Bình Dương xây nhà giá rẻ như thế nào?
Nhà ở giá rẻ cho người thu nhập thấp là một vấn đề rất được quan tâm ở TP.HCM trong suốt thời gian qua. Trước những điều kiện để làm nhà giá rẻ theo mô hình của tỉnh Bình Dương, nhiều chuyên gia trong ngành bất động sản đã nghiên cứu và nhận thấy, để làm được nhà giá rẻ 100 triệu đồng ở Bình Dương phải đáp ứng các tiêu chí mà không phải nơi nào ở TP.HCM cũng đáp ứng được.
Theo đó, những khu nhà ở xã hội của Bình Dương đã được quy hoạch hoặc nằm cạnh các khu công nghiệp, đã được đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, giao thông thuận lợi không bị ùn tắc, có cả các tuyến xe buýt nhanh, đã có hệ thống hạ tầng xã hội như trường học, mẫu giáo, nhà trẻ, bệnh viện, công viên, khu thể dục thể thao, vui chơi giải trí, thương mại...
Các chung cư nhà ở an sinh xã hội cao 5 tầng và đặc biệt là không có thang máy (tiết kiệm chi phí) và diện tích 30m2 (20m2 sàn và 10m2 gác lửng).
Nền địa chất công trình vững chắc (đất đồi) nên hầu hết chung cư làm móng đơn, chỉ có một số ít chung cư phải làm móng cọc ngắn với chi phí thấp, và không tốn nhiều chi phí san ủi mặt bằng.
Chi phí giải phóng mặt bằng và các chi phí xây dựng hệ thống công trình công cộng được hỗ trợ, không phân bổ vào giá thành căn hộ.
Những chung cư xây theo cùng một mẫu nên giảm được chi phí thiết kế, và tiết kiệm được thời gian tổ chức triển khai dự án.
Giá bán căn hộ 30m2 dao động từ 100 - 200 triệu đồng tùy theo vị trí tầng. Tầng trệt sẽ có giá cao hơn để bù đắp chi phí xây dựng. Người mua chỉ phải trả trước 10 - 20 triệu đồng là được nhận nhà ở, số tiền còn lại được trả góp trong 15 năm với lãi suất vay ưu đãi. Đặc biệt, tỉnh Bình Dương cũng đã cho phép người mua nhà có thể chuyển nhượng sau 03 năm sử dụng.
TP.HCM cũng làm được nhà giá rẻ
Trước những điều kiện kể trên, HoRea đã chỉ ra rằng, TP.HCM vẫn có khả năng làm được nhà ở xã hội 30m2 có giá bán từ 100 - 200 triệu đồng/căn. Và điều kiện để thực hiện loại hình nhà này chỉ thực hiện được tại một số khu vực có điều kiện tương đồng như tỉnh Bình Dương.
Trên cơ sở đó, Khu chế xuất Linh Trung I, II, III (326 ha), Khu công nghệ cao (913 ha), công viên phần mềm Quang Trung (43 ha), Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (647 ha; trong đó có khoảng 2/3 diện tích thuộc Bình Dương) là những địa điểm khả thi để thực hiện loại hình nhà ở giá rẻ này.
HoRea cũng cho biết thêm, một số nơi như Khu đô thị công nghiệp cảng biển Hiệp Phước (3.600 ha) có điều kiện thuận lợi về quỹ đất nhưng do nền đất yếu, lại chưa phát triển đầy đủ hệ thống hạ tầng, dịch vụ nên chi phí đầu tư loại nhà này sẽ cao hơn. Khu chế xuất Tân Thuận (320 ha) cũng đã điều chỉnh quy hoạch và đã giao cho Công ty Sadeco phát triển dự án nhà ở xã hội phục vụ công nhân, lao động của khu chế xuất.
Báo cáo cũng nêu rõ, với quỹ đất trên, có thể làm được khoảng 10.000 căn hộ nhà ở xã hội 30m2 có giá bán từ 100 - 200 triệu đồng/căn, nhưng sẽ chỉ có khoảng 10.000 người mua được loại nhà này, chiếm khoảng 1% người có nhu cầu. Như vậy, đa số công nhân, lao động, người thu nhập thấp và người nhập cư sẽ không còn loại nhà này để mua, nên chưa đảm bảo công bằng xã hội và cũng chưa giải quyết được nhu cầu rất lớn của xã hội. Trong lúc các khu công nghiệp, khu công nghệ cao lại cần phát triển nhiều nhà ở xã hội cho thuê thì phù hợp với nhu cầu thực tế và của các lớp công nhân, lao động tiếp theo.
Do đó HoRea cho rằng, Bộ Xây dựng, chính quyền thành phố và các cơ quan liên quan cần có sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách để doanh nghiệp có thể đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà thương mại giá rẻ, và hỗ trợ cả người dân để họ có thể dễ dàng tiếp cận nguồn nhà ở này.
Những quan ngại về nhà giá rẻ ở TP.HCM
Trước việc xây dựng nhà giả rẻ 100-200 triệu đồng tại TP.HCM, nhiều nhà xã hội học đã nêu quan điểm rằng nếu xây dựng nhà giá rẻ như vậy thì không thể đảm bảo được cuộc sống cho người dân, mà có thể vô tình tạo thành khu ổ chuột. Những khu vực này sẽ hình thành cả một khu dân trí, văn hóa thấp, tụ tập những gia đình lao động nghèo kinh doanh tự do, dễ làm phát sinh các tệ nạn...
Việc xây dựng nhà giá rẻ còn có thể sẽ thu hút thêm dân nhập cư mà đặc biệt là lao động chân tay về TP.HCM làm việc. Dân quá đông dẫn đến hạ tầng không đáp ứng được, phát sinh nhiều hệ lụy về môi trường, xã hội... Liệu đã đến lúc TP.HCM quan tâm đến chất lượng dân số?