Hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động hàng không dân dụng
Phát biểu tại phiên họp, đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết, sau hơn 16 năm thực hiện Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2014 (sau đây gọi tắt là Luật Hàng không dân dụng Việt Nam), hoạt động hàng không dân dụng đã được tổ chức, vận hành trong một hệ thống thống nhất, đồng bộ, chịu sự quản lý nhà nước về hàng không dân dụng của Bộ Giao thông vận tải, Nhà chức trách hàng không, đảm bảo nguyên tắc: tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm an ninh, an toàn hàng không, khai thác có hiệu quả tiềm năng về hàng không dân dụng để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bên cạnh đó, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam đã tạo cơ sở pháp lý cho việc thiết lập hệ thống quản lý và giám sát an toàn hàng không phù hợp với tiêu chuẩn của ICAO; công tác quản lý hoạt động bay được hoàn thiện hơn trên nhiều mặt, đảm bảo năng lực giám sát an toàn bay theo tiêu chuẩn quốc tế, tạo điều kiện cho các hãng hàng không tiếp cận không hạn chế tới các thị trường Bắc Mỹ, Châu Âu; đồng thời được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia đứng đầu khu vực về năng lực giám sát, quản lý an toàn hàng không.
Dây chuyền cung ứng các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay, hệ thống cơ sở điều hành bay đảm bảo độ tin cậy, tính sẵn sàng, mức độ dự phòng và an toàn khai thác ở mức cao cho tất cả vùng trời sân bay, vùng FIR do Việt Nam quản lý, điều hành.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đã đạt được, quá trình triển khai thi hành Luật Hàng không dân dụng Việt Nam đã xuất hiện một số tồn tại, hạn chế như: thiếu hụt nguồn lực, cơ chế đặc thù để bảo đảm triển khai trách nhiệm của Cảng vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay; thiếu các quy định cụ thể để gắn trách nhiệm của UBND các cấp trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hàng không dân dụng tại địa phương;...
Vì vậy, việc xây dựng Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (sửa đổi) là cần thiết nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực hàng không dân dụng; tăng cường quản lý nhà nước, thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay; thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai pháp luật về hàng không dân dụng.
Tập trung vào những quy định đặc thù liên quan đến đầu tư xây dựng, quản lý và khai thác cảng hàng không, sân bay
Phát biểu tại phiên họp, đại diện Bộ Công an nhấn mạnh, việc xây dựng Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Hàng không dân dựng Việt Nam (sửa đổi) cần bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 24/02/2023 về nâng cao năng lực bảo đảm an ninh, an toàn hàng không trong tình hình mới, trong đó quy định “Bộ Công an chủ trì, chỉ đạo phối hợp Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng điều hành, tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh hàng không đặt trong tổng thể hệ thống an ninh quốc gia”.
Vì vậy, đồng chí đề nghị chỉnh lý Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật về các nội dung liên quan đến bảo đảm an ninh hàng không theo hướng Bộ Công an là cơ quan quản lý nhà nước về an ninh hàng không, chủ trì, chỉ đạo, phối hợp, điều hành, tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh hàng không đặt trong tổng thể hệ thống an ninh quốc gia. Ngoài ra, đồng chí đề nghị ban soạn thảo làm rõ phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật sửa đổi, cụ thể hoạt động bay, phương tiện bay công vụ sẽ được điều chỉnh theo quy định của Luật này hay tại các văn bản quy phạm pháp luật khác.
Còn đại diện Bộ Ngoại giao cho biết, hiện dự thảo Luật sửa đổi bổ sung trách nhiệm đăng ký với Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) của Bộ Giao thông vận tải với thỏa thuận chuyển giao nghĩa vụ giữa quốc gia đăng ký quốc tịch tàu bay và quốc gia của người khai thác tàu bay để phù hợp với Điều 83bis Công ước Chicago về hàng không dân dụng quốc tế. Tuy nhiên, đồng chí đánh giá, thỏa thuận nêu trên được ký kết giữa hai quốc gia về việc chuyển tàu bay có thể được hiểu là điều ước quốc tế, và theo Luật Điều ước quốc tế năm 2016 thì Bộ Ngoại giao sẽ thực hiện các thủ tục đối ngoại liên quan đến thỏa thuận này. Vì vậy, cơ quan soạn thảo cần rà soát, làm rõ quy định, thực tiễn ký kết các thỏa thuận theo quy định của ICAO; trong trường hợp là điều ước quốc tế cần thực hiện thủ tục theo Luật Điều ước quốc tế năm 2016.
Đồng chí cho biết thêm, Điều 71 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam hiện hành quy định “thành viên tổ bay” bao gồm những người được khai thác tàu bay, được chỉ định để thực hiện nhiệm vụ trong chuyến bay (gồm tổ lái, tiếp viên hàng không và các nhân viên khác được yêu cầu thực hiện chuyến bay). Tuy nhiên thực tế, một số nước có yêu cầu về quy chế thị thực cho “thành viên tổ bay” khi họ nhập cảnh như hành khách nhưng xuất cảnh là tư cách thành viên tổ bay, hoặc nhập cảnh với tư cách thành viên tổ bay nhưng rời Việt Nam như hành khách.
Trên cơ sở Phụ ước 9 (Annex 9) của Công ước Chicago 1944, nước ta đã đồng ý miễn thị thực cho đối tượng nêu trên. Do đó, đồng chí đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung định nghĩa về “thành viên tổ bay” bao gồm các đối tượng trên "mang theo thẻ thành viên tổ bay của hãng hàng không mình nhập/xuất cảnh Việt Nam trên các chuyến bay thương mại như hành khách để thực hiện nhiệm vụ trên các chuyến bay quốc tế đến hoặc rời Việt Nam".
Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đánh giá các ý kiến thảo luận từ thành viên Hội đồng có tính xây dựng cao, tâm huyết; hồ sơ thẩm định đề nghị xây dựng Luật sửa đổi cũng được cơ quan chủ trì soạn thảo chuẩn bị đầy đủ, tuân thủ theo đúng quy trình của Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020).
Nội dung 5 chính sách được đề xuất phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước; tuy nhiên cần rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để đảm bảo tính thống nhất của dự thảo Luật sửa đổi với hệ thống pháp luật, đặc biệt là với Luật Phòng không nhân dân đang được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung, củng cố nội dung sự cần thiết xây dựng Luật Hành không dân dụng Việt Nam; đánh giá kỹ tác động của các chính sách tới thủ tục hành chính và về giới (nếu có); phối hợp với Bộ Ngoại giao rà soát sự phù hợp của dự thảo Luật sửa đổi với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Để hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (sửa đổi), Thứ trưởng đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình thêm các nội dung chính sách; đặc biệt với chính sách 4, cơ quan soạn thảo cần tập trung vào những quy định đặc thù liên quan đến đầu tư xây dựng, quản lý và khai thác cảng hàng không, sân bay; đồng thời đề xuất các giải pháp để giải quyết những khó khăn, vướng mắc của Luật hiện hành trong lĩnh vực này.
Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (sửa đổi) tập trung vào 5 chính sách: (1) Hoàn thiện khung pháp lý về công tác quản lý nhà nước chuyên ngành về hàng không dân dụng; (2) Hoàn thiện khung pháp lý về an toàn hàng không; (3) Hoàn thiện khung pháp lý về an ninh hàng không; (4) Hoàn thiện khung pháp lý về đầu tư xây dựng, quản lý và khai thác cảng hàng không, sân bay; (5) Hoàn thiện khung pháp lý về vận chuyển hàng không. |