Trong họp báo diễn ra ở San Francisco ngày 5/12, Phó Chủ tịch Intel Ann Kelleher, người đứng đầu bộ phận phát triển công nghệ, chia sẻ : “Công ty đang đi đúng hướng. Chúng tôi đã đặt mục tiêu cho từng quý và hoàn thành tốt cột mốc đã đề ra."
Trong những năm gần đây, hãng chip của Mỹ bị tụt lại so với các đối thủ sau một loạt trì hoãn trong việc đưa công nghệ sản xuất tiên tiến ra thị trường. Đến tháng 7 năm ngoái, Ông Pat Gelsinger, CEO của Intel đã tuyên bố công ty đang lên kế hoạch giành lại vị trí dẫn đầu trong công nghệ sản xuất. Đây vốn là nền tảng giúp công ty giữ ngôi vị thống trị trong ngành công nghiệp trị giá 580 tỷ USD suốt một thập kỷ.
Hiện tại, bộ phận phát triển công nghệ của bà Kelleher đang cố gắng tăng tốc để nhanh chóng ứng dụng những quy trình và công nghệ mới trong sản xuất.
Nếu kế hoạch thành công, Intel sẽ đảo ngược tình thế, giành lại được thị phần đã mất vào tay các đối thủ như Advanced Micro Devices Inc và Nvidia. Những sản phẩm tiên tiến hơn sẽ giúp Intel thu hút thêm khách hàng, gia tăng sức cạnh tranh với công ty bán dẫn của Đài Loan TSMC và Samsung Electronics trong lĩnh vực kinh doanh được gọi là xưởng đúc hay sản xuất chip cho công ty khác.
Bên cạnh đó, bà Kelleher cho biết Intel đã lên kế hoạch dự phòng để sẵn sàng đối phó với mọi tình huống phát sinh, đảm bảo hoàn thành mục tiêu đúng thời hạn đề ra trên con đường giành lại vị trí hàng đầu.
Hãng chip của Mỹ đang cố gắng cải thiện năng lực sản xuất trong bối cảnh doanh thu lao dốc và nhu cầu về máy tính cá nhân giảm mạnh.
Trong quý thứ 3/2022, Intel ghi nhận doanh thu 15,3 tỷ USD, giảm 20% so với mức 19,2 tỷ USD của một năm trước. Thu nhập ròng của công ty chỉ đạt 1 tỷ USD, giảm 85% so với cùng kỳ năm ngoái. Song song với đó, doanh thu từ mảng kinh doanh chính của hãng, mảng máy tính khách hàng trong đó có bộ vi xử lý cho máy tính cá nhân, cũng giảm 17%.
Tháng 10 vừa qua, Intel thông báo sẽ sa thải khoảng 20% nhân sự và thu hẹp khoản vốn đầu tư cho các nhà máy mới. Cụ thể, công ty dự kiến cắt giảm 3 tỷ USD chi phí đầu tư vào năm 2023 và 10 tỷ USD vào năm 2025. Riêng phần ngân sách phát triển công nghệ vẫn được đảm bảo và sẽ không bị ảnh hưởng bởi kế hoạch cắt giảm chi phí của công ty.
Hiện mới chỉ có 3 hãng Intel, TSMC và Samsung có thể sản xuất chip sử dụng công nghệ dưới 10 nm.
"Ông lớn" Samsung Electronics đã thành công sản xuất số lượng lớn chip xử lý tiến trình 3nm hiện đại nhất vào ngày 30/6 và xuất xưởng lô hàng đầu tiên vào ngày 25/7. Nhà sản xuất TSMC của Đài Loan cũng bắt đầu sản xuất hàng loạt chip 3nm hồi cuối tháng 10.
Trong khi đó, Intel hiện mới chỉ đang sản xuất chip 7nm. Tuy nhiên, bà Kelleher cho biết, công ty đã sẵn sàng bắt đầu sản xuất chip 4 nm trong thời gian tới và sẽ sớm chuyển sang chip 3 nm vào nửa cuối năm 2023.
Hiện tại, công nghệ sản xuất của Samsung và TSMC dường như đã vượt qua Intel. Cả hai công ty châu Á hiện đang là trung tâm của chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong đó, TSMC là công ty tiên phong trong lĩnh vực xưởng đúc đảm nhận việc sản xuất linh kiện cho các đối tác lớn như Apple, Qualcomm, Amazon, cũng như đối thủ cạnh tranh của Intel tại thị trường châu Âu như AMD và Nvidia.