Ngày pháp luật

HSBC: Tài chính là yếu tố quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của nhân loại

An An

HSBC có nhiều sản phẩm tài chính bền vững đa dạng có thể đáp ứng nhu cầu của khác hàng như khoản vay xanh (green loan), khoản vay xã hội (social loan).

Tại Diễn đàn nhịp cầu phát triển Việt Nam (Vietnam Connect Forum) 2024 mới đây, bà Lâm Thúy Nga, Giám đốc toàn quốc Khối Khách hàng doanh nghiệp lớn, HSBC Việt Nam đã chia sẻ góc nhìn của HSBC về vai trò của tài chính trong việc xây dựng một tương lai bền vững, sự đồng hành của HSBC trên hành trình hướng đến cân bằng phát thải của Việt Nam cũng như một số trở ngại cần tháo gỡ, nhằm khai thông dòng chảy vốn xanh.

Việt Nam trên hành trình chuyển dịch bền vững

Theo ước tính của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (IPCC), 3.000 tỷ USD là khoản đầu tư thế giới cần mỗi năm để giữ mức độ nóng lên của trái đất ở con số 2 độ C vào cuối thế kỷ này.

Con số này một lần nữa nhấn mạnh tài chính là yếu tố quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của nhân loại. Chính các ngân hàng sẽ đóng vai trò trung tâm trong việc huy động và điều hướng các nguồn vốn xanh cần thiết để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” trên toàn cầu.

HSBC: Tài chính là yếu tố quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của nhân loại - Ảnh 1

Trên thực tế ngành tài chính đã có những cam kết đầy tham vọng trị giá hàng nghìn tỷ USD hướng đến “Net zero”. Ví dụ, Tập đoàn HSBC từng tiên phong trong các hoạt động bền vững toàn cầu nhiều năm qua đã cam kết cung cấp tài chính và đầu tư tài chính giá trị từ 750 tỷ USD đến 1.000 tỷ USD để hỗ trợ khách hàng trên toàn thế giới chuyển dịch sang các phương thức kinh doanh bền vững hơn và cân bằng phát thải các-bon vào năm 2050.

Tại Việt Nam, HSBC cũng đã và đang tham gia hỗ trợ thu xếp nguồn vốn tài trợ trực tiếp và gián tiếp cho các dự án bền vững của Việt Nam và các doanh nghiệp tại Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam thực hiện cam kết về cân bằng phát thải đưa ra tại COP26.

“Là một trong những tổ chức tài chính lớn nhất thế giới, HSBC hoàn toàn ý thức được vai trò của mình và tập trung hỗ trợ hiện thực hóa mục tiêu hướng đến một nền kinh tế toàn cầu cân bằng phát thải. Đây chính là một trụ cột trong chiến lược kinh doanh của chúng tôi”, bà Lâm Thúy Nga cho biết.

Tập đoàn HSBC đặt mục tiêu đạt được cân bằng phát thải trong vận hành và chuỗi cung ứng của mình vào năm 2030, còn đối với danh mục tài trợ của HSBC là năm 2050. Từ nay đến lúc đó, HSBC sẽ làm việc với khách hàng để giúp họ giảm phát thải và mở rộng quy mô giải pháp các-bon thấp, đồng thời cũng tự giảm phát thải trong hoạt động của bản thân ngân hàng như giảm phát thải khí nhà kính, giảm tiêu thụ điện, nước, xử lý rác thải...

“Sự thay đổi này sẽ không diễn ra trong ngày một ngày hai, các doanh nghiệp và các nền kinh tế đều cần thời gian để dần dần giảm bớt các hoạt động phát thải nhiều các-bon. Chúng tôi gọi đó là quá trình chuyển dịch hướng tới cân bằng phát thải và trên hành trình đó chúng tôi có thể tạo ra tác động lớn thông qua hợp tác cùng các khách hàng để đạt được mục tiêu "Net zero".

Ưu tiên của HSBC là đồng hành cùng khách hàng hướng tới mục tiêu bền vững thông qua các giải pháp tài chính xanh và bền vững”, theo bà Lâm Thúy Nga.

Ở cấp độ tập đoàn, HSBC vừa công bố kế hoạch chuyển dịch hướng đến cân bằng phát thải, vạch ra lộ trình để đạt được mục tiêu đề ra về giảm phát thải thông qua tài trợ trong các ngành phát thải các-bon cao.

Ở Việt Nam, HSBC có nhiều sản phẩm tài chính bền vững đa dạng có thể đáp ứng nhu cầu của khác hàng như khoản vay xanh (green loan), khoản vay xã hội (social loan).

Bà Lâm Thúy Nga cho biết, HSBC có thể hỗ trợ các dự án xanh, dự án công nghệ mới phục vụ cho dịch chuyển cũng như sản phẩm khoản vay liên kết bền vững phù hợp với chiến lược ESG của khách hàng. Sản phẩm này hướng đến mục tiêu khuyến khích khách hàng đạt được những mục tiêu bền vững đặt ra từ trước bằng cách giảm lãi suất cho mỗi chỉ tiêu đạt được.

“Năm 2023, chúng tôi đã thu xếp khoản vay liên kết bền vững đầu tiên trong lĩnh vực dệt may cho một doanh nghiệp lớn trên thị trường. Những mục tiêu bền vững trong thỏa thuận vay liên kết bền vững này phù hợp với trọng tâm của khách hàng về giảm phát thải khí nhà kính (Scope 1 và 2) và tiêu thụ nước. Chúng tôi đang trong giai đoạn cuối cùng để hoàn tất một giao dịch khoản vay xã hội đầu tiên. Đây là một cột mốc quan trọng trong hành trình ESG của chúng tôi”, bà Nga thông tin.

Để phê duyệt tín dụng cho dự án xanh và dự án bền vững, HSBC có những tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Các tiêu chuẩn này phù hợp với quy định quốc tế của Hiệp hội thị trường cho vay và Hiệp hội thị trường cho vay Châu Á - Thái Bình Dương. Với xu hướng hiện nay, nhiều doanh nghiệp cũng đã tự nghiên cứu, làm việc với các bên tư vấn thứ ba để có thể đạt được những tiêu chuẩn khắt khe từ các nhà đầu tư.

Không chỉ đồng hành cùng khách hàng doanh nghiệp, các ngân hàng như HSBC cũng có thể mang đến nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng cá nhân trên hành trình hướng đến “Net zero”, đặc biệt là nhóm khách hàng trẻ. Đó có thể là gói tín dụng xanh giúp họ lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời trên mái nhà hoặc vay mua nhà của những dự án/tòa nhà được chứng nhận là tòa nhà xanh với lãi suất ưu đãi. Bằng cách giảm lợi nhuận, ngân hàng có thể góp phần gia tăng tỷ lệ người tiêu dùng chọn lối sống xanh để chung tay hướng đến mục tiêu bền vững chung.

Bên cạnh đó, việc ngân hàng dùng nguyên liệu tái chế để sản xuất thẻ thanh toán cũng là một cách để người tiêu dùng nhìn thấy nỗ lực vì bền vững của họ theo cách hữu hình hơn. Từ năm 2022, HSBC đã tiên phong chính thức chuyển sang phát hành thẻ nhựa PVC tái chế. Mỗi tấm thẻ mới được làm từ 85% nhựa tái chế có nguồn gốc từ chất thải công nghiệp, giúp giảm phát thải 7g carbon và tiết kiệm 3,18g nhựa.

Ở cấp độ vĩ mô, HSBC đang tích cực hợp tác với các cơ quan Chính phủ và các bộ ngành để chia sẻ kinh nghiệm và hiểu biết chuyên môn, chẳng hạn như ký Biên bản ghi nhớ với Bộ Tài nguyên và Môi trường để hỗ trợ Bộ Xây dựng phương pháp tiếp cận thực tế và khung pháp lý nhằm hiện thực hóa các mục tiêu chuyển dịch của Việt Nam. Đồng thời, HSBC cũng là thành viên của Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 (GFANZ), tham gia hỗ trợ thu xếp 7,75 tỷ USD từ khu vực tư nhân cho Thỏa thuận hợp tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) của Việt Nam.

Khơi thông dòng chảy xanh

Tất nhiên, chặng đường nào cũng có những chông gai gập ghềnh nhất định. Một trong những thách thức lớn nhất cho phát triển bền vững và tài chính bền vững chính là Việt Nam chưa có hệ thống phân loại chi tiết tài chính bền vững để định nghĩa chính xác "xanh" và "bền vững".

Bà Lâm Thúy Nga, Giám đốc toàn quốc Khối Khách hàng doanh nghiệp lớn, HSBC Việt Nam
Bà Lâm Thúy Nga, Giám đốc toàn quốc Khối Khách hàng doanh nghiệp lớn, HSBC Việt Nam

Mặc dù Chính phủ đang nghiên cứu khung pháp lý chính thức nhưng ngành Ngân hàng vẫn đang phải dựa vào hệ thống của nội bộ mỗi ngân hàng và phải tự giám sát liên tục. Việc thiếu vắng những quy định rõ ràng cũng dẫn đến tâm lý chần chừ khi tiến hành dự án bền vững quy mô lớn vốn đòi hỏi phải tuân theo một quy trình tài chính phức tạp.

Một trở ngại khác không nhỏ là hạn chế về dữ liệu và báo cáo. Trong mắt nhà đầu tư, người tiêu dùng và cả nhân viên, báo cáo về chiến lược và hoạt động ESG cho thấy những chỉ số quan trọng phản ánh tình hình "sức khỏe" của doanh nghiệp và tác động doanh nghiệp tạo ra cho thế giới này. Mặc dù vậy, hiện tại, nhiều doanh nghiệp chưa có báo cáo ESG hoặc nếu có thì cũng hạn chế, do bản thân họ cũng chưa hiểu rõ các yêu cầu về dữ liệu ESG.

“Để cải thiện tình hình này, tôi cho rằng các nhà quản lý có vai trò hết sức quan trọng trong việc hướng dẫn doanh nghiệp cũng như có những quy định yêu cầu để tạo thêm động lực cho họ chú trọng hơn vào thu thập, phân tích dữ liệu và làm báo cáo chỉn chu”,bà Lâm Thúy Nga đề xuất.

Hơn 90% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tuy nhiên, chỉ các công ty niêm yết mới phải cung cấp thông tin chiến lược và hiệu quả hoạt động ESG trong báo cáo thường niên. Mặc dù vậy, hầu hết các thông tin được cung cấp đều ở mức cơ bản, không có sự xác nhận của bên thứ ba, ngoại trừ một số lượng khiêm tốn các công ty có chứng chỉ quốc tế. Các nhà đầu tư có thể không thể dùng thông tin đó để đánh giá mức độ áp dụng ESG của công ty, khiến họ chưa tin tưởng để đầu tư.

Đồng thời, các tiêu chuẩn bền vững chung hiện nay đối với doanh nghiệp Việt Nam cũng là rào cản cho việc tiếp cận nguồn vốn vay. Do các tiêu chuẩn chính thức của Việt Nam chưa có hoặc chưa chính thức triển khai, các tổ chức tài chính như HSBC phải dùng các tiêu chuẩn quốc tế và có sự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế của thị trường. Tuy nhiên, những tiêu chuẩn này có thể quá cao đối với hầu hết các công ty, khiến họ không thể tiếp cận được nguồn tài chính bền vững.

Để giúp chuyển dịch dòng vốn xanh và tăng cường phát triển bền vững ở Việt Nam, Chính phủ cần tăng cường tính minh bạch, thắt chặt các quy định liên quan đến ESG và hạn chế độ vênh về thông tin giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp. Trong những năm gần đây, một số doanh nghiệp vừa và nhỏ đã áp dụng việc công bố ESG tự nguyện để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài cũng như để đáp ứng các điều kiện khắt khe của một số thị trường xuất khẩu nhất định như châu Âu. Tuy nhiên, để đạt được kết quả tích cực trên quy mô lớn, việc công bố ESG mạnh mẽ cần phải được pháp luật quy định.

Tin Cùng Chuyên Mục