (nơi đặt nhà máy); vùng trồng cam ngon nổi tiếng ở huyện Phù Yên, Yên Châu, Mộc Châu và mở rộng sang Cao Phong, Tân Lạc (Hòa Bình); Vân Hội (Trấn Yên, Yên Bái). Dự án cũng đồng hành cùng nông dân đẩy mạnh kết hợp trồng cây ăn quả và dược liệu để phát triển du lịch vùng miền tại địa phương, làm kinh tế dưới tán rừng.
Cũng trên địa bàn huyện Vân Hồ, tập đoàn TH đang tiếp tục triển khai Dự án Phát triển rau, củ, quả và dược liệu Sơn La. Dự án dự kiến trồng các loại cây ăn quả đặc sản và dược liệu với quy mô đầu tư 1.100 tỷ đồng, tạo nguồn nguyên liệu trên diện tích đất hơn 1.000 ha.
Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ- Sơn La là nhà máy sử dụng công nghệ trích ly hoàn toàn tự động và công nghệ chế biến áp suất cao HPP. Trong đó, chế biến áp suất cao HPP là một trong những công nghệ hiện đại nhất trên thế giới hiện nay. Với kỹ thuật này, các sản phẩm sẽ được chế biến bằng áp suất cao trong thời gian ngắn thích hợp mà không dùng nhiệt, giúp lưu giữ được nhiều nhất màu sắc, hương vị thơm ngon và giá trị dinh dưỡng của rau, củ, trái cây tươi mà vẫn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Bởi chi phí đầu tư thiết bị cao mà đến nay DN ứng dụng công nghệ này ở Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung vẫn còn rất ít.
Đây là nhà máy đầu tiên tại Việt Nam chế biến sản phẩm cam, nhãn cô đặc, trên dây chuyền hiện đại hàng đầu thế giới. Nhà máy được lắp đặt bởi Tổng thầu Rieckermann của Đức và sử dụng thiết bị do Công ty Bertuzzi của Italia sản xuất. Dây chuyền của Bertuzzi là dây chuyền thế hệ mới nhất, chế biến trái cây với tính đồng bộ và tự động hóa cao từ khâu rửa quả tự động, tách vỏ, trích ly đến cô đặc và đóng gói. Dây chuyền này cũng được ứng dụng những công nghệ mới và hiện đại nhất, có khả năng mở rộng và tích hợp để có thể chế biến nhiều loại trái cây khác như táo mèo, chanh leo, xoài, ổi, bưởi... Trong đó, Nhà máy cũng chọn sản phẩm chủ lực là chế biến cam, nhãn cô đặc- là nhà máy đầu tiên tại Việt Nam chế biến dòng sản phẩm này để phân phối B2B.
Đây là nhà máy có tỷ lệ thu hồi nước ép cao (lên tới 80%), tiết kiệm nhiên liệu (tối ưu hóa năng lượng, tiết kiệm điện) và là hình mẫu của kinh tế tuần hoàn. Chất thải của nhà máy là các bã trái cây đã được nghiền nát, được dẫn ra khỏi nhà máy tới nhà chứa bã bằng trục vít khép kín. Tại đây bã sẽ được phơi khô làm phân bón, chất đốt hoặc làm thức ăn cho thủy sản. Qui trình này hoàn toàn khép kín, bảo vệ môi trường.
Về mặt thị trường, theo dự báo toàn cầu đến 2022 của "Fruit & Vegetable Processing Market", thị trường trái cây và rau quả chế biến toàn cầu sẽ đạt 346 tỷ USD, mức phát triển này tăng trưởng lũy kế (CAGR) khoảng 7 %/năm kể từ năm 2017. Điều đó cho thấy người tiêu dùng thế giới đã rất quan tâm đồ uống hoa quả tự nhiên.
Cùng với xu thế chung trên thế giới, người tiêu dùng Việt Nam đã chú ý lựa chọn dùng các loại nước giải khát có nguồn gốc thiên nhiên, giàu vitamin và khoáng chất. Việc tập đoàn TH đầu tư chế biến quả và đồ uống hoa quả hoàn toàn từ thiên nhiên sẽ giúp người tiêu dùng có thêm lựa chọn sử dụng sản phẩm tốt cho sức khỏe, đảm bảo dinh dưỡng lành mạnh.