Ngân hàng cạn “room”, khách khó vay
Sau nhiều năm dành dụm, vợ chồng chị Kim Anh (32 tuổi, quê Quảng Ninh) quyết tâm mua một căn nhà tại Hà Nội, có giá bán trên 3 tỷ đồng. Trừ đi số tiền tiết kiệm và được bố mẹ hai bên cho, chị cần vay ngân hàng thêm hơn 1 tỷ nữa. Chị Kim Anh cho biết, hai vợ chồng chị cứ nghĩ có thu nhập ổn định và ở mức cao, lại là vay mua nhà lần đầu thì sẽ dễ dàng, ai dè phải chạy vạy khắp nơi suốt mấy tuần qua.
“Một số ngân hàng chỉ nói đã hết room, còn đa số hẹn tôi sang tháng 7 giải ngân, khổ nỗi chủ nhà cần tiền gấp nên không đợi được", chị Kim Anh tâm sự.
Hiện chị đã vay mượn bạn bè và người thân, mỗi người một ít để thanh toán cho chủ nhà. Trong lúc này, chị giữ liên lạc với nhân viên ngân hàng chờ tin báo nới room.
Chị Ngọc Mai, nhân viên tín dụng của một ngân hàng cổ phần lớn trên địa bàn TP Hà Nội cho biết, theo thông báo từ lãnh đạo chi nhánh, ngân hàng gần cạn hạn mức tăng trưởng tín dụng từ tháng 4. Trong những tháng gần đây, việc giải ngân khăn hơn do phải kiểm soát chặt chỉ tiêu. "Bây giờ, cho vay thêm khá khó và không thể nhanh chóng như trước. Bên mình chỉ được giải ngân tương ứng với phần thu nợ trong ngày. Nên việc cho vay mới diễn ra chậm và phải cân đối rất kỹ".
Tình trạng cạn ''room'' cũng được phản ảnh từ nhiều nhân viên và khách hàng thuộc nhóm ngân hàng cổ phần có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao trong những tháng đầu năm. Ngược lại, hoạt động giải ngân vẫn diễn ra bình thường tại một số nhà băng lớn mới tăng tín dụng vừa phải những tháng qua.
Được biết, ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lần đầu cho các ngân hàng. Tuy nhiên, chỉ sau 3 tháng đầu năm, một số nhà băng đã chạm trần ''room'' tín dụng được cấp.
Số liệu của NHNN cho thấy, tốc độ tăng của tín dụng đã có phần chậm lại trong hai tháng trở lại đây khi chỉ mở rộng thêm 1,78 điểm %, ít hơn nhiều so với mức tăng 5,97% của quý I.
SSI Research cho rằng, nguyên nhân một phần là do thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang trong giai đoạn chững lại (giao dịch trái phiếu doanh nghiệp được tính trong tăng trưởng tín dụng). Một phần khác, tăng trưởng tín dụng tại hầu hết các ngân hàng lớn đã gần chạm mức trần tín dụng mà NHNN đặt ra đầu năm, và do vậy giải ngân tín dụng mới sẽ được các ngân hàng cân nhắc hơn.
Ngân hàng chờ nới room tín dụng
Tại Hội nghị do NHNN tổ chức mới đây, ông Nguyễn Việt Cường, Phó Tổng giám đốc Vietcombank nhận định, nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp sau 2 năm COVID-19 giống như cơn khát nước sau trận hạn hán, nên tăng lên rất nhanh. Với ''room'' tín dụng hiện nay, chắn chắc sẽ không đáp ứng đủ. Vì vậy, đại diện Vietcombank đề nghị NHNN nới ''room'' tín dụng cho các ngân hàng một cách phù hợp để tham gia hỗ trợ khách hàng.
Đại diện Ngân hàng Sacombank cho biết, ngân hàng đã sử dụng gần hết ''room'' tín dụng mà NHNN giao hồi đầu năm (7%). Đây cũng là lý do Sacombank có văn bản yêu cầu các giám đốc khu vực, giám đốc chi nhánh và trưởng phòng giao dịch không cấp tín dụng cho các giao dịch bất động sản mới kể từ ngày 23/3/2022 đến hết ngày 30/6/2022. Quy định này không áp dụng đối với cán bộ nhân viên và người thân mua, xây, sửa bất động sản để ở. Lãnh đạo Sacombank kỳ vọng sẽ sớm được nới ''room'' để có thêm dư địa cho vay.
Tương tự, đại diện ngân hàng Standard Chartered tại Việt Nam cho rằng khi chưa gói hỗ trợ lãi suất thì nhu cầu tín dụng đã cao rồi, nay có thêm gói hỗ trợ lãi suất 2% thì nhu cầu càng cao hơn. Do đó, vị này cũng kiến nghị NHNN nới ''room'' tín dụng.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng đánh giá: "Nhu cầu vốn hiện nay là rất lớn, nhu cầu tăng trưởng ''room'' tín dụng của các ngân hàng là rất lớn. Do đó, cần cân đối với mức lạm phát để đưa ra ngưỡng tăng trưởng tín dụng hợp lý, nếu không sẽ rất khó cho các ngân hàng khi điều kiện đủ nhưng lại không thể giải ngân do hết room".
Nhu cầu từ phía các ngân hàng và từ nền kinh tế là vậy, nhưng cho đến thời điểm hiện tại, Ngân hàng Nhà nước cũng chưa hé lộ quan điểm rõ ràng việc việc có cho nới “room”, hoặc nới ở mức độ nào. Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan quản lý hiểu rõ việc các ngân hàng thương mại cần tăng hạn mức tín dụng. Tuy nhiên, thời điểm tăng, mức tăng bao nhiêu cần phải tính toán rất thận trọng, phù hợp với các cân đối vĩ mô.
Trong khi đó, hiện tại nguy cơ lạm phát vẫn đang là một mối lo tiềm ẩn trong việc điều hành chính sách tiền tệ và đây có thể đang là bài toán khó cho cơ quan quản lý ngành ngân hàng trong việc cân đối giữa một bên là rủi ro lạm phát, một bên là nhu cầu đẩy mạnh tín dụng của các ngân hàng thương mại. Thông tin liên quan đến giá xăng tiếp tục cho thấy những sức ép đang còn gia tăng lên giá cả các mặt hàng, khi giá xăng dầu có thể sẽ vẫn tăng do ảnh hưởng của giá thế giới.
Trước những nguy cơ lạm phát tiềm ẩn, trong khi lãi suất đầu ra của các ngân hàng đang phải giữ ở mức hợp lý, để đảm bảo việc hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp và nền kinh tế, thì một trong những công cụ hữu hiệu mà Ngân hàng Nhà nước có thể sử dụng trong thời điểm này vẫn là “room”. Ngay cả một số chuyên gia độc lập cũng vẫn cho rằng, “room” tuy là một công cụ hành chính, nhưng vẫn còn cần thiết trong việc điều hành thị trường tiền tệ trong giai đoạn hiện nay.
Năm 2021, NHNN đã có 2 đợt nới hạn mức tăng trưởng tín dụng tín dụng cho các ngân hàng thương mại trong năm 2021. Lần 1 diễn ra vào trung tuần tháng 7 và lần 2 thực hiện vào cuối tháng 11. Kết quả, TPBank là nhà băng được cấp ''room'' tín dụng cao nhất, lên đến 23,4%; ba ngân hàng khác được cấp hạn mức trên 21% bao gồm Techcombank (22,1%), MSB (22%) và MB (21%). Theo sau lần lượt là VIB (19,1%), VPBank (17,1%), Vietcombank (15%), OCB (15%), ACB (13,1%), VietinBank (12,5%), BIDV (12%),...