Trong sự kiện ra mắt trực tuyến ngày 2/6, Huawei thông báo kế hoạch sử dụng hệ điều hành Harmony trên một lượng lớn sản phẩm điện thoại thông minh. Hãng công nghệ Trung Quốc cũng giới thiệu một số thiết bị thông minh khác đã chạy hệ điều hành "nhà làm" của tập đoàn này.
Trong năm ngoái, các lệnh cấm áp đặt với Huawei dưới thời cựu tổng thống Mỹ Donald Trump khiến thiết bị điện tử của Huawei không thể hoạt động đầy đủ trên nền tảng Android. Dù không buộc Huawei phải ngưng hẳn sử dụng hệ điều hành Android trên các thiết bị, song những lệnh cấm này đã khiến điện thoại Huawei mất tính cạnh tranh khi không thể sử dụng một số ứng dụng thiết yếu như Gmail.
Hiện, Samsung, Xiaomi và nhiều nhà sản xuất điện thoại nổi tiếng thế giới khác ngoài Apple đều đang sử dụng hệ điều hành Android của Google. Việc thuyết phục các nhà sản xuất sử dụng hệ điều hành Harmony là một cuộc chiến khó khăn.
Với mạng lưới các nhà phát triển phần mềm sẵn có cùng với hàng tỷ người tiêu dùng đã quen sử dụng giao diện của hệ điều hành Android, có thể khẳng định Google đang thống trị thị trường phần mềm điện thoại thông minh.
Trước đây, Samsung, Microsoft và Amazon từng thử sức song đều thất bại trong nỗ lực tạo ra một hệ điều hành riêng của họ thay cho Android.
Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, đang chạy đua để cắt giảm sự phụ thuộc vào công nghệ do Mỹ sản xuất, đồng thời dần chuyển trọng tâm sang lĩnh vực phần mềm sau khi bán mảng điện thoại bình dân vào năm ngoái. Nỗ lực này càng trở nên cấp thiết hơn kể từ khi Huawei bị Mỹ cấm tiếp cận với nguồn cung chip và công nghệ sản xuất chip từ tháng 8 năm ngoái.
Đầu năm nay, người đứng đầu bộ phận phát triển phần mềm của Huawei Wang Chenglu cho biết, mục tiêu của tập đoàn này là từ nay tới cuối năm sẽ cài đặt hệ điều hành Harmony cho trên 200 triệu thiết bị của hãng, trong đó có hơn 100 triệu thiết bị do các công ty thuê ngoài sản xuất.
Thách thức lớn nhất của Huawei lúc này là xây dựng một hệ sinh thái gồm các nhà phát triển phầm mềm, tìm kiếm lượng người dùng đủ lớn để lôi kéo các nhà phát triển cũng như thuyết phục các nhà cung cấp bên ngoài bỏ qua việc thử nghiệm mà tiến thẳng tới việc sử dụng hệ điều hành mới.
“Đó là một bước nhảy vọt khổng lồ,” chuyên gia phân tích Nicole Peng thuộc công ty nghiên cứu thị trường Canalys cho biết. Từ trước tới nay, chưa có hãng nào thành công trong việc tự tạo ra một hệ điều hành riêng. “Sẽ phải mất rất rất nhiều năm để xây dựng được hệ sinh thái cũng như khiến tất cả các bên liên quan chấp nhận và thấy được lợi ích từ nó.”
Theo ông Handel Jones, giám đốc điều hành của công ty tư vấn International Business Strategies Inc., Huawei sẽ lợi thế trong việc thúc đẩy sử dụng hệ điều hành mới của mình ở Trung Quốc, nơi sự phụ thuộc vào các ứng dụng của Google thấp hơn. Dự kiến, tỷ lệ chấp nhận hệ điều hành Harmony trên thị trường đại chúng tại quốc gia này trong thập kỷ tới “là 80 đến 90%”.
Ngoài ra, Huawei cũng có thể tìm cách bán phần mềm của mình cho các nhà cung cấp lớn của châu Phi, nơi hệ điều hành cũng như các ứng dụng phần mềm cho điện thoại di động của Google vẫn chưa có nhiều ảnh hưởng rõ ràng.
Tuy nhiên, tại Mỹ, Châu Âu, Ấn Độ và các quốc gia khác nơi Google Apps thống trị thì sẽ không dễ dàng như vậy.
Thực tế, Huawei đã ra mắt hệ điều hành Harmony tại một sự kiện dành cho các nhà phát triển ở thành phố Đông Quan, miền Nam Trung Quốc hồi năm 2019 và được giới thiệu là một hệ điều hành mã nguồn mở tương tự Google Android. Từ đó, Huawei đã nuôi tham vọng sử dụng hệ điều hành này cho các thiết bị tiêu dùng của hãng như máy tính xách tay, máy tính cá nhân, điện thoại và đồng hồ thông minh… Tuy nhiên mãi cho tới năm ngoái, Huawei mới có thể cung cấp hệ điều hành này cho các nhà sản xuất điện thoại thông minh khác.
Các đại diện của Xiaomi, Oppo và Vivo của BBK Electronics Co., ba thương hiệu điện thoại di động lớn nhất Trung Quốc, hiện đều từ chối trả lời các câu hỏi về việc liệu họ có sẵn sàng sử dụng hệ điều hành của Huawei hay không.